Giúp con dùng mạng xã hội an toàn: Mạng 'ảo' nhưng nguy cơ 'thực'

GD&TĐ - Không ít phụ huynh cho con sử dụng thiết bị điện tử từ rất sớm như một món đồ chơi. Thế nên, việc trẻ sử dụng thành thạo mạng xã hội, chơi game… là điều không còn xa lạ.

Khi sử dụng mạng xã hội, trẻ cần có kế hoạch, thời gian làm việc, học tập, vui chơi hợp lý. Ảnh minh họa
Khi sử dụng mạng xã hội, trẻ cần có kế hoạch, thời gian làm việc, học tập, vui chơi hợp lý. Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Trẻ sử dụng quá nhiều có thể sao nhãng học tập, trầm cảm, tăng cảm giác cô đơn…

Tiềm tàng nhiều ẩn họa

Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội.

Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Theo UNICEF, cứ 3 người sử dụng Internet trên toàn thế giới thì có 1 trẻ em. Tại Việt Nam, 92% trẻ em có sử dụng thiết bị kết nối Internet, trong đó 89% lên mạng hằng ngày.

Thực tế, Internet có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng là nơi tiềm tàng nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của các em. Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game, Internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10 - 24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.

Theo các chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này đã tiếp nhận tư vấn, điều trị cho các ca bệnh lý đồng diễn hoặc những tình trạng bệnh lý có liên quan và có thể là hệ lụy của nghiện Facebook nói riêng cũng như nghiện mạng xã hội nói chung. Tình trạng này còn được gọi là rối loạn do sử dụng Facebook.

Đơn vị này từng điều trị cho một bé trai 14 tuổi nghiện Facebook. Do quá ham mê Facebook, mỗi ngày bỏ ra 10 tiếng để truy cập mạng xã hội này, cậu dần bỏ bê việc học hành, ăn uống và nghỉ ngơi. Lo cho con trai, gia đình đã sử dụng biện pháp mạnh là tịch thu điện thoại. Khi bị tước niềm đam mê hằng ngày, cậu bé xuất hiện triệu chứng co giật, khiến gia đình phải đưa trẻ vào Viện Sức khỏe Tâm thần. Sau khi dùng các biện pháp điều trị tâm lý, trẻ đã dần cai được Facebook và trở về cuộc sống bình thường. Song, đáng lo ngại, cậu bé này không phải là trường hợp duy nhất đến Viện Sức khỏe Tâm thần do có các rối loạn tâm thần liên quan đến mạng xã hội.

TS.BS Lê Thị Thu Hà - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, nghiện Facebook có thể gây ra trầm cảm, tâm thần phân liệt. Vấn đề này cũng tạo nên một “vòng xoắn”, vì khi lạm dụng game, mạng xã hội, trẻ sẽ không còn quan tâm cuộc sống “thực”, mà chỉ chú ý đến thế giới ảo. Từ đó, dẫn đến rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ… Tình trạng này làm trầm trọng thêm các dấu hiệu bệnh tâm thần, hoặc là yếu tố khởi phát bệnh tâm thần tiềm ẩn.

Do đó, theo chuyên gia này, trong trường hợp trẻ sử dụng mạng xã hội, phải có kế hoạch, thời gian làm việc, học tập, vui chơi hợp lý. “Với trẻ nhỏ, bố mẹ cần giúp con tuân thủ thời gian biểu. Tạo thêm nhiều sân chơi, hoạt động tập thể, ngoài trời, gia đình, để trẻ không bị mải mê với thế giới ảo”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Ngoài ra, khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghiện mạng xã hội, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra và hỗ trợ điều trị tâm lý, trước khi trẻ gặp những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

giup-con-dung-mang-xa-hoi-an-toan-1.jpg
Trẻ có nguy cơ bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi khi sử dụng Internet. Ảnh minh họa.

Cần sự trao đổi

Trong bối cảnh mạng xã hội được xem là “con dao hai lưỡi”, không ít phụ huynh đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát cách con sử dụng Internet.

Chị Trần Khánh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bé nhà tôi năm nay học lớp 2. Cứ mỗi giờ tan học về, bé lại nhanh chóng sà vào mượn điện thoại của bà hoặc bố mẹ. Nếu không được mượn, bé sẽ dùng ‘chiêu’ ăn vạ, khóc mếu. Mỗi lần như vậy, người lớn trong gia đình tôi thường mềm lòng, tặc lưỡi để con sử dụng điện thoại”.

Cũng theo chị Huyền, ngoài lướt TikTok, bé nhà chị còn sử dụng điện thoại kết nối Internet để “tám chuyện” với bạn bè. Nhiều hôm, quá sa đà vào việc dùng thiết bị công nghệ, mà cô bé quên cả việc đi tắm, vệ sinh cá nhân sau khi tan học. “Cứ mỗi chiều, khi tôi giục con gái cất điện thoại để đi tắm, bé lại cáu gắt, thể hiện thái độ không hài lòng. Mỗi lúc như vậy, tôi vô cùng bực bội, thế là hai mẹ con thường xuyên hậm hực với nhau về vấn đề này”, chị Khánh Huyền bày tỏ.

