Mùa hè 'sôi động' của giáo viên cắm bản

GD&TĐ - Với nhiều giáo viên, hè không là dịp để xả hơi sau một năm miệt mài truyền thụ kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Yến (trái), giáo viên Trường Mầm non Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Cô Nguyễn Thị Yến (trái), giáo viên Trường Mầm non Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Họ tận dụng thời gian để làm nhiều việc có ích cho học trò, biến mùa Hè trở nên sôi động.

Giúp trẻ có mùa Hè an toàn

Nhiều năm gắn bó với các điểm trường vùng cao của huyện Mường Tè (Lai Châu), cô Phan Thị Dung, quê Phú Thọ luôn đợi đến dịp hè để về quê đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cô Dung chủ động rút ngắn kỳ nghỉ để giúp học sinh vùng cao có mùa Hè ý nghĩa.

Cô Dung cho biết, với trẻ em thành phố, đến kỳ nghỉ hè, các em được tham gia các loại hình vui chơi giải trí. Nhưng trẻ miền núi, vùng sâu, vùng cao có ít sân chơi. Thậm chí, kỳ nghỉ hè, nhiều em phải phụ giúp gia đình công việc nhà, lên nương rẫy, đồng áng, buôn bán kiếm thêm thu nhập… chuẩn bị điều kiện vật chất cho năm học mới.

Thấu hiểu những thiệt thòi này, cô Dung cùng các thầy cô trong trường luôn cố gắng tạo ra sân chơi, giúp các em tiếp cận văn hóa đọc, tổ chức trò chơi, phát động vẽ tranh yêu thích, viết bài cảm nhận sau khi đọc sách.

“Mọi khó khăn tôi đều cố gắng vượt qua bởi tôi yêu nghề và học trò nơi đây. Điều duy nhất khiến tôi ái ngại khi công tác tại vùng cao Mường Tè là 15 năm nay, vợ chồng đều xa con ở quê, số lần được về nhà đoàn tụ chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc chăm sóc, dạy bảo con không thể như ở cạnh…”, cô Dung chia sẻ.

Cô Dung tâm sự, ngày mới lên nhận công tác, cô được phân công giảng dạy ở Trường Mầm non Nậm Khao, bên kia bờ sông Đà. Khó khăn về địa hình, thời tiết và bất đồng ngôn ngữ với học sinh dân tộc chưa bao giờ là trở ngại khiến cô thôi gắn bó với vùng đất này. Thậm chí mồ hôi, nước mắt, cả máu đã đổ xuống trong những lần băng sông, vượt núi để “gieo mầm xanh” cũng không khiến cô từ bỏ việc mình đã lựa chọn để tìm kiếm công việc khác đỡ vất vả, có thu nhập tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Yến - giáo viên Trường Mầm non Mồ Dề (Mù Cang Chải, Yên Bái) - cho biết: Năm nào cũng vậy, vào đầu tháng 8, các thầy cô đã có mặt tại trường. Tất cả tham gia bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn, lau dọn, tu sửa trường lớp, bàn ghế, đồ dùng dạy học đón học sinh.

Để học trò có sân chơi lành mạnh trong mỗi dịp hè, nhà trường tổ chức công tác bàn giao học sinh về địa phương, mặt khác, cử giáo viên trong độ tuổi đoàn viên tham gia hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức các buổi sinh hoạt hè tập trung và một số hoạt động khác do địa phương tổ chức. Những năm trở lại đây, cô Yến và một số đồng nghiệp còn ở lại trường “xuyên hè” để góp phần tạo ra những sân chơi ý nghĩa cho học sinh.

Cô giáo Đỗ Thị Xuân - Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu) trao đổi: Với học sinh vùng khó, những tháng nghỉ hè thường theo mẹ đi nương rẫy, ngại trở lại học tập. Việc kéo học sinh trở lại trường sau nghỉ hè dài ngày luôn là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi kiên trì, nỗ lực, tình yêu với học trò của các thầy cô.

