Giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm bảo đảm chất lượng giáo dục trẻ

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT đề xuất, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 57 với nam và 55 với nữ.

Một giờ học của trẻ Trường Mầm non Kiên Thành (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Website phòng GD&ĐT
Một giờ học của trẻ Trường Mầm non Kiên Thành (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Website phòng GD&ĐT

Nghĩa là giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với quy định hiện hành. Đề xuất này nhận được sự tán thưởng của các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục.

Đặc tính giáo viên mầm non

TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương bày tỏ, với giáo viên mầm non, nếu tuổi cao sẽ không còn nhanh nhẹn để bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc quy định tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định hiện hành là phù hợp với đặc thù lao động của thầy, cô giáo trong lĩnh vực này. Qua đó, chia sẻ, động viên, đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo, trên hết vì chất lượng chăm sóc, giáo dục và an toàn của trẻ.

Theo Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình để đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. PGS.TS Bùi Thị Lâm - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn nhận, công việc của giáo viên mầm non có tính đặc thù và chịu nhiều áp lực. Giáo viên tuổi càng cao, khả năng vận động càng hạn chế, trong khi với giáo viên mầm non vận động là một trong những đặc tính không thể thiếu.

Do đó, nếu nghỉ hưu ở tuổi 62 (với nam), 60 tuổi (với nữ) khó có thể bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục và an toàn cho trẻ. Từ thực tế trên, PGS.TS Bùi Thị Lâm tán thành đề xuất của Bộ GD&ĐT là tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non 57 với nam và 55 với nữ.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 120 cơ sở giáo dục mầm non. Bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Quốc hội khoá XIV viện dẫn, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Đây là độ tuổi đòi hỏi người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao suốt quá trình trẻ ở trường nhằm đảm bảo an toàn cho các con. Vì vậy, hoạt động nghề nghiệp của giáo viên chịu nhiều áp lực về tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thể chất, tinh thần.

Ảnh minh hoạ/ INT

Ảnh minh hoạ/ INT

Nghề đi sớm, về muộn

Gắn bó với giáo dục mầm non nhiều năm, bà Phạm Thị Vân - Chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải (Yên Bái) cho hay, công việc này mang tính chất đặc thù, nếu làm việc đến tuổi 60 sẽ gặp nhiều khó khăn, rào cản. Thực tế, giáo viên phải đứng lớp, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 8 - 10 tiếng/ngày.

Nghề của họ đi sớm, về muộn. Sáng, 6 giờ 30 phút, các thầy, cô phải ở trường để đón trẻ. Buổi trưa, giáo viên ở lại chăm sóc trẻ ăn bán trú. Buổi chiều, sau khi trả trẻ xong lại dọn dẹp, vệ sinh lớp học sạch sẽ rồi mới được “tan sở”. Với giáo viên vùng cao, có khi 19 giờ mới về đến nhà, thậm chí muộn hơn; vô hình trung không bảo đảm an toàn cho các thầy, cô giáo khi lưu hành trên đường.

“Ở vùng cao như Mù Cang Chải, có những điểm lẻ cách trường chính 20 - 30km đường rừng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đèo, dốc núi, thời tiết khắc nghiệt. Vì thế, việc phân công giáo viên cao tuổi cắm bản sẽ khó khăn; trở thành áp lực với họ” - bà Vân chia sẻ.

Cô trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: NVCC

Cô trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: NVCC

Từ thực tế nêu trên, bà Vân tán thành với đề xuất nữ giáo viên mầm non nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Riêng với vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, giáo viên có thể được nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi. “Đây cũng là mong muốn của đa số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Mù Cang Chải” - bà Vân chia sẻ.

Cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non là 60 tuổi và 62 tuổi với nam chưa phù hợp; GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để làm rõ đặc thù lao động của nhà giáo cấp học này.

“Đứng ở góc độ tâm lý phụ huynh, nếu được lựa chọn, tôi sẽ gửi gắm các cháu của mình để thầy, cô giáo trẻ chăm sóc, giáo dục” - GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn nêu quan điểm. Ông phân tích, giáo viên mầm non phải thực hiện nhiều hoạt động để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Do vậy, đòi hỏi các thầy, cô giáo phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường, tổ chức các hoạt động từ nhẹ nhàng đến vận động mạnh nên cần sức khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo...

Một buổi tập huấn về sơ cứu trẻ của giáo viên Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một buổi tập huấn về sơ cứu trẻ của giáo viên Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Lao động đặc thù

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, giáo viên mầm non tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm và không nhanh nhẹn để có thể bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Vì thế, thầy cô ở tuổi 60 không còn phù hợp việc này nên cần có điều chỉnh phù hợp. Theo đó, nên điều chỉnh giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Khẳng định quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi (với nữ), 62 tuổi (với nam) chưa phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo ở cấp học này; Theo TS Trương Thị Kim Oanh - nguyên cán bộ nghiên cứu Trung tâm Giáo dục dân tộc của Bộ GD&ĐT cho rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT phù hợp với thực tiễn khách quan và hợp lý, hợp tình.

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị xem xét tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến THCS. Theo đó, kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên các cấp học này được áp dụng như trước đây. Cụ thể, với nam nghỉ hưu tuổi 60 và nữ tuổi 55.

Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội viện dẫn, nếu theo lộ trình quy định, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù, tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh, thì độ tuổi này không phù hợp, nhất là với giáo viên mầm non.

Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), do đặc thù công việc nên giáo viên chịu nhiều khó khăn và áp lực. Lao động của họ cũng có đặc thù riêng, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Qua đó đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách cho các em sau này. Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn non nớt, đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh.

“Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng mức độ phức tạp lao động của giáo viên mầm non để đề xuất nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Điều này phù hợp với đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp và tình hình thực tiễn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội” - TS Vũ Minh Đức trao đổi.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến của nhiều địa phương, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện hành do đặc thù nghề nghiệp. Do vậy, việc đề xuất là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non - nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến.

“Đối với hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non là viên chức quản lý, thực hiện việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục của nhà trường, có tham gia trực tiếp giảng dạy nhưng với thời lượng không nhiều. Do đó, đề xuất nghỉ hưu sớm 5 năm sẽ không áp dụng đối với cán bộ quản lý trường mầm non” - TS Vũ Minh Đức cho biết.

Liên quan đến việc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu, Bộ GD&ĐT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 năm) so với quy định hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.