Cô bé “chim cánh cụt” vẽ ước mơ bằng đôi chân

GD&TĐ - Từ khi lọt lòng mẹ, số phận đã không cho cô bé Y Julie có được đôi tay như bạn bè cùng trang lứa. Không đầu hàng số phận, Y Julie đã vẽ ước mơ của cuộc đời mình bằng nghị lực và ý chí phi thường.

Y Julie làm quen với chiếc máy tính được mạnh thường quân trao tặng.
Y Julie làm quen với chiếc máy tính được mạnh thường quân trao tặng.

Cô bé không tay

9 tháng 10 ngày chị Y Dzoar (làng Kon Drei, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, Kon Tum) mang nặng, đẻ đau nhưng đến lúc gặp con, đôi vợ chồng trẻ lặng đi vì con bị dị tật, không có đôi tay.

“Không có đôi tay như những đứa trẻ khác nhưng con là máu mủ của vợ chồng mình nên phải cố gắng yêu thương, bù đắp lại những gì con đã chịu thiệt thòi”, chị Y Dzoar chia sẻ.

Y Julie sinh ra khuyết đôi tay, sức khỏe lại yếu nên vợ chồng chị Y Dzoar thường xuyên bế con lên viện thăm khám. Đến khi Y Julie lên 5 tuổi, cô bé đòi mẹ cho đến trường học như các bạn.

Thấy con bị khiếm khuyết, sợ không theo kịp các bạn nên chị Y Dzoar đành để con ở nhà. Nhưng cô bé Y Julie lúc bấy giờ không chịu ngồi yên mà lấy cây khô kẹp vào chân, viết những nét nguệch ngoạc lên nền đất.

Thấy con ham học, vợ chồng chị Y Dzoar mua sách vở, bút về cho con tập viết. Bàn chân phải của Y Julie giữ cuốn vở, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây bút cố nắn nót từng chữ viết. Cầm bút luyện viết qua nhiều ngày, đôi chân của Y Julie có những lúc tê cứng, phồng rộp.

Tuy nhiên, chưa lần nào bố mẹ Y Julie thấy cô bé nản lòng, có ý định dừng lại. Thương con, vợ chồng chị Y Dzoar chỉ biết động viên, khích lệ con cố gắng. Từ những nét chữ nguệch ngoạc ban đầu, dần dần tròn trịa, thẳng hàng.

“Lúc nhỏ, khi chưa được đi học, em lén ra trường mầm non gần nhà xem các bạn viết chữ. Khi đó, cô viết chữ gì trên bảng em cố gắng ghi nhớ rồi về tập viết lên nền đất. Em viết chữ “A, B, C” đầu tiên, nhưng chưa biết đọc chữ như thế nào nên xin mẹ cho đến trường”, Y Julie tâm sự.

Những ngày đầu đến lớp, nhìn đứa trẻ không có đôi tay, thầy cô đều tỏ vẻ ái ngại. Nhưng khi Y Julie dùng đôi chân mở cặp, lôi vở ra viết những dòng chữ tròn trịa, đều tăm tắp, mọi người đều ngạc nhiên, thán phục. Tuy khiếm khuyết, nhưng Y Julie luôn cố gắng học tập để theo kịp các bạn. Những bài nào viết không kịp, giờ ra chơi, Y Julie mượn vở các bạn để chép lại.

Nhà cách trường xa, đường đi lại khó khăn nên Y Bích và Y Mu thay phiên nhau chở Y Julie đến trường. Những hôm 2 bạn ốm phải nghỉ học, Y Julie nằng nặc đòi bố mẹ chở đến lớp để học con chữ.

Ngay cả việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, chải tóc… em đều tự làm. Những việc nào khó, không thể sử dụng đôi chân để làm được, Y Julie mới nhờ sự giúp đỡ của người thân.

Những dòng chữ tròn trịa, thẳng tắp được viết bằng chân của cô bé “chim cánh cụt”.
Những dòng chữ tròn trịa, thẳng tắp được viết bằng chân của cô bé “chim cánh cụt”.

Vẽ ước mơ bằng đôi chân

12 năm học, năm nào Y Julie cũng mang giấy khen về khoe với bố mẹ. Học hết cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Y Julie trăn trở không biết chọn học ngành “Hướng dẫn viên du lịch” mà em ước mơ bấy lâu nay hay một nghề khác.

Cuối cùng, cô nữ sinh từ bỏ ước mơ của mình bởi sức khỏe không cho phép. Y Julie theo học ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum.

Quãng đường từ nhà đến trường mới của nữ sinh gần 20km, bố mẹ Y Julie gửi em qua nhà ông bà ngoại. Nơi ở mới cách trường hơn 5km, hàng ngày em được dì chở đến lớp.

Y Julie được mạnh thường quân tặng một chiếc máy tính, nhưng không có người hướng dẫn nữ sinh tự “vật lộn” với bàn phím. Làm quen với máy tính được ít ngày nên Y Julie gõ bàn phím bằng một ngón cái.

Hàng ngày phải nhìn màn hình và đôi chân lò dò tìm con chữ khiến đôi mắt và lưng của Y Julie mỏi nhừ. Ngồi một lúc cô nữ sinh phải thả lỏng người nghỉ ngơi mới tiếp tục được bài học. Khi nhìn sang các bạn có đầy đủ đôi tay, Y Julie tủi thân, rưng rưng nước mắt.

“Đôi lúc em thấy các bạn làm việc gì cũng nhanh nên tủi thân. Nhưng chưa bao giờ em ước sẽ có đôi tay như các bạn. Vì em biết, có ước cũng không trở thành hiện thực. Em chỉ biết tự động viên mình cố gắng làm thật tốt. Em có đôi chân lành lặn, cũng có thể làm được nhiều việc thay thế đôi bàn tay”, nữ sinh chia sẻ.

Chị Y Dzoar cho hay: Từ khi sinh ra, ngoài đôi tay bị khuyết, sức khỏe của con gái chị cũng yếu hơn bạn bè cùng trang lứa. Vừa qua, xương sống của Y Julie bị đau, nhức nên gia đình đưa đi thăm khám.

Các bác sĩ tại bệnh viện yêu cầu phải mổ với chi phí 300 triệu đồng, nếu không sức khỏe của Y Julie bị ảnh hưởng. Bố mẹ Y Julie phải vay mượn ngân hàng để có tiền chữa trị cho con. May mắn, các mạnh thường quân khi biết hoàn cảnh và nghị lực của Y Julie cũng hỗ trợ, giúp đỡ.

“Mấy ngày trước con lại kêu đau nên gia đình đưa đi khám ở TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ nói con phải mổ lại lần 2 mới có hy vọng khỏi hoàn toàn. Tiền nợ ngân hàng gia đình chưa trả xong, giờ không biết xoay xở ra sao. Nhưng dù có bán đất, bán nhà vợ chồng tôi cũng phải chữa trị để con có sức khỏe, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”, chị Y Dzoar nghẹn ngào nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.