Minh Chuyên - người trả lại tên cho đồng đội

GD&TĐ - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đưa giang sơn gấm vóc của chúng ta quy về một mối. Tuy nhiên, cái giá của chiến thắng không hề nhỏ- hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất mẹ, nhiều người không tìm được hài cốt.

Minh Chuyên - người trả lại tên cho đồng đội

Chiến thắng trở về, hàng triệu người được Nhà nước vinh danh công trạng, nhưng vẫn còn đâu đó những thân phận chưa được “làm người còn sống”.

Trong hàng loạt các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, kịch tác giả viết về đề tài “Di họa chiến tranh”, Minh Chuyên là một trong những cây bút xuất sắc nhất. Những tác phẩm của ông nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, làm lay động con tim của hàng triệu độc giả.

Nói như ông Nguyễn Tấn Phương khi đương nhiệm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương thì những tác phẩm sau chiến tranh của Minh Chuyên đã “tạo nên một vệt sáng trong dòng văn học thời hậu chiến”.

Người chữa lành những vết thương thời hậu chiến

Viết về nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, đạo diễn Minh Chuyên kể cũng đã nhiều nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương Binh Liệt sĩ, tôi tìm đến gặp Minh Chuyên khi anh đang khăn gói chuẩn bị sang Đông Âu làm phim tài liệu về cuộc sống của kiều bào ta ở nước ngoài.

Sau cái bắt tay chúc mừng anh vừa nhận giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng, câu chuyện của chúng tôi lại trở về “Di họa thời hậu chiến”. Minh Chuyên kể: Trưởng thành từ người lính (anh có 10 năm chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ), sau này có nhiều năm làm báo Thái Bình, người ta phân công viết cái này cái nọ nhưng anh chỉ tập trung vào viết về đề tài người lính, về thương binh, liệt sĩ.

Duyên nợ của người đã lính gắn bó với anh. Hàng ngàn bài báo, vài chục đầu sách cũng như hàng trăm tập phim tài liệu của anh đều viết về đề tài chiến tranh, về người lính. Tuy nhiên, theo Minh Chuyên, chiến tranh chỉ là cái cớ để tái hiện “Di chứng chiến tranh”- đề tài mà ông hằng ấp ủ.

Nói đến Minh Chuyên phải nhắc lại bút ký “Thủ tục làm người còn sống” gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Nhân vật chính của thiên bút ký là anh Trần Quyết Định, người cùng xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình với Minh Chuyên.

Năm 1977, anh Định nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường biên giới Campuchia. Đến tháng 12/1978, gia đình nhận giấy báo tử, nhưng 9 tháng sau, Trần Quyết Định khoác ba lô lù lù trở về làng. Sự thực thì trong một trận chiến đấu ở Tân Biên (Tây Ninh), Định bị thương nặng, phải chữa trị qua nhiều quân y viện. khi lành vết thương, ra viện thì đơn vị đã đi xa.

Chiến tranh, đi lại khó khăn, mọi nỗ lực tìm kiếm đơn vị của người lính đều vô vọng, anh quyết định trở về địa phương mà không hề có một thứ giấy tờ tùy thân nào.

Và câu chuyện bắt đầu từ đây với hàng loạt tình tiết đến rùng mình. Ở địa phương, Trần Quyết Định phải sống trong nghi kị của dân làng. Không ít người nghi anh đảo ngũ, thoái thác nhiệm vụ chiến đấu. Bao năm Trần Quyết định chạy ngược, chạy xuôi, vào Nam, ra Bắc chỉ để minh oan cho mình, chỉ để làm “thủ tục cho người còn sống” mà không được các cơ quan chức năng chấp nhận.

Bút ký “Thủ tục làm người còn sống” viết về Trần Quyết Định của Minh Chuyên đăng trên báo Văn Nghệ được ví như “quả bom thời hậu chiến”. Hàng trăm bức thư, điện thoại gửi về tòa soạn để hỏi thăm, cảm ơn…

Trong bối cảnh công tác thương binh, liệt sĩ của ta còn không ít bất cập, nhiều người chạy chọt để được hưởng chế độ thương binh, trong khi một thương binh sờ sờ như Trần Quyết Định lại bị phủ nhận. Bài ký như một quả bom ném thẳng vào tệ quan liêu, cửa quyền của không ít các cơ quan chính sách thời hậu chiến.

