Cô giáo cắm bản: Đổi tuổi thanh xuân nuôi con chữ

GD&TĐ - “Con phải về ngay! Bố đang ốm. Để lời nhắn đó chuyển tới em mất chừng 3 ngày. Đi xe mất hai ngày mới về đến quê.

Một lớp học ở điểm bản lẻ của Trường Mầm non Nậm Chà.
Một lớp học ở điểm bản lẻ của Trường Mầm non Nậm Chà.

Tới nhà thì bố em đã mất được ba ngày. Em chỉ biết ra mộ bố, ôm đống đất mới đắp rồi khóc không thành tiếng…”, cô Đinh Thị Kim Dung rơm rớm kể lại. 

Bản Huổi Lính A chẳng có sóng điện thoại

Tôi may mắn có được một chuyến công tác đến xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu vào dịp cuối năm 2019. Song có lẽ may mắn hơn, đó là được nghe nhiều câu chuyện, nhiều cảnh đời của mỗi giáo viên nơi đây. Chuyện của cô giáo Đinh Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Nậm Chà đã thực sự ám ảnh tâm trí tôi.

Nậm Nhùn là huyện non trẻ. Nó được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Mường Tè - huyện rộng nhất và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Ở Nậm Nhùn thì tất cả các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Song có lẽ Nậm Chà là xã khó khăn hơn cả bởi xa trung tâm huyện lỵ tới hơn 60km, giao thông không thuận tiện. 

Công tác trong ngành giáo dục ở cái vùng đất đầy khó khăn này, giáo viên mầm non cắm bản là những người gian nan nhất. 9 ngày ở Nậm Chà, cô Dung đưa tôi đi chơi hết bản này sang bản khác để thăm các điểm trường lẻ của trường mầm non. Thật lạ là các điểm bản nằm khá gần nhau. Chỉ cách xa nhau chừng “ba con dao quăng”, thậm chí là nhìn thấy nhau phía bên kia sườn núi. Song đi xe máy tới nơi cũng mất nửa ngày. 

Bản Huổi Lính A nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, dựng đứng, là nơi sinh sống của 18 nóc nhà người Mông. Ở điểm bản này có một lớp học cheo leo bên sườn núi. Đó là lớp học mầm non ghép 3 độ tuổi (3 - 5 tuổi). Điểm bản cách xa trung tâm xã chừng 10 cây số, học sinh mầm non không ra lớp được nên phải dựng lớp ở bản để học sinh thuận tiện đi học. 

“Bây giờ thì còn đỡ, chứ như ngày trước khi mới vào đây chúng em khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Đường xá thì hầu như phải men theo những lối mòn, có đường cho xe ô tô đi đâu. Muốn liên lạc với ai đó ngoài trung tâm huyện thì chỉ có cách nhắn. Nhờ bà con dân bản xem có ai đi chợ huyện thì nhờ họ nhắn giúp. Chứ sóng điện thoại thì cũng chẳng có”, cô Dung tâm sự.

Cô giáo Đinh Thị Kim Dung (bên phải) đến thăm, động viên giáo viên cắm bản.
Cô giáo Đinh Thị Kim Dung (bên phải) đến thăm, động viên giáo viên cắm bản.

Con phải về ngay, bố đang ốm!

Theo hướng tay cô Dung chỉ, nhìn về phía xa xa, cạnh quả đồi bên trái là điểm bản Huổi Lính B. Còn phía bên phải, sau dãy núi cao là đã sang tỉnh bạn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Cô Dung bảo, điểm bản bên cạnh chỉ cách nơi đang đứng chừng “hai con dao quăng” (cách đo độ dài đường đi của dân bản địa). 

Trên đường di chuyển cái quãng đường “hai con dao quăng” ấy, chiếc xe máy cứ gầm rú liên hồi, phanh kêu kin kít vì phải tụt từ trên đỉnh của dãy núi cao xuống chân núi. Cô Dung không tỏ vẻ sợ hãi mỗi khi gặp những tình huống nguy hiểm bởi đã quá quen. Vừa đi, cô vừa kể về câu chuyện của bản thân mà đến tận bây giờ cô vẫn không thể tha thứ cho mình.  

Gần 10 năm về trước là thời điểm khó khăn nhất. Điện, đường, trường, trạm hầu như không có. Sóng điện thoại cũng không. Gia đình muốn liên lạc thì phải gọi bằng máy cố định lên trường, rồi trường lại nhắn bằng lời nhờ dân bản đi ngựa đến điểm bản để báo lại. 

Cũng thời điểm đó, cô Dung nhận được thông tin từ gia đình báo lên rằng: “Con phải về Phú Thọ ngay, bố đang ốm”. Từ lúc nhà gọi điện lên trường thông báo, đến khi cô Dung biết tin cũng mất chừng 3 ngày. Mất một ngày di chuyển từ xã ra trung tâm huyện và một ngày từ huyện bắt xe về Phú Thọ là cô mất tròn 5 ngày.

“Về đến nhà, bố em đã mất được ba ngày. Em chỉ biết ra mộ bố, ôm đống đất mới đắp lên rồi khóc không thành tiếng. Cho đến bây giờ thì em cũng không thể tha thứ cho bản thân. Em tự trách mình đã bất hiếu với bố lúc tuổi già. Đến khi nhắm mắt, xuôi tay cũng chẳng được nhìn mặt con...”, cô Dung nấc nghẹn, òa khóc như một đứa trẻ. 

Đổi tuổi xuân nuôi dưỡng những đứa trẻ “khát chữ”

Trường Mầm non Nậm Chà có gần 30 giáo viên, phần lớn đều là người dưới xuôi lên đây dạy học. Xa gia đình, xa người thân. Trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, làm con… giờ đây các cô chưa thể vẹn toàn, bởi vẫn còn nhiều trẻ em người dân tộc ít người còn đang “khát chữ”.

Bởi thế, ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, các cô vẫn thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình, thầm lặng cống hiến cho giáo dục vùng cao.

“Giữa tháng 11 này, em được đi Quảng Ninh đón nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT đấy. Em rất vui vì chúng em công tác ở vùng sâu, vùng xa, được Bộ quan tâm và ghi nhận những nỗ lực đó. Đây là động lực lớn giúp chúng em thêm yêu trường, mến trẻ, tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghề”, cô Dung hồ hởi khoe.

Chia tay Trường Mầm non Nậm Chà mà lòng nặng trĩu. Câu chuyện về cô giáo hiệu trưởng có gần 20 năm gắn bó với nghề, với trường, với đám trẻ, nấc nghẹn, day dứt khi không được chăm bố ốm, mẹ đau lúc tuổi già là thiệt thòi của cá nhân cô. Nhưng có lẽ dưới “suối vàng” phụ thân cô sẽ luôn tự hào về cái nghề cao quý mà con gái ông đã và đang thầm lặng cống hiến…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