8 - 29% trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần
BS.đánh giá thế nào về tình trạng học sinh, sinh viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nước ta hiện nay?
-Qua thực tiễn nghề và từ các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên nước ta do áp lực học hành, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, chủ yếu rối loạn cảm xúc đang có xu hướng gia tăng. Tại các cơ sở y tế phát hiện nhiều trường hợp hơn so với trước đây. Tại Bệnh viện của tôi, một bệnh viện của thành phố thôi nhưng khi cao điểm, mỗi tháng có vài chục bệnh nhân đang tuổi đi học phải đến điều trị. Gần đây, ngoài số lượng học sinh lớp 12 mắc bệnh thì xuất hiện học sinh thi đầu cấp vào lớp 6, đặc biệt là lớp 10 vào viện điều trị gia tăng.
Nghiên cứu của Unicef cho thấy 8 - 29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần; 2,3% trẻ vị thành niên tự tử, trong đó có nguyên do áp lực học hành. Đây thực sự là con số khiến người lớn chúng ta phải đặc biệt quan tâm, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em và thanh niên Việt Nam là lo âu, trầm cảm, sự đơn độc và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý. Rối loạn cảm xúc của lứa tuổi học đường, được y học coi là một dạng của sức khỏe tâm thần, còn gọi là trầm cảm, stress, song có nhiều loại, nhưng được phân biệt ở 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Nặng nhất là loạn thần, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các cháu học sinh, sinh viên nếu như chúng ta không can thiệp kịp thời.
Những biểu hiện dễ nhận biết nhất đối với học sinh, sinh viên đang có vấn đề sức khỏe tâm thần là gì, thưa bác sĩ?
-Biểu hiện ban đầu là phụ huynh thấy con mất ngủ kéo dài, mắt thâm quầng, hay kêu đau đầu, kết quả học tập giảm sút, rối loạn cảm xúc, rầu rĩ. Trước khi nghĩ đến các bệnh lý khác thì nên đưa các cháu đến khám ở các chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Bởi thực tế, nhiều khi cho con đi khám bệnh ở chuyên khoa khác, không phát hiện ra bệnh. Mặc dù ngày nay, nhận thức về bệnh này đã nhẹ hơn nhưng đôi khi, tâm lý bố mẹ còn e ngại khi đưa con tới khám ở bệnh viện tâm thần. Sợ con mang tiếng là tâm thần. Do đó, phụ huynh cần nhận thức đúng, không phải con mắc rối loạn cảm xúc đã là tâm thần, là “điên”. Tôi mong muốn, các phụ huynh hợp tác, để phát hiện sớm. Các bác sĩ chuyên khoa, chỉ cần áp dụng các test tâm lý, dễ dàng phát hiện các cháu có vấn đề về sức khỏe hay không.
Không nên tạo gánh nặng học hành cho con
Vậy theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân chính?
- Theo quan điểm của cá nhân tôi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở một số nội dung: Áp lực học hành, kỳ vọng của bố mẹ muốn con thi đỗ vào lớp chọn, trường chuyên, nên cho con học thêm quá nhiều. Áp lực học hành tăng lên, quá sức chịu đựng của trẻ em. Tôi đã chứng kiến có trường hợp, khi bố mẹ đưa con đến khám và điều trị, hỏi ra, cháu chỉ có thời gian ăn và ngủ, còn lại, dồn hết vào học ở trường chính khóa, học thêm ở trường, học thêm các trung tâm, luyện đề với giáo viên giỏi buổi chiều và tối. Đang ở lứa tuổi hồn nhiên, vui chơi, cần vận động nhiều, tuổi ăn tuổi lớn mà bố mẹ bắt con học hành quá sức như vậy, tránh sao việc các cháu suy kiệt sức khỏe, trong đó có sức khỏe tinh thần?
Có học sinh nhập viện, do học nhiều quá. Đi học thêm nhiều, bắt buộc cháu phải làm lượng bài tập lớn, phải thức khuya đến 1-2 giờ sáng để hoàn thành, dẫn đến ngủ không đủ giấc, tích tụ lâu dần, đầu óc sẽ căng thẳng, mệt mỏi, cũng dễ bị loạn thần.
Ngoài chuyện áp lực học tập ra, tôi thấy có cả nguyên nhân yếu tố môi trường và bạn bè. Có những học sinh không thích hợp với lớp chất lượng cao, lớp chọn, trường chuyên nhưng phụ huynh lại cứ chạy theo thành tích, cố công đưa con vào trường điểm, vô tình tạo gánh nặng học hành cho con, lâu dần, kết quả học tập của đứa trẻ đuối so với các bạn, học không theo kịp các bạn, dẫn đến chán học, lực học giảm sút trầm trọng nên chỉ thích bỏ học.
Có một trường hợp học sinh ở Thái Nguyên mà tôi điều trị, cháu học rất giỏi các môn xã hội nhưng vào lớp 10, bố mẹ ép con học ban tự nhiên, kết quả cháu mắc bệnh, phải nghỉ học điều trị một năm, sau đó cháu đi học bình thường và học rất tốt.
Vậy muốn phòng tránh cho lứa tuổi học đường không mắc sức khỏe tâm thần, lời khuyên của bác sĩ là gì?
- Trước hết, tôi khuyên các bậc phụ huynh cần giảm bớt áp lực học tập cho con. Việc con đạt được kết quả tốt trong học tập là đáng mừng, nhưng các bậc làm cha làm mẹ cần hiểu, sự thành công của một đứa trẻ sau này không chỉ dựa vào chỉ số IQ mà còn nhiều yếu tố quan trọng khác như: EQ, kỹ năng cảm xúc…
Giáo dục của chúng ta không nên đặt quá nặng về kiến thức trí tuệ, mà chú trọng cho học sinh phát triển toàn diện thông qua hoạt động thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng sống, để mỗi ngày đến trường các cháu cảm nhận đó là một ngày vui.
Thêm vào đó, phụ huynh cần phải quan tâm đến con cái, sát sao việc học của con nhưng phải biết chăm lo sức khỏe cho con. Khi con có dấu hiệu sức khỏe tâm thần, chủ yếu biểu hiện nêu trên phải nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và tư vấn. Nếu đến khám ở giai đoạn nhẹ thì việc điều trị sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao, các cháu nhanh trở lại trường lớp.
8 - 29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần; 2,3% trẻ vị thành niên tự tử.