Không ít phụ huynh khác rơi vào tình huống “đau đầu” khi trẻ sử dụng Internet. Chị Nguyễn Kim Phượng (Tây Hồ, Hà Nội) kể: “Mỗi ngày, vợ chồng tôi thống nhất cho cậu con trai đang học lớp 7 được dùng điện thoại kết nối Internet khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau khi hoàn thành bài tập về nhà cẩn thận, cháu sẽ được nghỉ ngơi và dùng điện thoại. Tuy nhiên, không ít lần, tôi giật mình khi nghe thấy con nói tục trong lúc chơi điện thoại. Dù đã nhắc nhở từ nhẹ nhàng cho đến răn đe, song, cháu vẫn “chứng nào tật nấy””. Thậm chí, chị Phượng cho biết thường xuyên “thấp thỏm” xem lại lịch sử truy cập trên điện thoại, để kiểm tra con có sử dụng Internet một cách lành mạnh hay không.

Theo UNICEF, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Trong đó, trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm. Thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa. Trẻ cũng có nguy cơ bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí, các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc những thông tin hình ảnh có liên quan.

Nghiêm trọng hơn, một số kẻ xấu có thể tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Kẻ xấu có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến trẻ phải vâng lời và làm theo các yêu cầu khác.

giup-con-dung-mang-xa-hoi-an-toan-1-4317.jpg
Không gian mạng tồn tại nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Ảnh minh họa.

Do đó, để giúp trẻ không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các phụ huynh cần trao đổi với con để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động. Trẻ cần tuân theo một số quy tắc như: Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ; Kiểm soát thời gian sử dụng mạng cho mục đích giải trí; Đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.

Phụ huynh cũng có thể sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Hoặc, theo dõi lịch sử truy cập mạng để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp cho con.

Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được trẻ thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao. Đồng thời, hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp, cũng như lắng nghe chia sẻ của trẻ nếu bé gặp rắc rối trên mạng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để trang bị cho trẻ năng lực “miễn dịch số” khi tham gia môi trường mạng, kinh nghiệm các nước đều có chiến lược giúp học sinh tiếp xúc với giáo dục an toàn mạng từ sớm (giai đoạn 6 - 8 tuổi). Đây là lứa tuổi đã được cha mẹ cho sử dụng mạng một cách độc lập và có nguy cơ cao nhất.

Đồng thời, trẻ cũng chịu tác động lớn nhất của những nội dung xấu, tương tác xấu trên mạng như bắt nạt trực tuyến, sexting và các hành vi khác. Do đó, chuyên gia này cho rằng, giáo dục về an toàn mạng cho trẻ cần bắt đầu sớm và thường tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Trước hết, cần cân bằng và duy trì sự lành mạnh trong không gian ảo với cuộc sống thực. Trẻ tìm hiểu cách để thời gian sử dụng mạng Internet phù hợp, lành mạnh, đem lại lợi ích. Đồng thời, các em khám phá dần ảnh hưởng của việc sử dụng Internet đối với cuộc sống hằng ngày, đối với sức khỏe, các mối quan hệ. Từ đó, tự đánh giá, tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện các chiến lược cân bằng giữa việc sử dụng mạng và cuộc sống thực.

Trẻ cũng cần tìm hiểu và nhận diện trách nhiệm của cá nhân trên môi trường mạng. Đồng thời, xem xét lợi ích và nguy cơ của việc chia sẻ trên mạng, xem xét những tác động của hành động đó đối với danh tính, hình ảnh của bản thân và các mối quan hệ. Ngoài ra, trẻ có cách để quản lý thông tin của bản thân, tận dụng công nghệ trong việc xây dựng hình ảnh bản thân tích cực và hiệu quả.

Về vấn đề bảo mật, cần giáo dục trẻ nhận diện những nguy cơ, rèn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện và có cách để bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư trên mạng. Đối với vấn đề giao tiếp và tương tác trên mạng, trẻ cần tìm hiểu cách thức để xây dựng mối quan hệ tích cực trong thế giới ảo. Các em sẽ tìm hiểu những lợi ích và nguy cơ đến từ mối quan hệ trên mạng.

Ngoài ra, cần giáo dục trẻ về bắt nạt trực tuyến, các sự cố trên mạng. Với vấn đề này, trẻ cần khám phá văn hóa ứng xử với người khác trên mạng một cách phù hợp, tôn trọng và hợp pháp. Đồng thời, học cách trở thành người chứng kiến tích cực, bảo vệ bản thân và người khác khỏi bắt nạt trực tuyến, xây dựng mối quan hệ tích cực.

Một khía cạnh quan trọng khác là hướng dẫn trẻ tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng, thái độ, tư duy phản biện đối với các thông tin trên mạng, hình thành khái niệm quyền sở hữu nội dung trực tuyến. Từ đó, nhận diện trách nhiệm của bản thân với việc tạo ra, lưu trữ, sử dụng và truyền tải thông tin của bản thân và người khác trên mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa.

Vươn lên nhé, tôi ơi!

GD&TĐ - Mỗi khi nhìn vào gương, tôi lại nhìn vào hình ảnh phản chiếu của bản thân thật chăm chú và cố ghi nhớ xem mình từng ngày đã thay đổi như thế nào.

Cây gạo 'gù' độc đáo mọc bên đường 219 ở xã Thái Thịnh (Thái Thuỵ).

Bức tranh hoa gạo

GD&TĐ - Hoa gạo, hay còn gọi là hoa mộc miên, thường trồng nhiều ở miền Bắc.