Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng đối với người bệnh tâm thần

GD&TĐ - Trong những năm qua, Bệnh viện tâm thần Hà Nội (BVTT) Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn Thành phố cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân.

Một buổi sinh hoạt CLB của bệnh nhân tại BVTT Hà Nội.
Một buổi sinh hoạt CLB của bệnh nhân tại BVTT Hà Nội.

Qua đó đã khám, phát hiện, phòng ngừa và điều trị kịp thời bệnh tâm thần ngay từ gia đoạn đầu; giúp người bệnh trở về sinh hoạt với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tái phát bệnh phải nhập viện; giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho cả gia đình và xã hội, giảm tình trạng kích động, gây rối, gây hại, mất trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn, giảm mê tín dị đoan, thể hiện sự chia sẻ và tính nhân văn của xã hội.

Phục hồi chức năng cho người bệnh

Với mục tiêu nâng cao chất lượng trong quản lý, điều trị và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh trên cả hai lĩnh vực điều trị, chăm sóc nội trú, ngoại trú tại bệnh viện và quản lý, điều trị, chăm sóc theo dõi tại cộng đồng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Ths. BS Trần Quyết Thắng - Phó Giám đốc BVTT Hà Nội bày tỏ, trước đây nghe đến cụm từ “Người bệnh tâm thần” (chắc hẳn sẽ không ít người nghĩ ngay tới hình ảnh một người đầu tóc rối bời, ăn mặc dơ bẩn, đi lang thang trên đường, nói cười vô cớ hay thậm chí là la hét gây nguy hiểm cho người khác…

“Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh Người bệnh tâm thần mà chúng ta thường thấy cách đây mười mấy, hai mươi năm khi mà Người bệnh tâm thần bị gia đình chối bỏ, xã hội kì thị và chưa được điều trị hợp lý.

Khi trình độ dân trí được nâng cao, y học ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tâm thần thì Người bệnh tâm thần được quan tâm nhiều hơn, được sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiều từ phía Nhà nước cũng như cộng đồng.

Quan trọng hơn nữa là gia đình Người bệnh tâm thần quan tâm đến họ nhiều hơn và ngày càng có niềm tin và y học, vào đội ngũ nhân viên y tế nên đã đưa họ đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời vì thế mà khả năng hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng của NBTT ngày càng cao…”, Ths. BS Trần Quyết Thắng chia sẻ.

Theo Ths. BS Trần Quyết Thắng, việc điều trị Người bệnh tâm thần không hề đơn giản như những bệnh thực thể khác vì đây là điều trị cho những con người đã suy giảm thậm chí mất hoàn toàn ý thức, nhận thức xung quanh.

“Để điều trị hiệu quả cần phải kết hợp rất nhiều yếu tố như hóa trị liệu, trị liệu tâm lý, sự hỗ trợ của gia đình, ý chí của người bệnh, các liệu pháp phục hồi chức năng (PHCN)….

Cùng với đó, là các Liệu pháp PHCN có ý nghĩa trong việc giúp người bệnh phục hồi các khả năng đã suy giảm hoặc mất đi trong quá trình bị bệnh như khả năng tự phục vụ chăm sóc bản thân, khả năng lao động, ca hát, phân tích, đánh giá vấn đề, hòa nhập cộng đồng…”, Ths.BS Trần Quyết Thắng chia sẻ.

Cùng với việc nâng cao chất lượng khám, điều trị và quản lý người bệnh, Khoa PHCN (BVTT Hà Nội) với nhiệm vụ trực tiếp điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh với nhiều hình thức: Lao động liệu pháp: Tâm lý liệu pháp; Thư giãn liệu pháp; Thể dục thể thao; vui chơi giải trí; văn hóa - văn nghệ; Có tủ sách riêng cho người bệnh; Tư vấn cho các gia đình cách chăm sóc và điều trị người bệnh khi ra viện.

“Cán bộ y bác sĩ, nhân viên của khoa luôn cống hiến hết mình, nhiệt tình trong công tác, không ngừng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị bạn để liên tục bổ sung, làm mới các hoạt động của khoa với mục đích duy nhất là kết hợp với hóa trị liệu, tâm lý trị liệu giúp người bệnh sớm hồi phục, trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng góp phần làm giảm gánh nặng xã hội…”, Ths. BS Trần Quyết Thắng nói.

Khám, điều trị và quản lý

Để thực hiện tốt công tác khám, điều trị, quan lý phục hồi chức năng đối với người bệnh tâm thần, Ths. BS Trần Quyết Thắng - Phó Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội cũng cho biết, chỉ tính riêng năm 2018 Bệnh viện đã mở mở 30 lớp tại 30 Trung tâm y tế, mỗi Trung tâm y tế một lớp, mỗi lớp khoảng 45 nhân viên y tế của Trung tâm y tế, các trạm y tế cập nhật các kiến thức chuyên khoa tâm thần.

Ths. BS Trần Quyết Thắng.
Ths. BS Trần Quyết Thắng. 

Cùng với đó, tổ chức tại bệnh viện tâm thần Hà Nội 1 lớp đào tạo, cập nhật kiên thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ thuộc các phòng khám tâm thần quận huyện.

Một lớp chuyên môn về các nội dung quản lý, phục hồi chức năng cho bệnh nhân điều trị tại cộng đồng, phát hiện sớm các biểu hiện tái phát,… cho các điều dưỡng thuộc các phòng khám tâm thần quận huyện.

Bệnh viện, tiếp tục quản lý và điều trị ngoại trú cho 17.000 bệnh nhân tâm thần đã được phát hiện từ các năm trước. Tiếp tục duy trì 584 xã, phường đã triển khai quản lí bệnh TTPL. Tổng số BN TTPL được quản lí điều trị: 7.500. Triển khai mới tăng cường quản lí bệnh Động kinh: 105 xã, phường. Tổng số BN động kinh được quản lí điều trị: 6.500.

Đồng thời, bệnh viện tổ chức điều tra, khám sàng lọc, lập bệnh án quản lý và điều trị bệnh lý trầm cảm ở 7 xã phường (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội triển khai 3 xã, Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức triển khai 4 xã). Tổ chức 15 câu lạc bộ phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú, dự kiến mỗi CLB có khoảng 80 người (BV Tâm thần Hà Nội tổ chức 10 CLB, BV Tâm thần Mỹ Đức tổ chức 05 CLB)…

Bệnh viện cũng tiến hành điều tra khảo sát trẻ rối loạn ngôn ngữ và trẻ tự kỷ tại 04 trường tiểu học do Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức tiến hành.

Phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2019, nhiệm vụ mà bệnh viện chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm là duy trì các quy chế chuyên môn đảm bảo khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh an toàn, có chất lượng và đúng luật pháp; thực hiện các biện pháp khuyến khích người bệnh đến khám, điều trị bằng thẻ BHYT; cải tiến chất lượng để nâng cao chất lượng bệnh viện theo tiêu chí cải tiến chất lượng của Bộ Y tế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