1. Tuy là người cùng quê nhưng tôi ít khi gặp o Nhị. Nhớ một lần vào năm 2000, o có nhờ tôi liên hệ gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật qua điện thoại.
Ngày đó điện thoại di động còn hiếm. Nhà tôi có lắp chiếc điện thoại bàn. Tôi gọi cho nhà thơ Phạm Tiến Duật, hồi ấy ông là Phó ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Duật hẹn sáng mai 9 giờ anh sẽ đến Hội Nhà văn và tôi sẽ điện ra cho anh để nói chuyện với o Nhị theo số máy bàn của Ban Đối ngoại.
Khi nghe tôi nói cuộc hẹn o Nhị mừng lắm. Mới 8 giờ sáng o đã đi bộ vào nhà tôi cách khoảng 1 cây số. Trong lúc chờ, o kể cho tôi nghe câu chuyện gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Đó là năm 1968, o ở Đại đội 555 thuộc Tổng đội TNXP 55 san đường lấp hố bom tại đường 15A ở Phú Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh). Trong tiểu đội, o là người cao nhất, vốn là vận động viên bóng chuyền của tổng đội đã thi đấu ở Quảng Bình được giải nhất.
O cao 1m67 và từng vác cả hòm đạn 50 - 70 kg để giải phóng hàng cho xe. Tối đó, o mặc chiếc áo phin lơ xanh vì áo quân phục lấm bụi đất đường giặt chưa khô. Tiểu đội o đang san đường thì gặp một đoàn xe tải từ Quảng Bình ra. Vì đường còn vướng hố bom nên nhiều lái phụ phải nhảy xuống để làm cọc tiêu chỉ đường.
O Nhị trước ngôi nhà của mình. |
O kể: “Hồi nớ, bọn tui có biết ông Duật là ai mô. TNXP với bộ đội lái xe là bạn thân và hay trêu đùa nhau. Thế mà cũng có người thành đôi lứa. Mỗi lần xe qua các anh tài xế rất vui tính hỏi vọng xuống: “Có yêu anh không?”. Bọn o đáp lại ví von: “Bao giờ chạch đẻ ngọn tre/Thì em mới lấy lái xe làm chồng”.
Nói là nói thế nhưng ai cũng thương cánh lái xe chạy thâu đêm. Anh nào mắt cũng hõm sâu, râu ria mọc không kịp cạo, nhưng dũng cảm lắm. Xe cứ đi lầm lụi, bò lắc lư như con cua càng mà các anh vẫn quay lại tán tỉnh: “Sao lại chê cánh lái xe này”. Bọn o đáp ngay: “Dại gì mà lấy lái xe/Đi ba cây số còn nghe mùi dầu”.
Bữa đó có lẽ o là người cao nổi bật lên hẳn, lại mặc áo màu sáng nên có một anh bộ đội lại gần. Anh ấy dáng dong dỏng cao, đặc biệt có cái mũi tây, nói giọng Bắc, vai đeo cái rađio cùng cái sắc - cốt bên người như các anh nhà báo. Anh đó hỏ
i o: “Cô ở đâu”. Vốn tinh nghịch từ nhỏ o đáp ngay: “Em ở Thạch Nhọn anh nờ”. Anh bộ đội ngớ ra: “Sao lại có xã Thạch Nhọn”. Lũ bạn o đấm vào lưng nhau thùm thụp: “Đúng rồi đó em nớ ở Thạch Nhọn, còn bọn tui ở Thạch Tày”. Anh bộ đội vui lây với không khí thời chiến rất tươi trẻ ấy lại cười: “Có xã Thạch Tày à”. Cả bọn lại cười rộ lên: “Là Thạch Bằng cạnh Thạch Kim đó anh à”.
Cứ tưởng chuyện đó qua đi không ai nhớ thì một hôm ông Nghinh, đại đội trưởng gọi o lên gặp: “O nói chi mà để người ta đọc thơ trên đài nói o lừa Thạch Kim là Thạch Nhọn đó?”. Thôi chết, o giật mình.
Tưởng nói đùa ai hay anh bộ đội nhà thơ đó đã viết bài thơ đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Nghinh nhăn mặt: “Này, tôi nói cho o biết. May đó là nhà thơ chứ là cán bộ Trung ương thì o đi tù rồi đó”.
O sợ hết hồn ngồi im thin thít. Lát sau mới rón rén đứng dậy: “Thủ trưởng ơi, em đã trót dại. Thủ trưởng cho em ở lại chăn trâu, chăn bò gì cũng được chứ đừng bắt em về, mẹ em chửi chết”.
2. Hôm đó o và nhà thơ Phạm Tiến Duật nói chuyện qua điện thoại khá lâu. Lát sau thấy o ra mắt đỏ hoe, tôi hỏi: “Gặp nhà thơ thì vui sao o lại khóc”. O bảo: “Anh Duật tình cảm lắm, cứ hỏi mãi về hoàn cảnh của o và những bạn bè TNXP. Anh còn kể mới viết xong trường ca về tiếng chuông chùa, về những nữ TNXP Thái Bình trở về sau chiến tranh vào nhà chùa đi tu. Anh có đọc cho o nghe một đoạn, không cầm được nước mắt chú ạ.
