Chuyện về Hoàng Thái Hậu Từ Dũ

GD&TĐ - Bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, tự là Nguyệt, sinh ngày 19/5, nhằm mùa hạ năm Gia Long thứ 9 (1810), tại giồng Sơn Quy (hay còn gọi là Gò Rùa), xứ Gò Công, huyện Tân Hòa, phủ Gia Định nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

Khu Lăng Hoàng Gia, nơi an táng mấy đời dòng họ Phạm Đăng ở xứ Gò Công
Khu Lăng Hoàng Gia, nơi an táng mấy đời dòng họ Phạm Đăng ở xứ Gò Công

Bà là con gái của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng (sau được truy tặng tước Đức Quốc công), một đại công thần của Triều Nguyễn.

LTS: Theo tài liệu hiện có thì bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức là một người đàn bà có số phận vô cùng đặc biệt. Bà quê ở Gò Công, được tiến cung từ rất sớm và là người đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua Triều Nguyễn (kể từ vua Gia Long là thời điểm bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm vua Thành Thái thứ 13).

Xung quanh cuộc đời của người con gái đất Gò Công lụa là gấm vóc này có thật nhiều điều lạ lùng, thú vị mà trước nay sử sách đã tốn rất nhiều giấy mực…

Xin được thêm một lần nữa ghi lại những trang đời đạo hạnh của bà mà có lẽ vẫn còn nhiều bạn đọc chưa được tỏ tường một cách khúc chiết…

Gia đình khoa bảng

Phạm Đăng Hưng là một người có văn tài, có khí tiết, theo vua Gia Long từ khi vua còn chưa lên ngôi Hoàng đế. Là Thượng thư Bộ Lễ, ông nhiều lần dâng sớ để tâu bày với vua về tình hình đất nước, đặc biệt là việc làm sao để cứu tế dân nghèo, khắc phục nạn đói hàng năm vẫn thường xảy ra trong thời kỳ chiến tranh mới chấm dứt.

Trong một văn bia ghi lại sự nghiệp của quan thượng thư Phạm Đăng Hưng do Phan Thanh Giản soạn dưới thời vua Tự Đức có một đoạn chép rằng “Ông Sơ của ông là Phạm Đăng Khoa, một người học rộng, có tiếng văn chương dưới triều của vua Lê Anh Tông (1557 - 1571).

Vào thời ấy, họ Trịnh ức hiếp vua Lê, gặp lúc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa dựng nghiệp, ông Phạm Đăng Khoa đã mang cả họ vào theo. Ban đầu lập nghiệp ở Ái Tử (Quảng Trị), rồi tiếp đó di chuyển vào Phú Xuân (Huế).

Đến thời cố nội của ông Phạm Đăng Hưng tên là Phạm Đăng Tiên thì được bổ nhiệm làm quan Huấn đạo của phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Ông nội của ông Hưng là Phạm Đăng Dinh, một con người thông tuệ về nho học và y học, sinh thời lấy hiệu là Huyền Thông Đạo Nhân.

Cha ông Hưng là Phạm Đăng Long, được người dân đương thời gọi là Kiến Hòa tiên sinh. Ông Long là một người giỏi về nho học, tinh thông phong thủy, địa lý… sinh thời ông đã đi đến nhiều nơi tìm một vùng có thế đất tốt để đưa con cháu đến định cư với mong muốn sẽ phát tích về các thế hệ sau này.

Lúc ông đến giồng Sơn Quy (Gò Rùa), thấy thế đất rất đẹp, khổ nỗi toàn vùng đất Gò Công lúc bấy giờ toàn là vùng ngập mặn, không đâu có thể tìm được nguồn nước ngọt phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Tìm mãi, ông mới thấy được một mạch nước ngầm nằm ngay trên giồng Sơn Quy. Như thấy được điềm lành, ông đã cho dựng nhà ở đó để lập nghiệp, đồng thời cho dời mồ mả của 3 đời họ Phạm về táng ở đây.

Trên đất Gò Công, ông Phạm Đăng Long đã nối nghiệp cha mình làm nghề dạy học, ông đã chiêu mộ rất nhiều môn sinh trong vùng về để dạy và đã tạo nên một thế hệ tri thức có thể nói là đầu tiên trên mảnh đất Gò Rùa.