Chính vì vậy, cô và các đồng nghiệp ở điểm trường thường trả phép sớm hơn 2 - 3 ngày để có thời gian làm công tác vận động trẻ trở lại học tập. Với sự hi sinh, vì học trò… thì những lớp học cho trẻ dân tộc, vùng cao, khó khăn mới đảm bảo sĩ số khi năm học mới bắt đầu; giải quyết cơ bản tình trạng bỏ, trốn học đã nhiều năm qua còn tồn tại.

Cô Nguyễn Thị Thùy - Giáo viên Trường PTCS Nam Mẫu trong giờ dạy tiếng Anh cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thùy - Giáo viên Trường PTCS Nam Mẫu trong giờ dạy tiếng Anh cho học sinh.

Giúp trò tiếp cận ngoại ngữ

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy - Trường PTCS Nam Mẫu (Chợ Đồn, Bắc Kạn) lại bày tỏ mong muốn giúp học sinh của mình được tiếp cận với tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong những tháng nghỉ hè.

Cô Thùy cho biết, với đặc trưng trường vùng cao, đặc biệt khó khăn, đa phần học sinh đều là con em dân tộc Mông, Dao nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông khó khăn, kiến thức xã hội hạn chế, các em chưa được làm quen với tiếng Anh ở cấp tiểu học, thiếu hụt từ vựng và các cấu trúc câu, nên giáo viên gặp nhiều rào cản trong quá trình truyền tải kiến thức.

Thêm vào đó, các giờ học trên lớp, học sinh bắt buộc phải học tập, nghiên cứu bằng tiếng phổ thông nên nảy sinh tâm lý e ngại, rụt rè, sợ nói ngọng, mắc lỗi bị bạn bè chê cười, ngượng ngùng khi phải trình bày, trả lời câu hỏi trước lớp.

Mặt khác, học sinh không tự tin nói tiếng phổ thông nên sẵn sàng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ ngay trong lớp, nhiều khi giáo viên phải nói lại bằng tiếng địa phương hoặc nhờ học sinh khác dịch sang tiếng địa phương thì học trò mới hiểu. Như vậy, phải thông qua 2 - 3 lượt giao tiếp học sinh mới có thể hiểu nội dung truyền đạt của giáo viên và ngược lại.

Với đặc thù này, cô Thùy đã chủ động gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… từ đó giúp các em làm quen dần với cuộc sống vùng thấp, rút ngắn khoảng cách thầy trò để học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Việc trò chuyện cùng học trò cũng giúp học sinh dân tộc rèn luyện tiếng phổ thông nhiều hơn, là cầu nối chuyển dần từ tiếng phổ thông sang ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.

Cô Thùy chia sẻ, trong dịp hè này, cô sẽ kết nối, liên hệ với các homestay đưa học sinh đến giao tiếp, thực hành với người nước ngoài. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa các em sẽ được vui chơi hoặc tham gia các hoạt động văn nghệ cùng với du khách nước ngoài… Trong quá trình hoạt động sôi nổi, các em bớt dè dặt và sử dụng tiếng Anh nhiều hơn.

“Trong Chương trình GDPT mới, học sinh được khuyến khích sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt tùy theo trình độ đối tượng. Giáo viên là người hướng dẫn các em làm quen với đàm thoại từ những tình huống đơn giản đến chủ điểm chủ đề. Điều quan trọng nhất là xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh ngoài giờ lên lớp; tạo môi trường cho các em và giáo viên giao tiếp bên ngoài giờ học.

Giáo viên tạo thói quen khi gặp bên ngoài, học sinh và giáo viên chào nhau bằng tiếng Anh với các câu đơn giản... Do đó, việc giúp học sinh dân tộc tiếp cận ngoại ngữ dịp hè qua các sân chơi bổ ích là điều cần thiết và tôi sẽ cố gắng để làm được điều đó cho các em…”. - Cô Nguyễn Thị Thùy - Trường PTCS Nam Mẫu (Chợ Đồn, Bắc Kạn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.