Vận động mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác xoá mù chữ

GD&TĐ - Nhiều địa phương đẩy mạnh công tác xoá mù chữ. Theo đó, các trường học phối hợp với ban, ngành, trung tâm học tập cộng đồng để mở lớp.

Người dân xã Quý Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) tham gia khai giảng lớp xoá mù chữ. Ảnh NVCC.
Người dân xã Quý Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) tham gia khai giảng lớp xoá mù chữ. Ảnh NVCC.

Người biết chữ hỗ trợ người chưa biết

Xã Quý Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) là xã vùng III cách trung tâm huyện gần 40 km, địa hình chủ yếu là đồi núi bị chia cắt bởi sông và suối dẫn tới việc đi lại của người dân, học sinh gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ.

Người dân ở xã Quý Hoà 100% là người dân tộc thiểu số, đây cũng là xã có tỷ lệ người mù chữ rất cao huyện Bình Gia. Theo đó, để vận động người chưa biết chữ tham gia lớp xoá mù, Ban giám hiệu Trường PTDTBT TH&THCS Quý Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đã tham mưu với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo xã tổ chức rà soát đối tượng từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ theo từng thôn.

Khi đã có số liệu cụ thể, nhà trường cũng kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp; phân công cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo đến các thôn bản, các hộ gia đình để vận động, phân tích cho người dân hiểu.

Cô Lưu Thị Ngơi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi tổ chức các lớp học xoá mù linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia học tập. Nhờ vậy trong năm 2023, chúng tôi đã hoàn thành 3 lớp xóa mù chữ với 72 học viên. Họ chủ yếu là dân tộc Nùng độ tuổi từ 35 tuổi đến 59 tuổi.

Song song với các buổi học tại lớp, chúng tôi cũng vận động sự tham gia của những người biết chữ hỗ trợ, kèm cặp người đang tham gia lớp xoá mù”.

Được biết, học viên tham gia các lớp xoá mù của Trường PTDTBT TH&THCS Quý Hòa đã biết đọc, biết viết căn bản. Nhiều người đã bắt đầu tự tin đến xã giải quyết các thủ tục hành chính, tìm hiểu sách báo, tra tìm thông tin cách phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… từ đó, vận dụng vào lao động, sản xuất.

“Hiện nay, 30 người dân chưa biết chữ trong xã mong muốn được tham gia lớp học xóa mù. Chúng tôi và Trung tâm Học tập cộng đồng xã đang sắp xếp để mở lớp mới đáp ứng nguyện vọng học của người dân”, cô Ngơi chia sẻ.

Cô Lưu Thị Ngơi, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Quý Hòa cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trong quá trình tổ chức lớp xoá mù ở địa bàn xã Quý Hoà dân cư phân bố rộng, đường đi lại khó khăn. Học viên chủ yếu là lao động chính của gia đình ngày đi làm đêm về đi học nên việc duy trì đủ sĩ số rất vất vả.

“Chưa kể, giáo viên dạy chính khóa đã đủ hoặc vượt giờ so với quy định, buổi tối phải lên lớp cho lớp xoá mù chữ dễ dẫn đến quá tải với thầy cô”, cô Ngơi nói.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Ảnh TL.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Ảnh TL.

Gần 79.300 người ra học xoá mù chữ

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.

So với chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 thì tỷ lệ biết chữ vượt 0,15%.

Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước). Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT: “Ngoài đối tượng học viên học xoá mù tại các cơ sở giáo dục, còn có đối tượng đặc thù là phạm nhân, trại viên, học sinh ở các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an học xoá mù chữ. Bình quân mỗi năm mở được hơn 195 lớp xoá mù với trên 2.900 học viên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