Theo CGTN, thứ tư tuần trước (1/8), nhân viên trực tổng đài khẩn cấp 110 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã nhận được cuộc gọi từ một cô gái. Thay vì đề nghị giúp đỡ, cô gái này nói rằng muốn đặt đồ ăn.
Theo thông tin được cảnh sát đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, cô gái tên Li Mengjiao, 20 tuổi.
"Cô có thể giao thức ăn cho tôi được không", Li nói khi nhân viên cảnh sát trực tổng đài nghe máy. "Đây là đường dây khẩn cấp 110", nhân viên Zhang Shujian trả lời. Lúc đó Zhang nghĩ rằng đây là một cuộc gọi giả mạo, trêu chọc. "Nếu cô muốn đặt đồ ăn, hãy gọi công ty phục vụ ăn uống. Chúng tôi không giao đồ ăn."
"Tôi biết, tôi biết", Li nhắc lại với âm lượng tăng lên. "Tôi biết mà. Tôi không muốn gì khác. Tôi không thể ra ngoài".
Chỉ mất vài giây, Zhang nhanh chóng nhận ra Li đang cần giúp đỡ thực sự chứ không phải là cuộc gọi trêu đùa. "Chúng tôi có thể mang đồ ăn tới đâu cho cô?", Zhang hỏi.
Li nói địa chỉ và mô tả một chút về ngoại hình của mình cho nhân viên cảnh sát. "Có ai đó đang ở cùng cô, đúng không? Cô đang bị giam giữ ngoài ý muốn?", Zhang hỏi tiếp.
"Vâng", Li trả lời. "Tôi không thể đi ra ngoài. Nếu có thể, tôi đã không gọi cho cô để đặt hàng". Sau đó, Li hỏi liền hai lần rằng: "Khi nào cô tới giao hàng?".
"Chúng tôi sẽ đến sớm nhất có thể", Zhang xác nhận.
Sau khi ghi lại địa chỉ và nhận dạng của Li, Zhang đã báo cho đồn cảnh sát địa phương. Nhờ thế, Li đã được giải cứu.
Theo điều tra của cảnh sát, Li bị bạn trai quen qua mạng bắt cóc. Kẻ này hứa tìm việc cho Li và hẹn gặp cô ngoài đời, sau đó đã bắt cóc cô.
Đây không phải lần đầu tiên con tin được giải cứu sau khi thực hiện một cuộc gọi trêu chọc. Năm 2014, một phụ nữ người Mỹ đã được cứu khỏi tình trạng bạo lực gia đình sau khi gọi cho 911 để đặt pizza. Khi tới hiện trường, cảnh sát phát hiện cô vợ đã bị anh chồng say xỉn đánh đến thương khá nặng.