Về việc dựng nghiệp của dòng họ Phạm Đăng trên đất Gò Công còn có một câu chuyện khác, thiết nghĩ cũng cần phải được kể lại đây để bạn đọc suy gẫm và đối chiếu: Là con trai của quan Huấn đạo phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nên ông Phạm Đăng Dinh khi theo đoàn di dân Nam tiến và là một trong số ít những người có chữ nghĩa.

Khi đến vùng đất mới, ông Dinh đã dựng một cái chòi lá ven sông để vừa dạy học vừa làm ruộng rẫy kiếm sống qua ngày. Trong thời kỳ này, có rất nhiều người Hoa được lệnh của chúa Nguyễn từ phương Bắc kéo vào đây lập nghiệp. Trong số những người Hoa mới đến ấy, có một ông thầy địa lý phong thủy rất tài hoa.

Ngày ngày, ông thầy địa lý phong thủy này đóng giả làm người đi bán rượu để lê la quanh các vùng đất cao để tìm một thế đất tốt cho gia tộc hòng để đời sau con cháu đỗ đạt khanh tướng công hầu.

Một lần, khi ông thầy địa lý qua sông thì gặp lúc trời tối, bụng đói cồn cào nên tha thẩn đi tìm nơi trú chân. Đang lúc tuyệt vọng thì ông thầy địa lý gặp được một người nông dân, tuy gia cảnh nghèo túng nhưng phong thái rất nho nhã và tốt bụng.

Người nông dân hiếu khách ấy đã mời “ông bán rượu” nghỉ chân lại ở nhà mình rồi còn sai vợ nấu cơm, thịt gà khoản đãi khách. Người nông dân ấy chính là Phạm Đăng Dinh.

Cảm kích trước tấm lòng của một người xa lạ, ông thầy địa lý mới nói thật với ông Dinh rằng là mình đang đi tìm một cuộc đất tốt để cho gia tộc định cư.

Sáng hôm sau, ông thầy địa lý dắt tay ông Dinh ra sau hè nhà, rồi chỉ cho ông Dinh biết cuộc đất Gò Rùa là đất rất tốt và khuyên ông Dinh nên đem mồ mã tổ tiên về táng ở đó thì sẽ phát cho con cháu về sau.

Ông Dinh đã đem câu chuyện này để kể với con trai mình là Phạm Đăng Long, rồi ngay sau đó Phạm Đăng Long đã quay về Quảng Ngãi để đưa mộ của ông nội mình vào táng ở đất Gò Rùa.

Lời khuyên của ông thầy địa lý người Hoa quả là ứng nghiệm, vì đến đời ông Phạm Đăng Hưng đi thi đã đỗ Tam trường tại trường thi Gia Định năm 1796.

Lăng mộ của quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng.
  • Lăng mộ của quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng.

Người con gái xứ Gò Rừa

Cuối thế kỷ thứ 18, Nguyễn Ánh bị quân của Tây Sơn vây bủa nên lưu lạc vào phương Nam, ở đó, Nguyễn Ánh cần người dân địa phương giúp đỡ cả về nhân tài vật lực và trong số những nhân tài ở đất phương Nam ra giúp Nguyễn Ánh trong thời kỳ trung hưng ấy có ông Phạm Đăng Hưng.

Về sau, ông Hưng là người đã có nhiều tham vấn quan trọng cho Nguyễn Ánh lập nên công trạng, rồi có con gái được vợ vua Gia Long (Nguyễn Ánh) là Thuận Thiên cao Hoàng hậu tiến cung rồi trở thành vợ vua Thiệu Trị. Dòng họ Phạm Đăng ở đất Gò Công được liệt vào hàng quý tộc từ đó…

Về sau này, đất Gò Công còn sinh ra thêm nhiều con người kiệt hiệt như Trương Công Định chống Pháp thời vua Tự Đức, khi tạ thế được vua Tự Đức phong Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định; nhà văn Hồ Biểu Chánh làm đến chức Chánh phủ sứ; Giám mục Nguyễn Bá Tòng là vị giám mục thuộc hàng tiên khởi của giáo phẩm Việt Nam…

Tương truyền rằng, ngày bà Phạm Thị Vị - vợ ông Phạm Đăng Hưng trở dạ, bà đã nhìn thấy một vầng trăng sáng từ trên trời sa xuống mặt đất tạo nên một quầng sáng lớn với rất nhiều màu sắc lung linh. Có lẽ vì điều đó mà ông Phạm Đăng Hưng đã đặt tên cho người con gái đầu lòng của mình là Phạm Thị Hằng hay còn gọi là Nguyệt.

