Miyu Kojima (hiện 26 tuổi) làm việc cho ToDo, công ty chuyên phụ trách dọn dẹp nhà của những người vừa mất mà không có người thân ở bên, kênh truyền hình Al Jazeera cho hay.
Nhật Bản ngày càng chứng kiến nhiều "cái chết cô đơn" còn được gọi là kodokushi trong tiếng Nhật. Nguyên nhân là do dân số của quốc gia này đang già hóa và nhiều người già sống một mình.
Miyu Kojima. (Ảnh:Al Jazeera). |
Miyu là người phụ nữ duy nhất và cũng là nhân viên trẻ nhất của ToDo. "Tôi chủ yếu dọn dẹp những căn hộ, ngôi nhà nơi xảy ra những cái chết cô đơn và cũng sắp xếp lại những kỷ vật của họ", Miyu nói với kênh truyền hình Al Jazeera.
Chủ nhân của những ngôi nhà mà cô dọn dẹp thường được phát hiện một hoặc hai tháng kể từ khi qua đời, có người lâu nhất là 8 tháng. Thỉnh thoảng, cô cũng dọn nhà cho những người chết trong bệnh viện, bị sát hại hoặc tự tử.
Sau khi các thi thể được đưa đi, Miyu cùng các đồng nghiệp của cô lau chùi nhà cửa và phân loại đồ đạc. Họ tự nhận mình là những người sắp xếp kỷ vật.
Miyu rất vui vẻ và luôn mỉm cười. Cô đi một đôi giày bệt màu đen. Cô bước chân vào nghề này sau khi cha cô đột ngột qua đời.
"Tôi nghĩ tôi biết những gia đình này đang trải qua chuyện gì và tôi muốn giúp đỡ họ", Miyu nói.
Miyu bắt đầu tìm kiếm các công ty chuyên về lĩnh vực dọn dẹp nhà cho những người chết cô đơn và cuối cùng đã chọn công ty "ToDo".
Cô cho biết hàng ngày cô tới công ty vào buổi sáng, nhận nhiệm vụ rồi cùng một nhóm gồm 6 người di chuyển thật nhanh tới một địa điểm có người mất. Họ thường hoàn thành công việc vào lúc 3h chiều. Mỗi lần kiếm được 3.000 - 5.000 USD.
"Tôi làm mọi việc từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc. Tôi lái xe tải, dọn dẹp và trò chuyện với gia quyến", Miyu cho biết.
Trước khi Miyu bước vào một căn nhà, cô sẽ cầu nguyện. "Lý do tôi cầu nguyện trước khi bước vào nhà là vì tôi biết đó là những người đã chết...và một số người có thể vẫn còn hối tiếc vì điều gì đó", cô nói. Cô cầu nguyện để họ "được yên nghỉ trên thiên đường".
Ban đầu Miyu cảm thấy công việc này rất khắc nghiệt. Cảnh tượng có thể rất rùng rợn. Ngay cả khi thi thể của người quá cố được chuyển đi, tóc và những chất lỏng rỉ ra từ những xác chết vẫn còn lại. Tuy nhiên, điều cô cảm thấy khó khăn nhất đó chính là nói cho gia đình hiểu về công việc của mình.
Mẹ Miyu và cả bạn trai cô đều phản đối công việc này.
"Anh ấy nói với tôi rằng tôi có thể bị ma ám nhưng tôi đáp tôi chẳng làm điều gì tồi tệ hay sai trái thì làm sao mà tôi bị ma ám được", Miyu kể. "Giờ đây, anh ấy đã hiểu tôi".
"Tôi nghĩ không phải vì tuổi tác, mà là vì giới tính của tôi", Miyu suy đoán.
Mùa hè thường là mùa bận rộn nhất khi các thi thể có xu hướng đã bốc mùi vào thời điểm được phát hiện.
"Trong lúc lau dọn tôi thường nghĩ về những người đã sống ở đó, họ đã sống như thế nào, họ làm việc gì", Miyu nói.
Cô cho biết nhiều người già thích sưu tập đồng xu, tem và túi mua sắm.
Sau khi hoàn thành công việc lau dọn, các thành viên trong nhóm của Miyu sẽ tổ chức nghi lễ cuối cùng cho người quá cố như đặt họa, đốt hương trầm và cầu nguyện.
Miyu sẽ trao những kỷ vật mà họ đã phân loại cho gia quyến. Nếu họ không cần đến chúng, công ty ToDo sẽ đưa chúng lên một ngôi đền làm lễ rồi thiêu hủy.
"Tôi cảm thấy buồn khi gia đình không muốn nhận những thứ này vì đó là những gì mà người quá cố để lại", cô tâm sự.
Theo Miyu, nhu cầu về công việc dọn dẹp nhà cho người chết cô đơn ngày càng tăng. Hideto Kone, phó chủ tịch của Hiệp hội Sắp xếp Kỷ vật cho biết, tính tới thời điểm tháng 2/2017, có khoảng 4.000 công ty chuyên cung cấp dịch vụ này tại Nhật Bản.
Công việc của Miyu cũng cho cô một cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa người với người.
"Tôi nhìn thấy những người này không thật sự quan tâm tới cha mẹ họ hoặc gia đình và một số người thậm chí còn không thèm nhìn vào các kỷ vật của họ", cô nói. "Họ chỉ cần lấy tiền thôi".
Đối với Miyu, kodokushi không phải là một hiện tượng chỉ ảnh hưởng tới người cao tuổi.
"Đó là những chuyện có thể xảy ra với bạn và cả với tôi nữa", cô cảnh báo.