Phó Thủ tướng quan tâm việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ
Trong tuần qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chăm sóc, giáo dục trẻ em tự kỷ.
Theo đó, văn bản nêu rõ: Trước tình trạng trẻ em bị tự kỷ có xu hướng gia tăng và hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ còn nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ để đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, thời gian qua, báo chí phản ánh một vụ việc gây rúng động dư luận liên quan đến trẻ tự kỷ. Theo đó, trên một diễn đàn kín dành cho người có con tự kỷ, hàng loạt phụ huynh chia sẻ về Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt ở tầng 3 ký túc xá Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Cơ sở này quảng cáo là nơi "huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia", "nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì"… nhưng sự thật lại trái với mong đợi.
Cụ thể, trong quá trình dạy, các giáo viên của Tâm Việt thẳng tay đánh hoặc nhục mạ khi học sinh không chịu tập luyện.
Phụ huynh còn phản ánh, phòng tập của các em tràn ngập mùi khai, hôi do các học sinh đi vệ sinh, không được lau dọn kỹ càng. Có em đang tuổi dậy thì, thường xuyên nghịch "vùng nhạy cảm" trong lớp nhưng các thầy cô lúng túng trong cách xử lý.
Cũng theo phản ánh trên báo chí, có cháu nhập học tại Tâm Việt hơn 1 tháng thì trung tâm gọi điện cho gia đình đón về vì sức khỏe không ổn. Gia đình học sinh này cho biết, cháu bị suy kiệt sức khỏe, mặt mũi sưng húp, tất cả phần da không có quần áo che đều chi chít vết muỗi đốt, sụt 4kg, hay ôm bụng gào khóc...
Giáo trình có hình "đường lưỡi bò" Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là cảnh báo cho công tác kiểm duyệt tài liệu cho nhiều đơn vị giáo dục. |
Xử lý nghiêm vụ việc giáo trình có hình "đường lưỡi bò"
Ngày 4/11, Bộ GD&ĐT gửi công văn yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành giáo trình có hình "đường lưỡi bò".
Công văn do Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng ký nêu, theo điểm c, Khoản 2, Điều 36, Luật Giáo dục Đại học quy định: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành, đồng thời thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới hoặc có nội dung truyền bá tôn giáo.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường tổ chức rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình tại trường, đảm bảo tất cả giáo trình sử dụng phải đáp ứng đúng quy định.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần khẩn trương làm rõ sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 5/2/2020.
Liên quan nội dung này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/11,Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định hiệu trưởng và hội đồng thẩm định của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chịu trách nhiệm về việc giáo trình có hình ảnh "đường lưỡi bò".
Lãnh đạo khoa Trung - Nhật của trường này cho hay đây là sách do sinh viên mang về từ Trung Quốc, tặng lại khoa cách đây 3 năm nhưng đến học kỳ này mới đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có cuốn giáo trình Tổng quan về Trung Quốc, NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, 2018, ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành Tây Sa, quần đảo Trường Sa ghi sai là Nam Sa.
Trường này đã thu hồi gần 1.000 cuốn giáo trình. Đại diện khoa Trung - Nhật nhận lỗi vì để sinh viên sử dụng giáo trình có nội dung sai lệch. Tuy nhiên, lãnh đạo ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho cơ quan khác.