Cô giáo người Mường luôn hết lòng vì học trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với tấm lòng của một nhà giáo tâm huyết, cô Nguyễn Thị Phương Loan luôn biết cách để lan tỏa tình yêu thương học trò tới các đồng nghiệp tại trường.

Cô Nguyễn Thị Phương Loan (bìa phải) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Phương Loan (bìa phải) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội).

Nâng cao chất lượng chăm nuôi trẻ

Nằm ở vị trí xa nhất của Thủ đô tiếp giáp với các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ, Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội) có hai điểm trường với tổng số 12 lớp và 250 trẻ đang theo học; riêng khối Nhà trẻ có 3 lớp với 46 cháu.

Cô Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học 2022-2023 toàn trường có 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Có tới 60% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc Mường; ngoài ra còn có dân tộc Kinh, Dao, Tày.

Địa phương xã Khánh Thượng đã ra khỏi Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) của Chính phủ từ năm 2021. Địa phương đang phấn đấu lên nông thôn mới nâng cao. Đời sống của người dân chủ yếu bằng nghề nông nghiệp.

Trẻ thực hành tô màu theo hướng dẫn của cô giáo.

Trẻ thực hành tô màu theo hướng dẫn của cô giáo.

Thấu hiểu được đặc điểm của địa phương cũng như đời sống người dân nơi đây, ngay từ khi chuyển công tác về Trường Mầm non Khánh Thượng B, cô Phương Loan đã có những điều chỉnh trong công tác quản lý để phù hợp với tình hình. Mục tiêu cuối cùng nhằm củng cố và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường.

Về công tác chăm nuôi giáo dục trẻ, dù mức thu chỉ 17.000 đồng/trẻ/ngày nhưng nhà trường vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các con. Các cô tích cực chăm lo đến từng trẻ nên tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ hàng năm đều giảm. Thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng với nhà cung ứng ở địa phương nên giá thành cũng rẻ hơn. Trường xây dựng thực đơn cả tuần từ thứ 2 – 6 không bị trùng nhau.

Các cô giáo luôn tận tâm trong mọi hoạt động của trẻ, nhất là trong bữa ăn bán trú.

Các cô giáo luôn tận tâm trong mọi hoạt động của trẻ, nhất là trong bữa ăn bán trú.

Theo cô Loan, với trẻ mầm non, chăm sóc nuôi dưỡng là nhiệm vụ hàng đầu nhằm bảo vệ, tăng cường sức khỏe giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần. Nhà trường xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất. Các khâu từ lên thực đơn, tính định lượng calo, lựa chọn thực phẩm, sơ chế, chế biến, bài trí món ăn, bố trí giờ ăn cần được thực hiện một cách khoa học.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn, các cô giáo luôn chú trọng đến việc rèn luyện cho trẻ thói quen vệ sinh trước, trong và sau khi ăn cũng như rèn luyện kỹ năng tự phục vụ. Điều này góp phần rất quan trọng trong việc hình thành thói quen cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách sau này.

"Ngoài ra, nhà trường có vườn rau sạch rộng khoảng 400m2 vừa giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày cho trẻ, vừa tạo không gian thân thiện để trẻ học tập trải nghiệm về cây cối, các loại cây hoa lá hơn nên đa số trẻ rất thích", cô Phương Loan nói thêm.

Lan tỏa yêu thương đến trẻ

Với trẻ đến trường mỗi ngày được vui chơi, hoạt động vui vẻ, an toàn đều là mong muốn của bất cứ bậc cha mẹ nào.

Với trẻ đến trường mỗi ngày được vui chơi, hoạt động vui vẻ, an toàn đều là mong muốn của bất cứ bậc cha mẹ nào.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng cô Loan cùng với đồng nghiệp của mình đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Sử dụng phương pháp "học mà chơi chơi mà học", áp dụng phương pháp giáo dục Montessori vào thí điểm ở các khối, mỗi tuần sẽ đưa 1 hoạt động cụ thể để trẻ làm quen.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Loan, Montessori là một cách giáo dục sớm cho trẻ thông qua các giáo cụ trực quan. Phương pháp này tập trung vào sự thúc đẩy tiềm năng bên trong trẻ bằng một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở với các giáo viên giảng dạy được đào tạo bài bản về chuyên môn cùng giáo cụ hỗ trợ học tập chuyên biệt.

Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori chính là sự tôn trọng cá tính riêng biệt, tự lập, tự do mang tính kỷ luật của mỗi đứa trẻ. Ngoài ra, phương pháp này cũng hỗ trợ phát triển tâm sinh lý trẻ một cách tự nhiên, đồng thời trang bị cho trẻ đầy đủ những kiến thức thực tiễn cần thiết.

Tình yêu trẻ và yêu nghề mới giúp các cô giáo mầm non bám trụ với nghề.

Tình yêu trẻ và yêu nghề mới giúp các cô giáo mầm non bám trụ với nghề.

"Việc giáo dục trẻ mầm non bằng Montessori sẽ xây dựng nền tảng cơ bản cho trẻ ngay từ những năm đầu đời để trẻ được phát triển hoàn thiện cả về trí não, khả năng tiếp nhận thông tin cũng như hình thành những kỹ năng giao tiếp linh hoạt từ sớm. Trong mỗi hoạt động các cô đều hướng dẫn trẻ bằng trái tim yêu thương, yêu trẻ thì mới đạt kết quả tốt" - cô Loan nói thêm.

Là phụ huynh có con học lớp 5 tuổi tại trường, chị Đinh Thị Hồng bày tỏ niềm tin tưởng, cảm phục tới các cô giáo, trong đó có cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Loan. Qua tiếp xúc, cô Loan là người hòa đồng, ứng xử nhã nhặn với phụ huynh và luôn hết lòng vì học trò. Dù mới về trường công tác nhưng cô đã lan tỏa được tình yêu thương tới học sinh bằng việc tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, giúp trẻ được vui chơi, học tập.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Ba Vì, cô Nguyễn Thị Phương Loan là một cô giáo người dân tộc Mường. Cô cũng thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua như Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; thực hiện tốt chủ đề năm học 2022-2023 “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”... Cô Loan xứng đáng là "bông hoa đẹp" của ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…