Cô giáo trường chuyên bày cách không 'rơi' điểm môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Để hoàn thành được mục tiêu của mình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đang tăng tốc ôn tập.

Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh NVCC.
Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh NVCC.

Dưới đây là những chia sẻ của Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cách ôn luyện hiệu quả môn Địa lý giai đoạn nước rút.

Có kế hoạch học tập cụ thể

Thời gian ôn thi nước rút là giai đoạn vàng quyết định rất lớn đến kết quả bài làm của thí sinh. Do đó, các em cần xây dựng mục tiêu học tập và có kế hoạch học tập cụ thể, bố trí thời lượng phù hợp để ôn tập và luyện đề đối với từng đơn vị kiến thức nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Ví dụ đối với những bạn chỉ dùng môn Địa lý để xét tốt nghiệp thì nên tập trung vào kỹ năng Atlat, kỹ năng biểu đồ, bảng số liệu cho thuần thục, sau đó sẽ ôn luyện kiến thức ở các dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu.

Đối với những sĩ tử dùng điểm môn Địa lý xét đại học, ngoài việc làm tốt kỹ năng địa lý cần dành nhiều thời gian để ôn tập theo các chủ đề, luyện các dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để lấy được điểm cao.

Bên cạnh đó, thí sinh nên lập sơ đồ kiến thức, kỹ năng để ghi nhớ lâu hơn; thường xuyên sử dụng Atlat trong quá trình luyện đề, tạo thói quen sử dụng Atlat để khi làm bài thi thao tác sử dụng nhanh và thuần thục để không mất nhiều thời gian.

Tăng cường luyện đề theo từng chủ đề, luyện đề tổng hợp (cần giới hạn thời gian làm bài theo đúng thời gian thi thực).

Một tiết học của cô Bạch Yến và học trò. Ảnh NVCC.

Một tiết học của cô Bạch Yến và học trò. Ảnh NVCC.

Lưu ý trong quá trình luyện đề

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến gần, cô chúc các em giữ sức khỏe; lập kế hoạch học tập nước rút khoa học, nghiêm túc, kỷ luật thực hiện kế hoạch để đạt được mục tiêu. Chúc các em thành công”, Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) nhắn nhủ

Trong quá trình luyện đề, các em sẽ phát hiện ra những kiến thức bị hổng của mình, theo đó hãy dùng bút nhớ, bút đỏ khoanh lại câu sai, lỗi sai.

Khi có nội dung kiến thức cần ghi nhớ, sĩ tử nên ghi lại nội dung được giải đáp vào vở theo từng chủ đề riêng biệt, không ghi lẫn lộn kiến thức sẽ rất khó cho việc cần tìm lại, ôn tập.

Học sinh nên luyện đề theo các câu hỏi tương tự các câu đã làm sai để rút kinh nghiệm, giúp ghi nhớ lâu hơn, có khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt hơn.

Cách để không bị mất điểm oan

Để không bị động về thời gian làm bài, thí sinh trong quá trình luyện đề cần học cách phân phối thời gian hợp lí, không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu. Các em nên làm bài theo nguyên tắc "dễ trước, khó sau”, không được đánh mất điểm ở những câu dễ.

Đồng thời, thí sinh lưu ý tất cả các câu hỏi sử dụng Atlat, kỹ năng địa lí nên được ưu tiên làm trước. Trong quá trình làm bài thi, các em không bỏ sót câu hỏi nào, nếu câu nào không chắc đáp án thì dùng phương pháp loại trừ, phỏng đoán để chọn đáp án.

Sau khi làm xong các câu hỏi, các em cần rà soát lại một lần nữa tất cả các đáp án (kể cả đối với những câu hỏi dễ), tránh sai sót như tô thiếu đáp án, tô sai đáp án…

Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến.

Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Bạch Yến.

Những điểm yếu mà thí sinh có thể gặp thường gặp ở giai đoạn ôn thi nước rút

Một số thí sinh luyện nhiều đề nhưng không ghi lại các lỗi sai, các “từ khóa” kiến thức của các chủ đề dẫn đến thường xuyên gặp lỗi sai tương tự khi luyện đề. Hay, một số em không có kế hoạch học tập phù hợp, phân phối thời gian không hợp lí dẫn đến quá trình học bị áp lực, không hiệu quả.

Theo đó, để đạt được nguyện vọng các em mong muốn, thí sinh cần cân đối thời gian ôn tập giữa các môn học. Căn cứ kết quả học tập, yêu cầu, cách tính hệ số điểm của từng môn học ở trường tuyển để lập kế hoạch học tập phù hợp, phân bố thời gian hợp lý, tránh dành quá nhiều thời gian cho một môn học trong khi môn khác tính điểm hệ số cao hơn lại dành ít thời gian.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.

Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.