Cô đơn giữa vòng tay cha mẹ: Những lá thư đẫm nước mắt

GD&TĐ - Bơ vơ, lạc lõng ngay giữa ngôi nhà của mình, giữa vòng tay cha mẹ, những đứa trẻ 13 - 15 tuổi đã không tìm được chỗ dựa tinh thần cho chính mình. Việc tìm đến cái chết là cách lựa chọn cực đoan, nhưng với những đứa trẻ này, chúng lại coi đó là giải pháp tốt nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên tiếp trong một thời gian ngắn đã xảy ra một loạt vụ trẻ nhảy từ trên tầng cao xuống đất. Mới đây nhất là bé gái 12 tuổi rơi xuống từ tầng 39 tại một chung cư ở Hà Nội đã khiến dư luận rúng động.

Xót xa nét chữ học trò

Sau khi bé gái 12 tuổi rơi từ tầng 39 một chung cư tại Hà Nội tử vong, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện bức tâm thư được cho là của bé gái để lại. Những nét chữ mực tím trên tờ giấy học trò khiến người đọc không khỏi quặn lòng đau xót:

“Gửi gia đình!

Mọi người, bố, mẹ, anh! Con nhớ hồi chúng ta ở nhà cũ! Ngôi nhà đó không tiện nghi như bây giờ, nhưng nó có biết bao kỷ niệm con không thể quên. Vì nhà chật bố mẹ phải ngủ chung, chứ không như nhà mới bố mẹ ngủ riêng ra, mẹ ngủ ở phòng, bố ngủ ở ghế.

Trước đây, bố hay giúp mẹ việc nhà, giúp đỡ bọn con học hành, nhưng bây giờ thì không. Bố dành thời gian ngoài kiếm tiền, ít khi quan tâm gia đình như trước. Con nhớ những kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè, cả gia đình cùng đi chơi với nhau, con thấy rất vui.

Nhưng bây giờ, 3 mẹ con đi riêng, 3 bố con đi riêng, làm con cứ thấy thiếu điều gì đó! Giá mà bây giờ gia đình mình như vậy thì tốt quá, nhưng không, mọi thứ tan vỡ rồi. Bố mẹ sẽ chia tay nhau, bọn con sẽ không còn gặp bố nữa.

Bố ơi, con biết chuyện gì xảy ra, vì nảy sinh bất đồng với mẹ, bố không thể tập trung làm việc, đem tiền về cho gia đình. Con mong bố dành thời gian với gia đình, giúp đỡ mẹ việc nhà, thường xuyên hỏi han chuyện học hành của bọn con. Như vậy, mẹ mới tin tưởng bố và yêu thương bố nhiều hơn.

 

Còn mẹ, con biết mẹ rất vất vả vì nuôi 2 con. Nhưng mẹ vẫn cố yêu thương gia đình mình. Mẹ à, con mong mẹ yêu thương bố nhiều hơn, như vậy bố mới tập trung làm việc, mang nhiều tiền về cho gia đình. Còn anh Sơn, thật sự, em không hề ghét anh. Anh thường mang lại tiếng cười cho em. Dù hơi đần nhưng em rất thích những bộ phim, câu chuyện, hình vẽ, sản phẩm... mà anh làm cho em. Em mong anh học tập chăm chỉ để không phụ lòng bố mẹ.

Nói chung, con yêu mọi người nhiều lắm!”.

Những dòng thư đầy ám ảnh đã khiến không ít người phải rớt nước mắt, tim như nghẹt thở. Có thể thấy cú sốc bố mẹ ly hôn, gia đình lạnh nhạt, xa cách đã giáng một đòn tâm lý mạnh lên đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn và nhiều tâm tư.

Sau đó vài ngày, một nữ sinh 16 tuổi đã đi xe đạp điện đến cầu Phủ 2, Cẩm Vịnh, Hà Tĩnh rồi gieo mình xuống dòng nước, để lại lá thư đầy đau xót. Trong thư có đoạn viết: “Khi mẹ đọc được những dòng chữ này thì chắc con đã không còn nữa. Con xin lỗi vì chưa làm được gì cho mẹ mà đã ra đi nhưng con mệt mỏi lắm rồi. Con nản lắm rồi chả còn cái gì là động lực để sống tiếp nữa.

Cuộc đời con từ nhỏ đến lớn chưa ngày nào là không buồn bã và khóc một mình về đêm. Đã nhiều lần con gục ngã và muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhưng bao nhiêu lần con lại gạt đi. Con nghĩ mình còn có gia đình mà. Nếu mình chết gia đình phải sống thế nào đây.

Nhưng chắc đó chỉ là điều con tưởng tượng ra thôi. Chẳng ai cần con hết từ gia đình đến bạn bè.

