Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

GD&TĐ - Không bảng cũng chẳng phấn trắng, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Cô Lương Thị Yến tỉ mỉ dạy học trò cách đọc chữ Braille.
Cô Lương Thị Yến tỉ mỉ dạy học trò cách đọc chữ Braille.

Dạy học trò bằng cả trái tim

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, những lớp học đặc biệt này chỉ có 6 - 7 em/lớp, và ở độ tuổi khác nhau. Điều đặc biệt nữa là dù có lớp cả trò và cô đều không nhìn thấy nhưng vẫn tương tác rất hào hứng.

Bằng cách sờ chữ Braille, học sinh đọc lưu loát bài trong sách giáo khoa. Không chỉ ở lớp học có giáo viên mắt sáng mà ngay cả lớp có giáo viên khiếm thị, học sinh cũng nghiêm túc học bài bởi chỉ cần một tiếng động nhỏ, giáo viên vẫn có thể hiểu được học sinh của mình có tập trung hay không. Từng ngày trôi qua, mỗi học sinh ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hoá, đều được giáo viên ở đây giúp vượt qua bóng tối, thắp sáng cuộc đời.

Nơi đây, luôn có hàng chục học sinh, không chỉ quê Thanh Hoá mà các em còn đến từ các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hoà Bình, Sơn La… Nhiều em mới chỉ 5 - 6 tuổi, đặc biệt trẻ khiếm thị không chỉ bị các vấn đề về mắt mà còn có các tật về vận động, nhận thức, thính giác, thậm chí là cả chứng bệnh down, tự kỷ. Năm học nào cũng có những học trò “cá biệt”. Để học sinh vâng lời, chăm học là sự bền bỉ, dày công, kiên trì của những giáo viên dạy trẻ khiếm thị, nhất là với những trẻ có vấn đề về nhận thức.

Bài học đầu tiên mà giáo viên của trung tâm dạy các em không phải là con chữ mà là dạy các em biết tự vệ sinh cá nhân, sau đó là biết cách hoà nhập cộng đồng, không tự ti, mặc cảm.

Cô Nguyễn Thị Mạo: “Dạy những đứa trẻ khiếm thị là cách tôi tri ân cuộc đời”.

Cô Nguyễn Thị Mạo: “Dạy những đứa trẻ khiếm thị là cách tôi tri ân cuộc đời”.

“Khó khăn nhất khi giảng dạy cho học sinh khiếm thị là các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức không đồng đều nên không dễ truyền đạt bài giảng để trò hiểu ngay. Dạy học sinh khiếm thị đòi hỏi người dạy phải kiên trì, nhẫn nại, biết cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất. Cô thường xuyên vừa dạy vừa dỗ, phải biết khích lệ, động viên”, cô Nguyễn Thị Mạo chia sẻ.

Cô Mạo có cùng cảnh ngộ với học sinh khi bản thân cũng sống trong bóng tối, vì thế cô hiểu và đồng cảm với học trò. “Dạy cho các em những kiến thức mình được học; giúp học sinh không nhìn thấy như mình tìm thấy niềm tin trong cuộc sống, vượt lên nghịch cảnh cũng là cách tôi tri ân cuộc đời”, cô Mạo tâm sự.

Khác với cô Mạo, cô Lương Thị Yến là giáo viên bình thường. Tốt nghiệp ngành sư phạm với bao khát vọng của tuổi trẻ, thế nhưng một lần đến nơi làm việc của chồng, cô nhìn thấy những đứa trẻ khiếm thị, quờ quạng đi, cảm xúc không thể lý giải được. Cô muốn gắn bó với nơi này, đồng hành cùng các em.

Có nhiều em khó khăn trong tiếp thu chữ nổi, cô kiên nhẫn cầm tay giúp các em nhận biết từng nét, từng chữ. Cô truyền cảm hứng bằng những câu chuyện, mang đến cho các em niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều kỳ diệu có thể đến với những người bất hạnh mà biết sống lương thiện, biết yêu thương, sẻ chia…

Sau những giờ lên lớp, cô Yến luôn nán lại để trò chuyện, tâm sự cùng học sinh của mình, như hôm nay các em có chuyện gì, gặp gỡ với ai, cảm xúc như thế nào… Những câu chuyện, miêu tả sinh động của về cuộc sống rộn ràng ngoài kia khiến lớp học luôn tràn ngập ánh sáng, tiếng cười.

“Điều quan trọng nhất là người thầy phải trao đến các em tình yêu thương. Với trẻ khiếm thị nếu không thực sự tâm huyết, đồng cảm thì khó có thể vượt qua những khó khăn để dạy dỗ được các em...”, cô Yến chia sẻ.

Cô Ánh Dương đã tìm thấy ánh sáng cuộc đời mình từ những đứa trẻ khiếm thị.

Cô Ánh Dương đã tìm thấy ánh sáng cuộc đời mình từ những đứa trẻ khiếm thị.

Hạnh phúc giản đơn

Ở trung tâm, giáo viên không chỉ là người thầy, người cô mà còn là người mẹ, thậm chí là bảo mẫu chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho học sinh.

Có những người thầy, người cô cũng không may mắn khi mất đi ánh sáng, nhưng thay vì chọn cuộc sống tăm tối và bế tắc, họ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa bằng chính việc chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình.

Không chỉ cô Mạo, cô giáo Ánh Dương cũng là một người như thế, 20 năm sau lần bị người yêu cũ tạt axít khiến cô bị hỏng đôi mắt, cô Ánh Dương đã tìm thấy “ánh sáng” cuộc đời từ chính việc dạy dỗ những đứa trẻ cũng khiếm thị như mình.

Với cô Dương, niềm vui mỗi ngày là được đến lớp học, nơi có những đứa trẻ khiếm thị, nơi cô vẫn được cống hiến sức mình, cầm tay hướng dẫn học trò học chữ…

“Đối với giáo viên sáng mắt đã khó, với giáo viên khiếm thị như tôi càng khó khăn bội phần. Tuy nhiên, ở nơi ấy, tôi đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Bản thân cũng bị mù nên tôi biết cách hướng dẫn, dạy dỗ các em cụ thể hơn, đối mặt và xử lý những khó khăn như thế nào; không chỉ dạy các em về kiến thức mà còn dạy về cuộc sống; dạy các em biết vượt qua bóng tối để tự thắp sáng cuộc đời mình”, cô Ánh Dương chia sẻ.

Nhiều học sinh sau khi đến với trung tâm đã phát huy được năng lực của mình như em Nguyễn Thế Linh với những đóng góp quan trọng để Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa đạt giải Vàng cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Hay em Bùi Quốc Huy, với năng khiếu về đàn piano luôn đóng vai trò “chủ công” trong các buổi biểu diễn văn nghệ của trung tâm. Riêng việc dạy nghề tẩm quất, sau khi học, nhiều em đã tự lo cho cuộc sống bản thân không phải phụ thuộc vào gia đình.

Em Vũ Quang Kiên tâm sự: “Từ ngày vào học ở trung tâm, em xem nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Dự định của em sau khi học xong chương trình văn hóa phổ thông sẽ tìm một nghề nào đó phù hợp để có thể nuôi sống bản thân”.

Ở ngôi trường đặc biệt với những học trò đặc biệt, hạnh phúc của những giáo viên không cầm phấn, không đứng trên bục giảng như cô Mạo hay cô Ánh Dương, cô Yến… đơn giản chỉ là học sinh biết vâng lời, tiến bộ, hay khi được chứng kiến các em có thể đứng vững trên đôi chân mình, tự bước vào đời hoà nhập với cộng đồng, trở thành người có ích…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