Cô giáo định nghĩa lại môn Địa lý

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước thế kỷ XX, nền giáo dục Mỹ áp đặt 'địa lý quyết định văn hóa cũng như thành tựu văn hóa' và 'phương Tây là chuẩn mực văn hóa chung'.

Nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu, hoạt động địa lý Zonia Baber (1862 - 1956). Ảnh: Kho lưu trữ Đại học Chicago
Nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu, hoạt động địa lý Zonia Baber (1862 - 1956). Ảnh: Kho lưu trữ Đại học Chicago

Bằng lập luận này, họ hợp lý hóa hành vi xâm lược các vùng đất mới dưới chiêu bài “khai hóa”.

Chỉ đến khi cô Zonia Baber (1862 - 1956) xuất hiện, kiên cường đấu tranh thông qua nghiên cứu và giảng dạy, môn Địa lý mới được định nghĩa lại.

Say mê Địa lý

Cô Zonia chào đời ở Kansas, Illinois, miền Trung Tây nước Mỹ. Khi đó, Kansas chỉ có trường tiểu học. Vì ước mơ trở thành cô giáo, cô phải chuyển đến Paris (Pháp), sống nhờ nhà họ hàng để đi học trung học.

Sự nghiệp giảng dạy của cô bắt đầu khá sớm. Mới chân ướt chân ráo vào nghề, cô đã giữ chức hiệu trưởng 1 trường tư thục trong 2 năm. Sau đó, cô chuyển tới Trường Sư phạm Hạt Cook (nay là Đại học bang Chicago), làm Trưởng khoa Địa lý 10 năm.

Tại Mỹ, địa lý được đưa vào giảng dạy ở các trường nữ sinh từ thế kỷ XVIII, từng là môn học chỉ có giáo viên nữ dạy. Văn hóa nhận thức thời này tin rằng, giáo viên nữ là lựa chọn thích hợp nhất để dạy môn học này.

Bởi vì, địa lý là văn hóa còn phụ nữ thì sẵn trong mình bản năng làm mẹ. Họ dễ dàng dạy dỗ, truyền đạt cho các thế hệ trẻ kiến thức và duy trì các giá trị bản sắc của đất nước.

Cũng từ thế kỷ XVIII, nghiên cứu địa lý gắn liền với “sự nghiệp khai hóa”. Mỹ và các đế quốc châu Âu tự cho mình là “chuẩn mực văn minh”, đánh đồng các nền văn hóa khác là “thấp kém”. Họ đua nhau tỏa ra khắp năm châu, khám phá các vùng đất mới và đi đến đâu là xâm lược đến đó.

Trong vai trò giáo viên, cô Zonia sớm thấy định nghĩa về địa lý mang tính chất chiến tranh này là sai trái. Nó chẳng khác gì lời biện minh cho hành vi cướp đất đai, xóa sổ văn hóa, hủy diệt các dân tộc khác.

Ngay từ năm đầu bước chân vào nghề dạy học, cô Zonia đã tích cực tiếp cận các nhà hoạt động tiến bộ. Năm 1898, cô thành lập Hiệp hội Địa lý Chicago. Năm 1901, cô được bổ nhiệm làm phó giáo sư địa lý và địa chất.

“Muốn tìm hiểu các sự kiện địa lý cần phải có kiến thức về khoa học, toán học và lịch sử, kết hợp với khả năng đọc, viết nhuần nhuyễn, vẽ bản đồ, thiết lập mô hình…”, cô Zonia phân tích. Với cô, địa lý không liên quan gì đến “thuộc địa hóa”. Nó chỉ đơn thuần là một bộ môn khoa học, cần phải được tách rời khỏi chính trị và để làm được điều đó, cô cần sự hỗ trợ từ giáo dục.

