Nhiều người tin, sâu trong sa mạc Gobi sinh trưởng loài giun khổng lồ mình dài 2m, da đỏ như máu, miệng lởm chởm vô số lớp răng sắc nhọn, họng phun chất độc mạnh như axit và còn bắn ra điện. Kể từ năm 1920, cuộc săn lùng loài giun này bắt đầu.
Trùng Mông Cổ
Gobi là hoang mạc lớn trải rộng trên một phần khu vực Bắc - Tây Bắc Trung Quốc và Nam Mông Cổ, diện tích lên đến gần 1,3 triệu km2. Truyền thuyết Mông Cổ kể rằng, trong sa mạc này có sinh vật huyền bí mang tên Trùng Mông Cổ thân dài hàng mét, màu đỏ tươi hệt như khúc ruột bò khổng lồ.
Với dịch độc màu vàng và sức phun mãnh liệt, nó có thể giết chết kẻ thù từ khoảng cách xa. Tuy rất to lớn và bắt mắt, nó vô cùng giỏi đào hang và ẩn nấp nên chưa bao giờ bị bắt.
“Không ai từng nhìn thấy Trùng Mông Cổ nhưng họ đều chắc như đinh đóng cột là nó có thật”, nhà thám hiểm Mỹ - Roy Chapman Andrews (1884 - 1960) cho biết. Năm 1919, vì quá hiếu kỳ về sinh vật thần bí này, ông đã xin nhập cư bằng giấy phép lao động để “săn lùng và bắt lấy một con”.
Lo lắng bị Trùng Mông Cổ tấn công, Andrews trang bị cả kìm kim loại lẫn kính bảo hộ rồi mới dấn bước vào Gobi. Hơn 10 năm liền, thứ ông tìm thấy chỉ là những mảnh truyền thuyết rời rạc không giúp ích gì cho mục tiêu.
Cùng thời gian, 2 nhà khoa học Liên Xô đang làm việc ở Mông Cổ là A.D. Simukov (1902 - 1942) và Ivan Yefremov (1908 - 1972) cũng bị thu hút bởi Trùng Mông Cổ. Họ thu thập được nhiều câu chuyện dân gian và khi tổng hợp lại thu được kết quả: Đây là loài giun sống dưới lòng đất, chỉ chui lên sau cơn mưa để kiếm ăn và cực kỳ nguy hiểm, nếu chẳng may bắt gặp thì phải vắt chân lên cổ mà chạy.
Ngoài ra còn những ghi chép khác như chỉ dài khoảng 30cm hoặc to bằng con người, lướt qua bãi cát như con rắn, màu xám nhạt nhưng khi bị chạm vào thì chuyển sang màu đỏ…
Càng tìm hiểu, miêu tả về Trùng Mông Cổ càng đa dạng và điều này khiến các thợ săn quái vật không thể thôi phấn khích. Khoảng giữa thế kỷ XX, chính quyền Mông Cổ phải cấm bàn tán hoặc nghiên cứu tư liệu về loài giun này.
Dù vậy, người ta vẫn điên cuồng vì nó và năm 1965, điện ảnh Mỹ còn chuyển thể tác phẩm khoa học viễn tưởng đậm chất sử thi, “Dune” của văn gia Frank Herbert (1920 - 1986) với giun cát khổng lồ lấy cảm hứng từ Trùng Mông Cổ thành phim.

Cuộc săn lùng vô vọng
Thập niên 1970, nhà bảo tồn Yuri Gorelov (Mỹ) đến Gobi làm việc. Như tất cả những người đam mê khám phá khác, ông “lọt hố” Trùng Mông Cổ và cứ có thời gian là lại tìm kiếm. Năm 1983, ông nghe được tin đồn có lão niên Mông Cổ bắt được “giun tử thần”. Lập tức, ông phóng tới chỗ lão niên này nhưng trong tay lão niên nọ lại chỉ là con trăn cát Tartar, loài rắn to đào hang, không nọc độc, đầu tròn, mắt nhỏ và vảy màu nâu xám.