Con luôn là gánh nặng của bố mẹ. Vâng mẹ nói đúng, con là một đứa vô tích sự chả làm được việc gì khiến mẹ hài lòng. Học hành thì chẳng ra sao cũng chẳng được nhanh nhẹn và hoạt bát như những người khác.

Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng cho dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là đứa vô dụng và tệ hại.

Mẹ suốt ngày chỉ biết la mắng con nhưng có bao giờ mẹ hiểu cho cảm nhận của con chưa. Con buồn lắm, những lúc con buồn con chỉ biết khóc và khóc. Có những đêm con không ngủ, chỉ nằm nhớ đến những gì mẹ đã nói nhưng có ai hiểu được đâu, chả ai cả.

Đúng ra con không nên xuất hiện trên cõi đời này. Nếu có một điều, con ước mình chưa bao giờ tồn tại. Nhưng giờ thì tốt rồi, từ nay sẽ không còn làm cho mẹ phải phiền lòng nữa…”.

 

Cô đơn ngay dưới mái ấm gia đình

Trước đó, một bé gái 13 tuổi tại TP HCM cũng đã nhảy từ lầu 8 do tức giận vì bị mẹ kiểm tra điện thoại nhiều lần. Rất may cô bé chỉ bị dập gan, tính mạng không bị nguy hiểm nhưng tâm lý bị sang chấn nặng nề.

Vụ việc của bé gái khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình nhận thấy sự nguy hiểm của lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ vị thành niên tự tử do ứng xử từ cha mẹ. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cũng đã từng tiếp nhận những trẻ bị chấn thương do tự tử bởi nguyên nhân như: Bị cha mẹ la mắng, kiểm tra điện thoại, gây áp lực học tập…

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, xét về nguyên nhân sâu xa, hành vi xem điện thoại của con là xuất phát từ mục đích bảo vệ con. Các bậc cha mẹ làm như vậy là để đảm bảo rằng con mình được lớn lên an toàn. Tuy nhiên, khi đứa trẻ bắt đầu lớn, chúng bắt đầu có những suy nghĩ, mong muốn và có nhu cầu riêng thì hành vi kiểm soát con cái của cha mẹ thường khiến cho đứa trẻ cảm thấy bị vi phạm quyền được sống một cách nghiêm trọng.

Liên tiếp các vụ nhảy lầu, tự tử của những đứa trẻ trong độ tuổi 12 - 16 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và đặt ra câu hỏi: Những đứa trẻ đó phải chăng đã không còn coi gia đình là điểm tựa?

Từ trước đến nay, gia đình luôn được coi là tổ ấm, cha mẹ là chỗ dựa tinh thần chủ đạo của con cái, nhưng rõ ràng khi đứa con cảm thấy gia đình không còn là một môi trường an toàn, không còn tìm thấy niềm vui, sự gắn kết, sự yêu thương hay sẻ chia mà chỉ gây ra những nỗi đau cho con cái thì đứa trẻ rất dễ bị dồn đến trạng thái cực đoan với những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

Sau khi đọc hết những bức thư đẫm nước mắt đó, chị Hoàng Giang (quận 4, TP HCM) trăn trở cho biết: “Nhiều khi tôi nghĩ, chúng ta đã phải vất vả thế nào để sinh ra và nuôi nấng một đứa trẻ, đã hạnh phúc thế nào khi nhìn con ngày một lớn lên khỏe mạnh. Sao rồi đến một ngày, một chút lắng nghe con cũng không làm được, một chút thấu hiểu con cũng không có. Sao lại để cho những đứa con của mình cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, bế tắc đến nhường ấy trong cuộc đời này?”.

TS xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP HCM nhận định, đứa trẻ chỉ có thể lớn lên trong một gia đình là tổ ấm, còn nếu gia đình là “tổ lạnh” thì đó là một môi trường rất nguy hại cho trẻ. Đứa trẻ sau này có thể có những vấn đề về tâm lý như rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, học kém. Có những trẻ chỉ sau một lần bố mẹ cãi nhau, đánh nhau thôi đã suy sụp.

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, việc thanh thiếu niên tự tử là một hiện tượng đã đến mức báo động. Tự tử đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba ở thanh thiếu niên, vì vậy các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm. Tự tử là một hành vi nguy hiểm, xuất hiện đột ngột, là sự chạy trốn hay một phản ứng tuyệt vọng của con người. Ở cuộc sống hiện đại, giới trẻ bị tác động rất lớn của thế giới ảo, vì vậy khi một số sự việc trong cuộc sống thực không được như kỳ vọng, dễ khiến trẻ sốc tâm lý, mất tự tin và tìm đến cái chết để trốn chạy sự việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