Bút ký thực sự lay động lòng người, khiến các vị lãnh đạo cao cấp cũng vào cuộc, dư luận ủng hộ và Trần Quyết Định được minh oan, được trả lại tên cho chính anh.

Đến bút ký “Người lang thang không cô đơn”, Minh Chuyên đã phải lau nước mắt cho cả triệu người. “Người lang thang không cô đơn” được đăng trên báo Văn Nghệ nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (số ra ngày 25/7/1992).

Câu chuyện kể về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc bị tâm thần, sau chiến tranh không tìm được đường về quê hương, bản quán. Thúc lang thang vật vờ đầu đường xó chợ ở Cầu Giấy (Hà Nội) ăn xin qua ngày.

May mắn thay, anh được gia đình ông bà Châu cưu mang, đưa về nhà nuôi nấng chăm sóc, chữa bệnh trong gần 10 năm trời. Trong mười năm ấy với bao khó khăn tìm kiếm, cuối cùng ông bà Châu mới đưa được anh thương binh Nguyễn Đình Thúc về quê- làng Tống Vũ, xã Vũ Chính, thị xã Thái Bình.

Trớ trêu thay, tìm được về quê, gặp được người yêu nhưng họ không thể nên vợ nên chồng vì chị Học (người yêu của Thúc) không có khả năng làm mẹ. Nuốt nước mắt vào trong chị cần mẫn chăm sóc anh, rồi đến một ngày đẹp trời lại gả vợ cho anh. Một câu chuyện cảm động giữa đời thực mà cứ ngỡ gặp trong cổ tích.

Ngoài hai bút ký tiêu biểu trên, bao trùm lên những tác phẩm khác của Minh Chuyên như: Vào chùa gặp lại, Cha con người lính, Di họa chiến tranh, Những linh hồn da cam, Nỗi đau còn đó…là tấm lòng nhân ái mênh mông, là tình nghĩa hiệp cao cả của những con người góp phần đưa các chiến sĩ thương binh trở lại cuộc sống hạnh phúc đời thường.

Minh Chuyên đã tìm ra 30 nhà sư nữ trong các chùa ở Thái Bình vốn là thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Chiến tranh qua đi, tuổi xuân cũng theo gót, lại thêm nhiễm chất độc da cam và như vậy, hạnh phúc gia đình với họ chỉ là điều xa xỉ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, người có thời gian gắn bó với thanh niên xung phong phải thốt lên: Tôi đã phát khóc khi đọc “Vào chùa gặp lại”.

Chiến tranh thật tàn độc, nó để lại một hậu quả hết sức nặng nề mà không dễ gì khắc phục nổi. Anh thương binh Lê Văn Lớp trở về lấy vợ, sinh con nhưng cả 9 người con đều “không đầu, không chân, mắt mọc lên từ cổ…”. Người vợ xót thương chồng, ngậm ngùi đi lấy vợ hai cho anh nhưng đến đứa con thứ 10 từ vợ hai lại vẫn như những đứa trước. Tất cả những câu chuyện bi thương đến rợn người của người lính thời hậu chiến được Minh Chuyên mô tả trong bút ký “Mười lần sinh tử”.

Điều đáng nói là mỗi khi ngòi bút của Minh Chuyên quét đến đâu, vào ai, nơi ấy, người ấy đều nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của bà con lối xóm. Nguyễn Đình Thúc lấy vợ, sinh con, được tặng ngôi nhà tình nghĩa. Trần Quyết Định không chỉ thành “người còn sống” mà còn được nhận thẻ thương binh…

Nói như Minh Chuyên rằng viết là để trả ơn cuộc đời, là để tri ân với đồng đội. Còn với tôi, anh đích thực là người chữa lành cho nhưng vết thương thời hậu chiến.

Đường đến vinh quang không trải bằng hoa hồng

Tác phẩm “Cha con người lính” của tác giả Minh Chuyên đạt Giải Vàng quốc tế năm 2006, được đề cử giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Tác phẩm “Cha con người lính” của tác giả Minh Chuyên
đạt Giải Vàng quốc tế năm 2006, được đề cử giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. 

Hơn 40 năm cầm bút, Minh Chuyên để lại cho chúng ta một pho lịch sử bề thế về di chứng chiến tranh. Hơn 25 cuốn sách bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học về đề tài hậu quả chiến tranh; viết kịch bản và đạo diễn 215 tập phim tài liệu đã nói lên điều đó.

