Cô gái khuyết tật học giỏi được tuyển thẳng vào ĐH

Nguyễn Minh Huyền Trân đã sớm đón nhận niềm vui được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trân là 1 trong 2 thí sinh khuyết tật và trong tổng số 83 thí sinh có thành tích học tập xuất sắc được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại ngữ năm nay.

Cô gái khuyết tật học giỏi được tuyển thẳng vào ĐH

Đôi mắt không lành lặn

Từ khi vài tuần tuổi, cô bé Trân đã được phát hiện mắc căn bệnh rung giật nhãn cầu (tình trạng chuyển động lắc nhanh không chủ ý của nhãn cầu làm mắt không thể nhìn cố định vào một vật trước mắt-PV).

Mặc dù gia đình đã đưa Trân đi khám nhiều nơi, đã tìm nhiều phương cách nhưng các bác sĩ cho biết, căn bệnh bẩm sinh của Trân khó có thể chữa khỏi, chỉ có thể phẫu thuật để khắc phục vấn đề thẩm mỹ nhưng nguy cơ rủi ro cũng cao.

Cứ thế 19 năm qua, Trân đã chung sống cùng căn bệnh bẩm sinh và chấp nhận nó như một điều thiếu may mắn trong cuộc đời mình. Trân chia sẻ, thị lực của em rất kém. 

Nếu người bình thường thị lực là 10/10 thì thị lực của em chỉ còn 1/10. Khi đọc sách, nhìn máy tính, điện thoại hay làm bất cứ việc gì, Trân chỉ có thể nhìn rõ trong khoảng cách 10cm, nếu ở tầm xa hơn sẽ nhìn rất khó khăn, thậm chí là không nhìn thấy gì.

Do khả năng nhìn rất hạn chế nên ban đầu em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và việc học tập. Có những lúc Trân đã thấy nản lòng vì những lần vấp ngã, vì những gian khó trong việc lĩnh hội kiến thức thầy cô truyền đạt.

Những năm học cấp I và cấp II, Huyền Trân được bố mẹ gửi gắm học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Trân chia sẻ, ở đây em có những người bạn cùng cảnh ngộ, có những thầy cô giàu tình yêu thương và hết lòng vì học trò nên em có thể thoải mái tâm sự và nguôi đi phần nào những nghĩ suy, những khó khăn phải trải qua trong cuộc sống.

Đặc biệt khi vào cấp 3, Huyền Trân là học sinh khuyết tật đầu tiên được nhận vào học ở trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội). Với Trân đó là một bước ngoặt, một sự “lột xác” để bước ra hòa nhập với những bạn bè bình thường.

Huyền Trân (phải) luôn lạc quan và tự tin hòa nhập cùng các bạn bè.
Huyền Trân (phải) luôn lạc quan và tự tin hòa nhập cùng các bạn bè.

Trí tuệ không thua kém

Dù bản thân hạn chế về thị lực rất nhiều so với những người bình thường, nhất là bạn bè cùng trang lứa nhưng Huyền Trân luôn tự nhủ rằng, mình vẫn may mắn hơn những bạn bè không nhìn thấy ánh sáng.

Theo lời Trân, ở trường em được thầy cô, bạn bè tạo nhiều điều kiện giúp đỡ. Thầy cô cho phép Trân được ngồi gần bảng để dễ dàng hơn khi theo dõi bài giảng, thầy cô cũng chủ động sắp xếp những bạn học tốt ngồi cạnh để giúp đỡ Trân trong quá trình học tập… 

Nhờ đó, em có thể tập trung vào việc học và kết quả học tập cũng không hề thua kém so với các bạn trong lớp.

Được biết, trong suốt 12 năm học, Trân luôn đạt thành tích khá, giỏi. Bên cạnh đó, thừa hưởng những tố chất của gia đình có bố là một giáo viên dạy tiếng Anh và mẹ là một cô giáo dạy văn nên thế mạnh của em là các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, trung bình các môn đều đạt trên 8,0.

Ngoài thời gian ở trường, khoảng thời gian ở nhà bên cạnh bố mẹ và cô em gái đang học lớp 7 thực sự là một chỗ dựa vững chắc để Trân tự tin hơn khi hòa nhập cuộc sống.

Huyền Trân cho biết, chính nền tảng của gia đình cùng niềm yêu thích được đứng trên bục giảng đã khích lệ em nộp hồ sơ tuyển thẳng vào 4 trường, trong đó có tới 2 trường liên quan đến lĩnh vực sư phạm là ngành Sư phạm tiếng Anh của ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội.

Không chỉ vậy, Trân còn nộp hồ sơ dự thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội và cũng tham gia kỳ thi đại học vừa qua với kết quả khả quan. Trân chia sẻ, em hoàn thành bài thi khối C khá tốt và dự tính tổng 3 môn thi được khoảng hơn 20 điểm.

Theo lời cô gái trẻ, nếu trúng tuyển cả ĐH Sư phạm Hà Nội, em mong muốn được học song song ở đây cùng với ngành học được tuyển thằng tại ĐH Ngoại ngữ.

Trân tâm sự: “Mặc dù biết việc học song song 2 trường rất áp lực, nhưng được bố mẹ hoàn toàn ủng hộ và chắc chắn việc học 2 trường như vậy sẽ tốt hơn cho tương lai, cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn nên em sẽ cố gắng hết mình”.

Theo laodong

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.