Nhà khoa học Bjorn Lund thuộc Trung tâm Địa chấn học Quốc gia Thụy Điển (SNSN) nói với đài truyền hình SVT hôm 27/9 rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những vụ nổ”.
Quân đội Đan Mạch đã công bố video quay từ trên không về sự cố rò rỉ. Quân đội nhấn mạnh Nord Stream 1 có 2 vị trí rò rỉ về phía đông bắc đảo Bornholm của Đan Mạch. Trong khi đó Nord Stream 2 bị hư hỏng ở phía nam Dueodde, một bãi biển nằm ở cực nam của Bornholm.
Trước đó trong ngày, Moscow cho biết đang xem xét nguyên nhân đằng sau vụ rò rỉ. Họ cho rằng các đường ống trên bị nhắm mục tiêu trong một hành động phá hoại.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo Berlin về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào các đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic “vài tuần trước” - tạp chí Đức Der Spiegel đưa tin hôm 27/9.
Theo Spiegel, Đức hiện đang kiểm tra hình ảnh vệ tinh của khu vực xảy ra vụ nổ, nhưng họ chỉ thấy giao thông hải quân “không đáng kể”. Họ cũng tin rằng có thể “thợ lặn hoặc một tàu ngầm mini” đã cài đặt mìn hoặc chất nổ trên đường ống.
Vụ nổ hôm 26/9 làm hỏng cả 2 đường ống Nord Stream và cắt nguồn khí đốt Nga tới Đức. Trong khi Mỹ, Nga và hầu hết các chính phủ châu Âu đều chưa đưa ra kết luận về người đứng sau sự việc trên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu Radoslaw Sikorski đã đăng lời cảm ơn Mỹ trên Twitter.
“Cảm ơn nước Mỹ” – ông Sikorski viết trên Twitter hôm 27/9 kèm bức ảnh về vụ rò rỉ khí đốt ở vùng biển Baltic.
Cựu Bộ trưởng Ba Lan cảm ơn Mỹ trên Twitter |
Ông Sikorski sau đó đã viết bằng tiếng Ba Lan rằng thiệt hại đối với Nord Stream có nghĩa là Nga sẽ phải “nói chuyện với các quốc gia kiểm soát đường ống dẫn khí đốt Brotherhood và Yamal, Ukraine và Ba Lan” nếu họ muốn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Đường ống Nord Stream 1 hoàn thành vào năm 2011. Trong khi đó công việc xây dựng trên Nord Stream 2 bắt đầu vào năm 2018 và bị trì hoãn nhiều lần do áp lực chính trị và các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Đường ống này hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng chưa bao giờ thực sự đi vào hoạt động.
2 ngày trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, chính phủ Đức dừng vô thời hạn việc chứng nhận Nord Stream 2. Họ cũng từ chối bất kỳ đề nghị nào về việc phê chuẩn để đường ống này đi vào hoạt động.