Thầy giáo người Ê-đê chia sẻ biện pháp rèn kỹ năng đọc

GD&TĐ - Nhiều HS Ê-đê vốn tiếng Việt hạn chế, hay phát âm, diễn đạt sai. Thầy Ksơr Y Chét, Tiểu học-THCS EaTrol chia sẻ kinh nghiệm khắc phục điều này.

Thầy Ksor Y Chét và học sinh lớp 4 tại điểm trường Buôn Đức-Mùi, Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên).
Thầy Ksor Y Chét và học sinh lớp 4 tại điểm trường Buôn Đức-Mùi, Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên).

Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) có đến 97% học sinh học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Ê đê. Thực tế giảng dạy, thầy Ksơr Y Chét trăn trở khi học trò còn hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt, như nói chưa chuẩn, chưa đúng...

Thầy giáo người Ê-đê chia sẻ: Hằng ngày, chủ yếu học sinh giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt trong giờ học. Mặt khác do bản tính rụt rè, ít nói chuyện, ít giao tiếp với người khác, nên khả năng tiếp thu vốn từ tiếng Việt rất hạn chế. Chính vì vậy, nhiều học sinh trong giao tiếp, học tập có khi hiểu nhưng lại diễn đạt sai dẫn đến hiểu sai nghĩa.

Ví dụ, câu “Trống đồng Đông Sơn đa dạng”, học sinh đọc thành “Trong đồng Đồng Sơn đã dáng”, hoặc “đàn cá lội tung tăng”, các em đọc thành “đan cá lối tùng tằng….

Hay trong bài ”Nắm tay đóng cọc” (Bài tập đọc Bốn anh tài - Tiếng Việt 4), có học sinh đọc thành ”Năm tay đong cóc”. Thông thường các em đọc tiếng có dấu nặng thành dấu sắc, tiếng thanh ngang thành dấu hỏi, hoặc thanh ngang thành thanh huyền... Một số em đọc sai dấu thanh không theo một quy luật nào.

Thầy Ksor Y Chét luôn sát sao đến từng học trò.

Thầy Ksor Y Chét luôn sát sao đến từng học trò.

Nói về kinh nghiệm giúp học sinh Ê-đê đọc đúng tiếng Việt, thầy Ksơr Y Chét cho rằng, trước hết cần giáo dục các em ý thức đọc đúng âm, vần, dấu thanh.

Ví dụ, khi dạy bài “Chị em tôi” - Tiếng Việt lớp 4, tập1, giáo viên đưa ra các tiếng có dấu thanh học sinh hay lẫn và gọi một số học sinh đọc, sau đó để các bạn nhận xét. Nếu còn học sinh đọc chưa đúng, giáo viên đọc mẫu và phân tích cho học sinh.

Chẳng hạn: “Tặc lưỡi” thanh ngã không đọc là “Tặc lưới” thanh sắc; “giận giữ” thanh ngã không đọc là “giận dứ” thanh sắc; “dũng cảm” thanh ngã không đọc là “Dúng cảm” thanh sắc....

“Một tiếng đầy đủ gồm 3 bộ phận là âm đầu-vần-dấu thanh. Khi học sinh đọc sai, tôi yêu cầu em đó đánh vần lại tiếng đã đọc sai đó. Đây là cách tôi đã rèn các em hiểu về cấu tạo của tiếng và đọc đúng tiếng. Chỉ khi các em đọc đúng, nói đúng thì mới có thể viết đúng được”.

Chia sẻ điều này, Ksơr Y Chét cũng cho biết luôn tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở các môn học khác nhau như: Toán, khoa học, Lịch sử, Địa lí; yêu cầu trả lời câu hỏi của giáo viên phải nói đầy đủ thành phần câu.

Giáo viên thường xuyên gọi các em còn đọc chậm đứng lên đọc yêu cầu bài học, bài giải và sửa sai kịp thời. Bên cạnh đó, khi học sinh trả lời câu hỏi, thầy hướng dẫn và làm mẫu nhiều lần, giúp trò rèn kỹ năng nói. Với học sinh có khả năng hoàn thành tốt sẽ được thầy gợi ý để có nhiều cách trả lời khác nhau nhưng vẫn đúng nội dung yêu cầu của bài.

Thầy Ksơr Y Chét hướng dẫn học sinh đọc, sữa lỗi phát âm.

Thầy Ksơr Y Chét hướng dẫn học sinh đọc, sữa lỗi phát âm.

Không chỉ rèn tiếng Việt cho học sinh trong các tiết học, thầy Ksơr Y Chét cho biết hoạt động này cũng được chú trọng thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.

“Hằng tuần trong giờ hoạt động trải nghiệm, tôi thường cho học sinh tự nhận xét, đánh giá, bình chọn các nhóm (hoặc cá nhân) đọc tốt. Lồng ghép tổ chức các trò chơi để tạo cho không khí lớp học sôi nổi, hào hứng như: tập làm MC; hát múa tập thể.

Tôi cũng tập cho các em thói quen giúp bạn trong khi giao tiếp (phát hiện lỗi sai lẫn nhau, các em kịp thời sửa lỗi cho nhau bằng cách nhắc bạn nói lại; hỗ trợ bạn nói đúng. Ngay cả khi trò chuyện hay trao đổi vui vẻ với các em, tôi cũng lưu ý nhắc các em nhận ra lỗi phát âm và nói lại cho đúng. Từ đó, học sinh rất tự tin khi đọc bài và trong giao tiếp hằng ngày”, thầy Ksơr Y Chét cho hay.

Thực hiện thường xuyên các biện pháp trên, thầy Ksơr Y Chét cho biết, đến nay số học sinh đọc và viết sai trong lớp vẫn còn nhưng không đáng kể. Việc đọc chuẩn, viết đúng khiến các em tự tin trong học tập và chất lượng giáo dục của lớp cũng nâng lên rõ rệt.

Thầy Ksơr Y Chét là gương mặt nổi bật trong các giáo viên người dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học và THCS EaTrol. Nhiều năm liền, thầy được UBND huyện Sông Hinh tặng giấy khen; là chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2021-2022; giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2022-2023.

Thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định, thầy Ksơr Y Chét là giáo viên luôn nhiệt tình, năng nổ và rất có tâm với học sinh. Thầy thường kêu gọi giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có gạo, thức ăn hằng ngày để đến trường. Với những phẩm chất này, thầy không chỉ giúp học sinh học tốt mà còn vận động được học sinh ra lớp đều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.