Tháng 7/1992, Cách mạng Dân chủ Mông Cổ kết thúc và đất nước Mông Cổ mở cửa với thế giới. Chỉ vài tuần sau, 4 thanh niên người Séc đã bắt chuyến bay tới đây rồi thẳng tiến tới góc xa nhất của Gobi. Ban đầu, họ định dùng mồi nhử Trùng Mông Cổ sập bẫy nhưng phải bỏ ý định vì người dân địa phương không biết chúng ăn gì.
Sau đó, họ học theo phim điện ảnh “Dune”, lắp đặt thiết bị thumper (cọc ngắn gắn lò xo trên đầu mà khi thả chốt sẽ đập liên tục), hy vọng tiếng đập của nó sẽ triệu hồi Trùng Mông Cổ.
Suốt 2 tháng theo dõi, lùng sục miệt mài, 4 thanh niên này không tìm được gì nên đành ra về tay không. Sau khi họ rời đi không lâu, nhà thám hiểm lừng danh từng tổ chức các cuộc tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness, hổ Tasmania… - Ivan Mackerle (1942 – 2013, Séc) dùng thuốc nổ nổ tung nhiều cồn cát ở Gobi. Thất bại, năm 2004, Mackerle quay lại lần nữa và tiếp tục nổ tung nhiều cồn cát, ụ đất khác.
Cùng thời gian, hàng loạt nhóm thám hiểm, thợ săn quái vật khác từ các nơi như Anh, Mỹ, New Zealand cũng lũ lượt kéo nhau vào Gobi. Kết quả săn lùng của họ đều giống nhau là không phát hiện gì.
Trong khi đó, từ năm 1983, sau khi nhìn thấy con trăn cát Tartar và được nhiều người dân địa phương khẳng định nó chính là Trùng Mông Cổ, nhà bảo tồn Gorelov đã xác nhận “giun tử thần nhiều khả năng chính là trăn cát Tartar”.
Dân gian Mông Cổ thường quy những thứ đáng sợ mà thần bí cho trùng, ví dụ như cổ trùng, độc trùng… Vì thế nên “trùng” còn là tên gọi chung của những loài động vật thân dài, mềm, không chân, bao gồm cả rắn.

Năm 2003, nhà bảo tồn Gorelov còn xuất bản cuốn sách “The Beasts That Hide from Man”, phân tích kỹ càng mối quan hệ giữa truyền thuyết và hiện thực xoay quanh “giun tử thần”, nhấn mạnh Trùng Mông Cổ chỉ là phiên bản văn chương của trăn cát Tartar nhằm mục đích cảnh giác trẻ em như mọi tác phẩm cổ tích, thần thoại khác liên quan đến động vật nguy hiểm.
Dù vậy, ông không thuyết phục được những thợ săn quái vật nhiệt huyết như Mackerle. “Tôi muốn ở lại trong giấc mơ này. Thành thật mà nói, tôi đâm đầu thám hiếm cũng chỉ vì khát khao phiêu lưu quá lớn”, Mackerle chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Năm 2005, nhà thám hiểm người Anh - Richard Freeman từ Trung tâm Động vật học Fortean tiếp nối đặt chân lên Gobi. Anh cho rằng Trùng Mông Cổ là loài giun chưa được phát hiện nên vẽ tranh, in tờ rơi và thuê người địa phương tìm kiếm khắp sa mạc.
Thay vì cắm thumper như 4 thanh niên người Séc, anh định ngăn đập chặn suối, tạo môi trường ẩm ướt để Trùng Mông Cổ chui lên kiếm ăn nhưng không được đồng ý nên phải bỏ qua.
Mặc dù thất bại, Freeman hy vọng sẽ có cơ hội quay trở lại lần nữa, tổ chức cuộc tìm kiếm khác. Cuộc săn lùng “giun tử thần” vẫn chưa kết thúc và vì Gobi rất rộng lớn, còn nhiều nơi chưa khám phá nên không biết chừng ngày nào đó, nhân loại lại thực sự tìm ra Trùng Mông Cổ trong truyền thuyết cũng nên.