Sáng chế “bàn học địa lý” của Zonia. Ảnh: Kho lưu trữ Đại học Chicago

Sáng chế “bàn học địa lý” của Zonia. Ảnh: Kho lưu trữ Đại học Chicago

“Vì một thế giới hòa bình và thân thiện”

Cô Zonia quan niệm, giáo dục cần sự toàn diện. Các môn học tuy khác nhau nhưng luôn liên kết, ảnh hưởng, thậm chí phụ thuộc lẫn nhau. Việc truyền đạt kiến thức nên được bắt đầu từ thời tiểu học, bao gồm cả giảng dạy về Địa lý. Để giảng dạy Địa lý hiệu quả, sư phạm cần thông qua 3 bước.

Đầu tiên là đưa học sinh ra khỏi lớp, tiếp xúc với môi trường. Theo lập luận của cô Zonia, sách giáo khoa địa lý tuy hữu ích nhưng chưa đủ. Học sinh phải được nhìn, chạm vào môi trường, thực hiện các chuyến đi thực tế… thì mới thấu hiểu cặn kẽ.

Thứ 2, học sinh phải được thực nghiệm. Năm 1896, sáng chế “bàn học địa lý” của cô Zonia thông qua xét duyệt, được cấp bằng sáng tạo và đi vào trường học. Đây là dạng bàn có ngăn chuyên dụng, chia thành ô chứa nước, chảo cát và cho phép đặt thùng đựng đất sét. Về cơ bản, nó cung cấp đủ vật liệu để học sinh nhào nặn cảnh quan thu nhỏ, phục vụ thực nghiệm xây dựng mô hình.

Cuối cùng, địa lý phải được bản đồ hóa. Giáo viên giảng dạy môn Địa phải có hệ thống ký hiệu đơn giản, biểu thị người, vật, địa điểm… và không nên áp đặt chỉ một phương pháp vẽ bản đồ mà cho phép học sinh tự do sáng tạo. Đổi lại, học sinh phải giải thích được bản đồ do chính mình vẽ ra.

Bên cạnh vai trò giáo viên, cô Zonia còn là nhà nghiên cứu và hoạt động địa lý nhiệt tình. Bản thân cô từng thăm châu Á, ghé các đảo Thái Bình Dương, đến châu Âu, Trung Đông... Sau chuyến du lịch “vòng quanh thế giới”, cô hạ quyết tâm “biến địa lý thành phương tiện kết nối toàn cầu”.

Bởi vì, càng đi xa và tìm hiểu rộng, cô Zonia càng thấy địa lý tuyệt vời. Mỗi vùng đất đều có đặc trưng địa hình, địa chất khác nhau và sống trên nó là dân tộc với bản sắc văn hóa độc đáo. Cô khuyến khích các giáo viên, nhà địa lý ở Mỹ trao đổi thư từ với học sinh khắp thế giới, công khai chỉ trích chủ nghĩa đế quốc.

Những năm cuối đời, cô Zonia càng tích cực “kết nối thế giới thông qua môn Địa lý”. Cô kêu gọi chia sẻ kiến thức và quan điểm, tin rằng sự hiểu biết rộng không chỉ nâng cao trình độ học thuật của mỗi cá nhân, mà còn phát triển tình cảm thân thiết giữa các dân tộc, vùng đất… “Vì một thế giới hòa bình và thân thiện, đó mới là mục đích chân chính của giảng dạy môn Địa lý”, cô tuyên bố.

Năm 1925, với tư cách Chủ tịch Ủy ban liên Mỹ của Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do, cô Zonia hỗ trợ điều tra cuộc sống thực tế của Haiti (quốc gia vùng Caribee) dưới sự chiếm đóng của quân đội Mỹ, phơi bày các tội trạng của lính Mỹ tại đây, kêu gọi và yêu cầu chấm dứt sự hiện diện. Năm 1926, cô Zonia đại diện phụ nữ Puerto Rico đòi mở rộng quyền bầu cử. Năm 1927, cô được bầu làm thành viên của Hiệp hội Các nhà địa lý nữ. Năm 1948, Hiệp hội Địa lý Chicago do chính cô thành lập trân trọng trao tặng Huy chương Vàng, ghi nhận thành tựu trọn đời cho cô Zonia.

Theo Smithsonianmag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