Truyền đam mê cho học trò trong từng tiết học
Yêu và say mê hội họa từ khi còn học trên ghế nhà trường, đến khi tốt nghiệp THPT, cô giáo Trần Đoàn Thanh Ngọc - Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức, TPHCM) đã chọn con đường gắn bó với dạy học môn Mĩ thuật.
Với ước mơ tha thiết được truyền thụ cho những trẻ thơ vẻ đẹp của cuộc sống, thiên nhiên, con người thông qua hoạt động dạy và học của môn Mĩ thuật, từ đó góp phần giúp các em hình thành nhân cách, cô giáo Ngọc đã đạt được ước nguyện ban đầu là trở thành giáo viên.
Cô giáo Trần Đoàn Thanh Ngọc trong tiết dạy của mình |
Nếu ai đó trong một lần được dự tiết học của cô Trần Đoàn Thanh Ngọc sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi không khí lớp học thực sự sôi động như buổi giao lưu “học mà chơi, chơi mà học” giữa cô và trò. Thậm chí, học sinh còn hứng thú với tiết học hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
Khi đến lớp học của cô Ngọc, điều đầu tiên để tạo không khí sôi động là cô “thiết kế” luân phiên nhiều trò chơi liên quan đến nội dung bài học như: Đoán đồ vật, vẽ nhanh, vẽ tiếp sức, ghép tranh,…bởi theo cô Ngọc thì điều đầu tiên là cần phải tạo không khí cho tiết học sôi nổi để học sinh có tinh thần học tập tốt.
Thông qua các trò chơi cô “thiết kế” sẽ giúp học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, kiến thức kỹ năng giúp tiết học trở nên nhẹ nhàng bớt căng thẳng.
Lần khác, cô để các em làm chủ bục giảng và thuyết trình về đề tài, còn cô chỉ là một giám khảo, ngồi lắng nghe học trò trình bày đề tài sau đó đưa ra nhận xét góp ý bổ sung và đúc kết lại. Nhờ đó, tạo sự kích thích hứng thú làm việc theo nhóm rồi định hướng, điều khiển các hoạt động của học sinh.
Từ đó cô dẫn dắt học sinh đi sâu vào khám phá các giá trị của sản phẩm mĩ thuật thông qua các yếu tố tạo hình giúp định hướng cho học sinh tạo ra những sản phẩm theo khả năng của từng em. Mỗi học sinh tự chọn đề tài tùy thích liên quan đến chủ đề, bài học,… Dù góc khai thác khác nhau nhưng cả lớp hòa trong bầu không gian thảo luận sôi nổi, hăng say….
Đó chỉ là một trong các hình thức được cô Ngọc dày công sáng tạo lồng ghép vào mỗi tiết học ở đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố “Xây dựng nhiều trò chơi trong một tiết học để kích thích hứng thú học sinh trong giảng dạy bộ môn Mĩ thuật” mà cô đang áp dụng tại lớp.
Tiết học giúp các em phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, tạo điều kiện cho các em thể hiện đam mê và tài năng của mình. |
Các hoạt động như: Cho học sinh trưng bày và sắm vai thành nhà thuyết minh giới thiệu triển lãm sản phẩm mĩ thuật; Tìm hiểu sản phẩm điêu khắc từ vật liệu đã qua sử dụng; Sắm vai thành nhà phê bình, hướng dẫn viên để giới thiệu những sản phẩm mà nhóm sưu tầm được,…trong giờ dạy của cô luôn gây hứng thú đối với học sinh.
Giúp các em phát triển năng lực tư duy, năng lực giao tiếp, năng lực sáng tạo, tạo điều kiện cho các em thể hiện đam mê và tài năng của mình.
Hạnh phúc được học trò gọi là mẹ
Cô giáo Trần Đoàn Thanh Ngọc (sinh năm 1979) sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Định, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm Mỹ thuật, năm 2005 cô Ngọc về dạy học tại Trường THCS Hai Bà Trưng (Nhà Bè – TPHCM). Đi dạy với nhiệt huyết, đam mê và lí tưởng cống hiến của tuổi trẻ nên ngay năm đầu tiên công tác cô Ngọc nhận được sự thương yêu kính trọng của đồng nghiệp, học trò.
