Chuyện cô giáo “cắm bản” ở Lao Và Chải

GD&TĐ - Vượt khó đến trường luôn là những câu chuyện cảm động của thầy trò vùng cao. Đường đi dạy học của các cô giáo “cắm bản” khá gian nan, nhất là mùa mưa lũ, nhưng mỗi khi đến điểm trường, nhìn thấy ánh mắt học sinh, mọi vất vả như tiêu tan, các cô lại vui quên mệt mỏi.  

Lớp học “3 trong 1” tại Trường Tiểu học Lao Và Chải
Lớp học “3 trong 1” tại Trường Tiểu học Lao Và Chải

Vượt đường rừng dạy chữ

Gần 10 năm gắn bó với điểm trường Là Lũng (Trường Tiểu học Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), cô Hà Bích Đào cho biết, 10 năm qua, cô Đào cùng 2 giáo viên khác là cô Mai, cô Nguyệt vẫn ngày ngày 2 buổi vượt 6km đường rừng để đến dạy chữ cho khoảng gần 60 em học sinh trong bản.

Ngày nào cô Đào cũng dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị cơm nước, 5 rưỡi bắt đầu lên đường và đúng 7 giờ đến điểm trường, vừa kịp giờ học. Cũng có lần đi xe máy nhưng đến giữa đường gặp bùn đất lầy lội, xe không nhúc nhích được, thế là đành vứt xe lại, leo bộ lên trường. Cách đây 3 năm cô Đào từng bị gãy tay vì xe lao dốc. Tay lành, cô lại tiếp tục lên điểm trường dạy các em học sinh.

Còn cô giáo Mai, cân nặng có 34kg, không biết đi xe máy thì bao năm nay cách duy nhất chỉ là cuốc bộ, leo núi lên điểm trường để dạy học. Ngày nắng, các cô đi tầm 40 - 50 phút đến điểm trường, nhưng những ngày mưa như suốt hơn 1 tháng qua thì có khi mất hơn 2 tiếng. Nhưng bất chấp thời tiết như thế nào, các cô đều 7 giờ sáng là có mặt tại lớp học vì không muốn học sinh phải chờ, không muốn bố mẹ các em lại hỏi sao cô đi muộn...

Học sinh tại điểm trường Là Lũng - Trường Tiểu học Lao Và Chải (Yên Minh - Hà Giang)

Học sinh tại điểm trường Là Lũng - Trường Tiểu học Lao Và Chải (Yên Minh - Hà Giang)

Lớp học “3 trong 1”

Sự khó khăn không chỉ ở các điểm trường vùng cao mà cả ở điểm chính của Trường Tiểu học Lao Và Chải. Trường có 4 phòng học, được đầu tư từ những năm 2002. Mái lợp fibro xi măng nóng về mùa hè, dột ướt trong ngày mưa. Thậm chí bức tường gạch đến nay sau cả hơn chục năm sử dụng vẫn chưa được trát hoàn thiện.

Thiếu lớp học, thiếu phòng chức năng nên việc đưa các em học sinh từ điểm trường về trường chính để học hầu như không thực hiện được. Hiện toàn trường có 186 học sinh bán trú nhưng do chưa có nhà bán trú nên phòng học đồng thời cũng là phòng ăn, phòng ở của các em học sinh. Nhiều người gọi đây là lớp học “3 trong 1” khi có tới 3 chức năng: Học, ăn và ngủ.

Thầy Phan Nhật Tuyên - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Năm học này, toàn trường có khoảng 900 học sinh, trong đó 186 học sinh ở bán trú tại trường chính, nhưng hiện tại vẫn chưa có nhà lưu trú cho các em. Nhà ăn, bếp ăn diện tích hẹp, đang trong quá trình sửa chữa, không đủ điều kiện bố trí cho các em ăn tập trung.

Những năm gần đây, trường được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhà lớp học và chủ trương đầu tư nhà lưu trú cho học sinh bán trú, nhưng do quỹ đất của trường không còn, trong khi các phương án bố trí xây dựng nhà lưu trú cho học sinh vẫn chưa thực hiện được nên Ban Giám hiệu đã tạm thời khắc phục khó khăn bằng cách tích hợp lớp học làm phòng ăn và ngủ cho các em ngoài giờ học để đảm bảo duy trì sĩ số học sinh.

Niềm vui của học sinh vùng cao Hà Giang tại lễ khai giảng

Niềm vui của học sinh vùng cao Hà Giang tại lễ khai giảng

Trước mỗi tiết học có biểu diễn văn nghệ

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Lao Và Chải đón 422 học sinh đến trường, vẫn thiếu đến 22 học sinh theo kế hoạch. Tuy nhiên, đó cũng là nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo cắm bản. Tại các trường học vùng cao, đặc biệt là tại Lao Và Chải, một xã vùng cao biên giới - vùng đặc biệt khó khăn thì việc vận động học sinh đi học luôn là nỗi lo thường trực của các thầy cô.

Trực tiếp tới những thôn, bản vùng sâu, vùng xa tại Lao Và Chải như Khuổi Hao, Xì Phải, Là Lũng, Chế Quà... để vận động học sinh đến trường, thầy Hoàng Quốc Biển chia sẻ: “Học trò vùng sâu còn rất nhiều vất vả, nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học, bỏ học.

Nếu các thầy, cô không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ luôn. Chính vì vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn tìm hiểu phong tục, tập quán, từ đó có hướng tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp.

Mỗi khi lên lớp, tôi luôn có phương pháp dạy phù hợp để các trò thoải mái tinh thần bước vào bài học. Trước mỗi tiết học, tôi đều dành 5 - 10 phút cho các em biểu diễn văn nghệ. Không những thế, trong cặp giáo viên không chỉ là giáo án, có lúc còn kèm theo vài cái bánh, kẹo để động viên, khuyến khích, tạo niềm vui cho các em. Nhờ vậy, sĩ số luôn được duy trì, không em nào bỏ học”.

Đầu năm học, để vận động các em đến trường đầy đủ, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh, phong tục, tập quán của từng gia đình. Đồng thời, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, thậm chí cùng lên nương, rẫy bẻ ngô, làm cỏ… giữ mối quan hệ chặt chẽ với các trưởng thôn để bám nắm, tuyên truyền các gia đình không để con em nghỉ học, bỏ học giữa chừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.