Chuyện vui ở lớp xoá mù chữ: Học viên mổ gà ăn mừng khi được 10 điểm Toán

GD&TĐ - Công tác ở xã miền núi đặc biệt khó khăn, nhiều người chưa biết chữ, do đó cô Khuyên luôn trăn trở phải làm sao để dạy chữ cho người dân đỡ khổ.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Khong Hin. Ảnh NTCC.
Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Khong Hin. Ảnh NTCC.

Khát khao mang chữ xoá mù

Thực hiện chỉ đạo của các cấp về công tác xoá mù chữ, cô Hà Thị Khuyên, giáo viên Trường Tiểu học Khong Hin (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là một trong số giáo viên được phân công giảng dạy lớp xoá mù trên địa bàn xã Mường Khong.

Theo đó, để có bài giảng thu hút học viên, sát với nhu cầu học thực tế của người dân, quá trình giảng dạy, cô luôn lắng nghe những chia sẻ của người học, giải thích cặn kẽ cho những vấn đề mà họ chưa hiểu. Nhờ đó, cô và bà con nhân dân thêm hiểu và dễ cảm thông cho nhau nhiều hơn.

Cô Khuyên trải lòng: “Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống rất khó khăn. Họ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc biết chữ. Do đó, khi giáo viên phân tích, giải thích ý nghĩa của việc học họ đã vui mừng đến lớp chẳng quản chuyện phải vượt suối băng rừng”.

Để người chưa biết chữ ra lớp, cô Khuyên đã không ngần ngại đến nhà vận động bà con. Đối với người tâm lý e dè, xấu hổ do đã lớn tuổi không biết chữ, cô lại kiên nhẫn phân tích. Cô kiên nhẫn: "một lần không được thì đến nhiều lần để họ đồng ý tham gia mới thôi".

“Sau một thời gian, học viên thích thú khi biết viết, biết đọc và giao tiếp được tiếng phổ thông, chính họ lại kêu gọi những người khác cùng tham gia. Niềm hạnh phúc ấy khiến tôi thêm yêu quý công việc này”, cô Khuyên chia sẻ.

Lớp học chủ yếu là chị em phụ nữ đã lớn tuổi vì vậy, ngoài nỗ lực giảng dạy, giáo viên phải động viên, kiên nhẫn với học viên. Trong các buổi học, cô Khuyên luôn tạo không khí vui vẻ, thân thiện.

Những phần nào khó, cô Khuyên sẽ kèm riêng thậm chí dùng tiếng dân tộc để giải thích cho học viên hiểu. Từ đó tạo sự tương tác giữa giáo viên với học viên, giữa học viên với học viên, giúp người học tự tin, hứng thú khi đến lớp.

Bên cạnh đó, cô Khuyên đã tận dụng tối đa đồ dùng dạy học sẵn có của nhà trường, điểm trường như máy chiếu giảng dạy; tìm tòi các video để giúp học viên rèn luyện kỹ năng nghe nói. Khi dạy Toán, cô sẽ hướng dẫn thực hành trên điện thoại cá nhân hoặc máy tính bảng….

Ngoài ra, cô Khuyên cũng thường xuyên khen ngợi, động viên, tuyên dương và đối xử công bằng với tất cả học viên.

"Trong nội dung dạy học tôi thực hiện lồng ghép các nội dung thiết thực trong thực tế cuộc sống như kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái; tổ chức dạy học kết hợp với hướng dẫn bà con sử dụng điện thoại, kích hoạt tài khoản VNeID và thực hiện các giao dịch dân sự trên dịch vụ công….", cô Khuyên chia sẻ.

Học viên tham gia lớp xoá mù của Trường Tiểu học Khong Hin chủ yếu là người DTTS.

Học viên tham gia lớp xoá mù của Trường Tiểu học Khong Hin chủ yếu là người DTTS.

Niềm vui khi trò biết chữ

Món quà mà cô Khuyên mong muốn nhận được khi tham gia dạy lớp xoá mù chữ chính là nụ cười của học viên khi họ biết đọc, biết viết. Cô Khuyên kể: “Có lúc đang giảng bài, học viên đứng lên nói lớn “Cô ơi em đọc được bài này rồi; hay cô ơi em làm đúng bài Toán như cô hướng dẫn; cô ơi thế này cô ơi em viết được rồi... lúc đó cảm xúc của tôi không nói thành lời”.

Mặc dù vậy, cô Khuyên cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sĩ số cho lớp. Bởi học viên lớp xoá mù chữ 100% là người DTTS, đang trong độ tuổi lao động, ngày làm nương rẫy mưu sinh, tối lại đến trường học rất vất vả.

Hay, một số học viên nhà ở xa, đường đi lại khó khăn nên ngại đến lớp. Chưa kể, một số học viên không sử dụng được phương tiện giao thông nên phải phụ thuộc vào người đưa đón hay học viên đang trong độ tuổi sinh đẻ, có thai, con còn nhỏ…. Nhiều hôm học viên phải đưa con đến trường cùng học với mẹ.

“Tôi vẫn nhớ như in hôm đó có một học viên làm bài Toán đúng và tôi chấm 10 điểm. Ngay lúc đó, bạn ấy đã gọi điện thoại cho chồng nói “chồng à hôm nay em được cô giáo thưởng 10 điểm vì làm đúng bài tập. Chồng ở nhà mổ gà chờ em học về liên hoan” thực sự lúc đó tôi rất xúc động và hiểu ra rằng, trong giáo dục cần phải động viên đúng lúc thì người học sẽ phát huy được hết khả năng ”, cô Hà Thị Khuyên, giáo viên Trường Tiểu học Khong Hin kể lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.