Cô giáo Đà Nẵng bày cách rèn kĩ năng thực hành môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Cô giáo Vũ Thị Hương, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) lưu ý thí sinh cần rèn luyện kĩ năng thực hành với bảng số liệu, biểu đồ trong ôn tập môn Địa lý.

Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) thực hành trong tiết học môn Địa lý.
Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) thực hành trong tiết học môn Địa lý.

Cần nắm vững cấu trúc đề thi

Cô Vũ Thị Hương, giáo viên Địa lý, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) nhận xét: "Đề minh họa môn Địa lý THPT năm 2024 được giáo viên đánh giá rất hay, rõ ràng, không có câu hỏi đánh đố học sinh. Đề minh họa có mức độ phân hóa tốt, học sinh đại trà có thể đạt từ 5-6 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt từ 8,5 đến trên 9 điểm.

Cấu trúc đề tham khảo năm nay giữ nguyên như cấu trúc đề từ năm 2021 đến nay, với khoảng 70-75% câu hỏi nhận biết và thông hiểu, từ 25-30% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Nội dung các câu hỏi chủ yếu là Địa lí Việt Nam ở chương trình Địa lý lớp 12 . Địa lý lớp 11 chỉ có 2 câu thực hành, không có câu hỏi lí thuyết.

Có tổng 40 câu trắc nghiệm, trong đó phần nhận biết chủ yếu rơi vào câu hỏi liên quan đến sử dụng Atlat (15 câu). Phần thông hiểu chủ yếu là Địa lý dân cư (2 câu), Địa lý các ngành kinh tế (7 câu). Phần vận dụng và vận dụng cao liên quan chủ yếu đến kiến thức phần Vùng kinh tế (8 câu). Phần Địa lý tự nhiên có 4 câu, trong đó chỉ có 1 câu vận dụng cao, còn lại là nhận biết và thông hiểu (3 câu). Kĩ năng đọc bảng số liệu và biểu đồ có 4 câu.

Đội tuyển môn Địa lý, Trường THPT Thái Phiên tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố, năm học 2023 - 2024.

Đội tuyển môn Địa lý, Trường THPT Thái Phiên tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố, năm học 2023 - 2024.

Trong thời gian ngắn ôn thi, để đạt điểm cao môn Địa lý, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất, theo cô Vũ Thị Hương, học sinh lớp 12 cần nắm vững cấu trúc đề thi.

Theo như phân tích của cô giáo Vũ Thị Hương thì việc nắm vững cấu trúc đề thi sẽ giúp học sinh xác định được tập trung ôn thi vào phần nào.

“Đối với những học sinh chỉ cần lấy điểm môn Địa để xét tốt nghiệp thì rèn nhiều kĩ năng Atlat và làm bài tập liên quan đến bảng số liệu, biểu đồ. Biết xử lí số liệu để rút ra nhận xét, biết lựa chọn loại biểu đồ phù hợp để thể hiện đối tượng, biết nhận dạng tên của biểu đồ. Ngoài ra, ôn kĩ phần địa lý dân cư và địa lý ngành kinh tế.

Những học sinh muốn lấy điểm môn Địa để xét đại học, ngoài các nội dung trên, các em cần dành nhiều thời gian cho nội dung vùng kinh tế, các câu hỏi phần này thường là câu vận dụng, vận dụng cao, chủ yếu hỏi mục đích, ý nghĩa, giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế-xã hội thực tiễn ở mỗi vùng” – cô Hương gợi ý các nội dung cần tập trung ôn tập phù hợp với mỗi mục đích đăng ký dự thi.

Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý đề thi chính thức thường tăng độ khó so với đề thi tham khảo, nhất là câu hỏi liên quan đến kĩ năng thực hành với bảng số liệu và biểu đồ. Trong đề thi chính thức năm 2022-2023, nhiều học sinh không chọn đúng dạng biểu đồ thích hợp và không chọn được tên biểu đồ thích hợp. Chính vì vậy, năm nay các em phải ôn kĩ các dạng câu hỏi này, phải hiểu được bản chất, ưu và hạn chế của từng loại biểu đồ khi thể hiện các đối tượng.

Ôn tập theo chủ đề

Trong giai đoạn ôn tập nước rút này, theo cô Vũ Thị Hương, với môn Địa lý, học sinh cần ôn tập theo chủ đề. Có thể chia thời gian để học các chủ đề, ở mỗi chủ đề nên học thật kĩ lí thuyết, sau đó làm các bài tập trắc nghiệm liên quan đến chủ đề, bắt đầu từ các câu hỏi nhận biết đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, từ đó các em mới nắm được kiến thức ở mỗi chủ đề sâu sắc. Trong khi làm bài tập, phần nào còn vướng thì phải xem kĩ lại lí thuyết, làm lại câu hỏi đó nhiều lần để tránh bị sai ở lần sau.

Sau khi đã vững vàng các nội dung kiến thức, các em cần dành thời gian để luyện đề, nhất là các đề THPT đã ra các năm trước đó, làm đi làm lại nhiều lần, cho đến khi nào đạt điểm tối đa.

Ngoài luyện các đề thi THPT đã ra các năm trước đó, các em nên tìm các đề của các Sở GD&ĐT đã tổ chức thi thử để luyện thêm.

Cô Vũ Thị Hương cũng lưu ý, ngoài nắm vững kiến thức môn Địa lý, học sinh cần có kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm. "Ở mỗi câu hỏi, để tránh nhầm lẫn, các em nên gạch chân các từ khóa trong câu để biết trọng tâm câu hỏi. Đọc kĩ câu hỏi để biết câu khẳng định hay câu phủ định. Ưu tiên câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Làm bài cẩn thận, không nên để bị sai dẫn đến mất điểm ở những câu dễ. Kiểm tra lại việc tô mã đề, tô đáp án. Những câu hỏi nào nếu không chắc chắn được đáp án thì cần sử dụng phương pháp loại trừ để chọn, tô, không để trống" - cô Hương gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