Học viên tham gia lớp xoá mù chủ yếu là phụ nữ
Mường Khong là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện trên 20km, xã gồm 7 bản có 976 hộ, trong đó 48,20% hộ nghèo; 16,9% hộ cận nghèo; trên 99% dân tộc thiểu số Thái và Hmông. Điều kiện tự nhiên đồi núi dốc, dân cư sống không tập trung, nhiều bản đến nay chưa có sóng điện thoại, tỉ lệ người mù chữ còn cao.
Năm học 2023 – 2024, nhà trường tổ chức 6 lớp xoá mù chữ với 102 học viên. Hiện 3 lớp với 47 học viên đã kết thúc chương trình vào ngày 18/10. 3 lớp với 55 học viên đang theo học chương trình xoá mù giai đoạn 2. Học viên tham gia lớp xoá mù 100% là dân tộc Thái, độ tuổi trung bình của học viên từ 35 - 46 tuổi, chủ yếu là học viên nữ.
Lớp học đa phần là phụ nữ. Ảnh NTCC. |
Thầy Vũ Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khon Hin cho biết: “Lớp học đa phần là học viên nữ trong độ tuổi lao động, Ban giám hiệu đã điều tra, khảo sát để nắm rõ thông tin, hoàn cảnh mỗi cá nhân, từng đối tượng. Từ đó phối hợp với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng xã, lãnh đạo chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Đồng thời, nhà trường cũng tham mưu với địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, phân công cán bộ chủ chốt của xã, bản để huy động tối đa người mù chữ ra lớp.
Nêu cao vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng bản để vào cuộc huy động người mù chữ ra lớp, quản lý lớp nhờ vậy mà học viên tham gia đầy đủ hơn”.
Không chỉ thực hiện giảng dạy xóa mù chữ sát thực tế, phù hợp với công việc, tập quán của đồng bào vùng cao, Trường Tiểu học Khon Hin còn nhân rộng các mô hình "con cháu dạy chữ cho bố mẹ, ông bà"; lựa chọn học sinh tình nguyện đi vận động và giúp đỡ bố mẹ, anh chị, hàng xóm học tại nhà.
Nhờ sự kết hợp nhiều biện pháp mà năm 2019, xã Mường Khong được công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.
Năm 2019, xã Mường Khong được công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. |
Giáo viên đứng lớp phải biên soạn bài giảng, hướng dẫn bài học phù hợp với nhóm đối tượng người học như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa. Thầy cô linh hoạt, sáng tạo trong các tiết dạy, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải những bài học sinh động nhất thu hút học viên đến lớp - BGH Trường Tiểu học Khon Hin thông tin.
Vượt qua thách thức để mang chữ đến với người dân
Với đặc thù là xã có hơn 99% người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Nhiều người mù chữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa không thể tham gia lớp học. Hay nhiều học viên tuổi đã cao không có nhu cầu học.
Theo đó, để thu hút học viên, Ban giám hiệu đã lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết tham gia đứng lớp.
Ngoài việc soạn bài giảng phù hợp, họ là những người nắm rõ, thông thuộc địa bàn; luôn đổi mới phương pháp dạy học gắn với nhu cầu ứng dụng trong cuộc sống; phân tích cho người dân hiểu biết đọc, viết sẽ biết đọc sách, báo, sử dụng điện thoại, tính toán làm ăn kinh doanh...
“Đặc biệt, các thầy cô này phải hiểu rõ tình hình công tác xoá mù chữ của địa phương, của bản mình phụ trách, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, thân thiện, gần gũi, có nhiều giải pháp để giúp đỡ học viên hoàn thành chương trình xoá mù chữ”, thầy Tuấn nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước).
Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).