Vừa đi dạy, vừa học lên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm đam mê nhiệt huyết, cô Ngọc đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm ngành Mỹ Thuật và ĐH Luật vào năm 2014. Năm 2016 cô chuyển về dạy tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức, TPHCM) cho đến nay.
Luôn tin tưởng rằng môn Mĩ thuật có vai trò quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương đất nước, hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô Thanh Ngọc luôn dạy cho các thế hệ học trò hiểu học Mĩ thuật rất thú vị mang nhiều cảm xúc thông qua những sản phẩm mĩ thuật ta cần phải suy ngẫm và sáng tạo chứ không đơn điệu..
Cô Trần Đoàn Thanh Ngọc cùng em Trần Thanh Trúc và em Hoàng Nguyễn Phương Nhi trong buổi trao giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Áo dài và hoa năm 2013. |
“Nhờ đó tiết học đa dạng, sống động và kích thích học sinh hoạt động sáng tạo hơn. Ngay cả những học sinh ít hoạt động, học sinh hòa nhập của lớp cũng bị cuốn hút. Không khí tiết học luôn vui nhộn, vừa chơi vừa học khắc sâu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tránh được sự căng thẳng dẫn tới các em không còn thụ động.” – Cô Ngọc chia sẻ.
Không cần nói ra, nhưng ai cũng hiểu cô là người luôn trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân, luôn khiêm tốn và ân cần gần gũi với đồng nghiệp và học sinh.
Tận sâu thẳm trong tim, cô luôn ấp ủ niềm say mê nghề, niềm khát khao cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà những sản phẩm nghệ thuật hội họa, những họa sĩ tương lai… góp phần đoàn kết gây dựng và đưa phong trào Mĩ thuật của nhà trường cũng như TP Thủ Đức đi lên bằng nhiều thành tích nổi bật và đáng tự hào.
Bên cạnh đó cô còn thành lập Câu lạc bộ Mĩ thuật ứng dụng, tạo sân chơi cho học trò yêu thích bộ môn và bồi dưỡng học sinh tham gia các hội thi.
Ngoài vẽ, cô còn dạy học sinh nặn, làm hoa với nhiều chất liệu, đan, móc, thêu, may vá và tạo ra được nhiều sản phẩm hữu ích trong cuộc sống như bình hoa trang trí, khăn choàng, hộp bút, bóp viết, quạt, túi xách, tranh trang trí, trang phục…
Cô cũng đã bồi dưỡng được nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi vẽ tranh như: vẽ về môi trường xanh sạch đẹp, nét vẽ xanh, tình hữu nghị Việt Nam Singapore, tình hữu nghị Việt Nam Cu ba, vẽ áo dài,… cấp quận và cấp thành phố
Ngoài công tác giảng dạy, cô giáo Trần Đoàn Thanh Ngọc còn vinh dự là thành viên tham gia viết sách và là tác giả của sách giáo khoa mĩ thuật lớp 4.5.6.7.8.9 (bộ Chân trời sáng tạo bản 2) và nhiều sách tham khảo mĩ thuật khác như sách kế hoạch bài dạy mĩ thuật lớp 6,7,8. Vở thực hành mĩ thuật 6, 7, 8…
Với những nỗ lực cống hiến, cô giáo Trần Đoàn Thanh Ngọc vinh dự được nhận rất nhiều giải thưởng như: Giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp TPHCM, Giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp TP Thủ Đức. Huy hiệu thành phố, 3 bằng khen thành phố, 1 chiến sĩ thi đua thành phố, 14 lần CSTĐ cơ sở….
“Tiết học của cô Thanh Ngọc đã thể hiện được 1 quá trình vận dụng hiệu quả trong việc kết hợp các phương pháp dạy học tích cực với nhau. Phát huy năng lực đặc biệt, sáng tạo của từng học sinh...đặc biệt là học sinh chậm trí tuệ hoặc diện hoà nhập cũng tham gia nhiệt tình và tạo sản phẩm”. – Trương Thị Ngọc Phượng – Giáo viên Mạng lưới môn Mĩ Thuật TP.Thủ Đức