Mà cũng đúng thôi, thời thanh niên đẹp nhất, nhan sắc nhất thì hiến dâng tuổi xuân cho những tuyến đường. Ngày về tuổi đã khác, đâu còn xuân sắc nữa, với bao chuyện vướng bận. Như o đây đến giờ vẫn độc thân một mình.
Tôi đến nhà o vào một buổi chiều, vì buổi sáng o phải đẩy xe ra gò cá để bán hàng vặt cho những người đi biển. Xe hàng vặt của o đó là vài chục bó rau, mươi củ su hào, ít cân cà chua, rồi những bó hành, ngò...
O bảo: “Nghề ni và gánh hàng ni là của mẹ tui truyền lại cho”. Ngôi nhà cấp bốn mà o đang ở là của Công ty Việt Tiến thông qua báo Người Lao động cho 20 triệu đồng xây năm 1997. O vẫn đi chân đất (tôi lại nhớ đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm”).
O đon đả mời chúng tôi vào nhà thân tình như khách quen đã lâu với dáng nhanh nhẹn của một cầu thủ bóng chuyền ngày nào. Tôi không tin nổi vì trước mắt mình không phải là bà lão đã 70 tuổi - o sinh năm 1946. Vẫn tiếng cười nói rộn ràng, vẫn giọng đùa dí dỏm.
Trong câu chuyện cao hứng o còn đọc thơ và hát cho chúng tôi nghe những câu hò ứng khẩu, đối đáp với cánh lái xe, bộ đội hồi đó. Tôi chú ý có một đàn gà con lục tục quấn quýt quanh chân o. Trong khi chúng tôi đang hỏi chuyện o trong ngôi nhà bài trí đơn giản, có treo mấy tấm ảnh và tấm huy chương thời TNXP thì bất ngờ một đàn chim sẻ từ cây dâu trồng trước sân nhà o sà xuống nhặt thóc cùng với bầy gà con trông thật đầm ấm.
O Nhị đứng dậy thắp một nén nhang cắm lên bàn thờ cho mẹ. Lại thắp lên nén hương khác nơi có chiếc mũ tai bèo bị mảnh bom xé rách, o bảo: “Mẹ tui thương tui lắm. Rất may là mẹ còn được ở trong căn nhà tình nghĩa này mấy năm trước khi mất”.
Tác giả với o Nhị ở Gò cá Thạch Kim. |
3. Câu chuyện của chúng tôi quay về nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi đó ông bị ung thư phổi điều trị ở Viện Quân y 108.
Tôi nhớ trước đó ít lâu có lần ra Hà Nội họp, o Nhị đã gửi cho nhà thơ món quà biển là 1 kg mực khô loại 1. O dặn: ‘‘Nhờ chú đưa cho anh Duật uống bia để làm thơ. Bia hơi Hà Nội vốn đã ngon mà uống với mực khô Thạch Nhọn thì còn gì bằng’’. Nói rồi o cười: ‘‘Chú Phú này, mực to loại 1 ta gọi là mực Kim đấy’’.
Lúc gặp nhà thơ ở cổng Hội Nhà văn, khi nghe tôi nói o Nhị gửi mực Kim, anh Duật cười phá lên: ‘‘Lại kim, lại nhọn nữa rồi. Kim mà to thế này à’’. Và sau đó ít lâu căn bệnh quái ác quật ngã nhà thơ của Trường Sơn một thời, của tiểu đội xe không kính ngang tàng: ‘‘Chỉ cần trong xe có một trái tim’’…
O Nhị được bạn bè nhà thơ và người thân của ông đón ra Hà Nội 5 ngày thăm nhà thơ. Cùng đi có cậu con trai đầu của người chị cả.
Khi bước lại gần giường bệnh, anh Duật không còn nói được nữa, nhưng vẫn mở mắt đưa bàn tay gầy guộc ra bắt… O Nhị ghé vào tai anh thì thầm: “Anh Duật ơi! Em là Nhị TNXP ở Thạch Kim, Thạch Nhọn đây’’. Ông cố mở mắt một lần nữa rồi mệt mỏi nhắm lại. Giọt nước mắt nóng hổi của o rơi uống gò má vàng vọt của ông thì bất ngờ từ khóe mắt nhà thơ ứa ra giọt nước mắt như cả hai muốn hòa tan vào nhau, như có một luồng điện thần giao cách cảm.
Ngày nhà thơ mất, nghe tin o thu xếp việc nhà và nhảy xe ra Hà Nội o viếng nhà thơ từ nhà tang lễ đến tận nghĩa trang. Gia đình nhà thơ xem o như người nhà. Chị gái anh Duật còn mời o về nhà chơi ở Bắc Kạn.
* * *
Chiều xuống muộn, nhưng o vẫn dẫn chúng tôi ra gò cá, ở đó có chiếc chõng tre được móc với dây khóa, là nơi o thường ngồi bán hàng vặt. O vẫn đi chân đất, bàn chân bấm vào cát mịn, ngón xòe ra, võng xuống.
Khi một người trong đoàn hỏi: ‘‘Từ nhà ra đây xa thế mà ngày nào cũng đẩy xe hàng ra bán chắc vất vả lắm o nhỉ’’. O cười, nụ cười dường như trẻ lại mươi tuổi: ‘‘Phải, chịu khó để bụng khỏi phải khó chịu chứ’’. Gió biển thổi lộng vào. Và lạ thay mái tóc đã thưa của o vẫn chưa có sợi nào ánh lên màu bạc…