Đến nay, nhà báo, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên đã nhận được 62 giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó có Giải nhất bút ký báo Văn Nghệ (1992) cho tác phẩm “Người lang thang không cô đơn”; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho tập truyện “Di họa chiến tranh” (1998); Giải Bạc LHP tài liệu quốc tế EBS-EIDF Seoul Hàn Quốc (2005); Giải cúp vàng quốc tế cho phim tài liệu “Cha con người lính” tại Triều Tiên (2006); Giải A giải thưởng Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam cho phim tài liệu “Những cột mốc người” (2014); 10 huy chương vàng giải thưởng điện ảnh và truyền hình…

Điều đáng nói rằng ngay từ khi vừa ra mắt bạn đọc, bút ký “Người lang thang không cô đơn” đã có 7 đoàn nghệ thuật chuyển thể thành kịch nói, chèo, cải lương, phim truyện, phim tài liệu.

Đặc biệt, sau khi xem “Người lang thang không cô đơn”, cố Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phật giáo Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ thành lập quỹ mang tên tác phẩm của Minh Chuyên. Sau đó, quỹ được đổi tên thành “Đền ơn đáp nghĩa”.

Và mới đây, Minh Chuyên vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng. Ngoài buổi lễ nhận giải diễn ra trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội, 5 cơ quan mà Minh Chuyên có thời gian cộng tác cùng chính quyền địa phương đã tổ chức “Lễ tôn vinh và đón nhận giải thưởng của Chủ tịch nước tặng nhà văn, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên”.

Nhà văn kể: Ngày 10/6/2017, hơn 300 đoàn gồm gần 600 đại biểu, các đồng nghiệp và độc giả đã đến chia vui với anh tại Nhà văn hóa xã Minh Khai. Đặc biệt, tại buổi lễ này, lần đầu tiên các nhân vật có thực, được viết trong các thiên bút ký của nhà văn Minh Chuyên như: Trần Quyết Định (Thủ tục cho người còn sống), Nguyễn Đình Thúc (Người lang thang không cô đơn), sư thầy thương binh Lương Thị Thân (Đàm Thân) và 4 nhà sư từng là thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc gia cam trong tác phẩm “Vào chùa gặp lại”; 5 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trong “Cha con người lính” được mời lên sân khấu nhận quà tri ân của nhà văn Minh Chuyên.

Trong hơn 40 năm hoạt động văn học nghệ thuật, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên đã nhận được hơn 5000 bức thư của bạn đọc, của khán giả. Hàng trăm bài báo của đồng nghiệp đã giới thiệu tác phẩm của anh trên các báo và tạp chí cả trong và ngoài nước, hàng ngàn trang luận văn thạc sĩ, đại học bàn về bút ký của Minh Chuyên. Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu tặng Minh Chuyến 8 chữ “Có tâm, có tầm, có đức, có tài”.

Tuy nhiên, đường đến vinh quang không trải bằng hoa hồng. Trở lại câu chuyện “Thủ tục làm người còn sống”, Minh Chuyên cũng chịu nhiều áp lực, đến mức định rạch bụng trước cuộc họp để bảo vệ sự thật. Số là sau khi bài ký được đăng, Minh Chuyên bị quy kết dàn dựng hiện trường, làm hồ sơ giả để bênh vực Trần Quyết Định- một quân nhân vô kỷ luật, đảo ngũ. Nguy hiểm hơn, Minh Chuyên bị kết tội “kích động quần chúng nhân dân, vi phạm chính sách hậu phương quân đội”.

Ấy là chưa kể để bảo vệ sự thật, Minh Chuyên và Trần Quyết Định phải mất nhiều năm trời cũng nhau ra Bắc, vào Nam, gõ cửa các cơ quan chức năng, gặp bao chuyện phiền hà, thậm chí hiểm nguy để làm “thủ tục cho người còn sống”.

“Không có gì ân hận khi cứu một người lính”- Minh Chuyên tâm niệm như vậy và đề tài về người lính thời hậu chiến vẫn cùng anh đồng hành đến tận hôm nay.

“Và tôi thấy ấn tượng với Minh Chuyên, một người mà suốt chặng đường, biết bao tác phẩm, cả tác phẩm viết, cả những tác phẩm truyền hình, đều gắn chặt một chủ đề quen thuộc là chủ đề sau chiến tranh, chủ đề người lính, nhưng chưa một lần nhàm chán, chưa một lần quên đi một chữ tình, như để trả nợ cho những đồng đội đã nằm xuống, đã hi sinh”- Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.