Sách xưa viết rằng: Xứ Gò Công ngày xưa nước thường rất mặn, nhưng từ khi bà Phạm Thị Hằng được sinh ra thì nước giếng ở giồng Sơn Quy ngày càng thanh ngọt, người uống nước ở đây ngày càng ít ốm đau, bệnh tật, tiếng lành vang xa làm người ở những vùng lân cận cũng đến xin gánh nước Gò Rùa để về ăn uống. Thêm một điều lạ nữa là từ sau khi bà Phạm Thị Vị hạ sinh con gái, Gò Rùa ngày một được bồi thêm cao như hình một cái mai rùa khổng lồ, cây trái trong vùng cũng xanh tươi trĩu quả căng tròn hơn nhiều nơi khác…

Chính vì vậy mà từ thời xa xưa ấy, trên mảnh đất Gò Công người ta đã truyền tụng từ đời này sang đời khác câu ca: “Điềm lành tuôn nước ngọt ngào/ Lại thêm phước đức vun cao Gò Rùa” (Lệ thủy trình tường thoại/Quy khâu trúc phước cơ). Hiện tượng thiên nhiên lạ lùng đó đã được các bậc cao niên tinh thông phong thủy lý số giải thích rằng: Vùng đất nào bất ngờ có những biến đổi về khí sắc nước nôi như vậy thì ắt đã có một nhân vật kỳ đặc nào đó vừa xuất sinh ở đấy. Đối với trường hợp này, bỗng dưng đất Gò Rùa có biến đổi thì không đâu khác mà chỉ là con cái của ông bà Thượng Thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng.

Theo những câu chuyện truyền đời của con cháu dòng họ Phạm Đăng ở đất Gò Công mà về sau này đã có nhiều nhà nghiên cứu sử đã chép lại trong các công trình của mình thì lúc đương thời Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng đã có nhờ một ông thầy địa lý giỏi phong thủy đến xem hộ các ngôi mộ của tổ tiên dòng họ Phạm Đăng được táng trên đất Gò Rùa.

Khi thầy phong thủy đến xem hình thế của gò đất đã rất khen ngợi vì gò Sơn Quy không những mang dáng dấp của một con vật nằm trong bộ tứ linh (Long-Ly-Quy-Phụng) mà tự nhiên còn có những cây cối mọc lên rất xanh tươi rậm rạp toát lên cái vượng khí rất nhiều…

Ông thầy phong thủy này cũng khẳng khái cho quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng biết rằng: Đất Gò Công với hình thể và long mạch là một vùng đất quý nhưng nó mang dáng dấp của một con rùa nên sẽ không vượng về Dương mà chỉ vượng về Âm. Vì vậy, nếu phát về con gái thì giàu sang không biết thế nào mà tả cho hết được, còn nếu phát về con trai thì to lắm chỉ đến nhất nhị phẩm ở triều đình mà thôi. Nếu phát cho con trai mà sang hơn hàm nhất nhị phẩm thì ắt người ấy sẽ không con cái gì để nối dõi.

Lời phán này có lẽ rất đúng với số phận của một người con trai được sinh ra và lớn lên trên đất Gò Công về sau đã làm đến chức vụ cao nhất trong hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam đó là Đức Giám mục J.B. Nguyễn Bá Tòng. Rõ ràng, Đức Giám mục là một tu sĩ, không vợ không con…

Ông thầy phong thủy này còn nói cho quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng biết rằng: Ngôi mộ của ông nội ông (tức cụ Phạm Đăng Dinh) là một ngôi mộ được táng vào vị trí đại cát, chỉ tiếc một điều là thiếu hậu chẩm và tả hữu phú chi.

Có nghĩa là, nếu sau lưng ngôi mộ đó mà có một ngọn đồi hay ngọn núi hoặc một cái giồng (gò) nào cao hơn và hai bên giồng có hai dãy đồi núi gì đó chạy kèm hoặc có hai con giồng khác ôm lấy thì gia tộc sẽ phú quý triền miên. Vì như thế, nên chỉ phát được hơn một đời rồi thôi. Ngôi mộ này tốt thật nhưng tiếc thay lại bị một ngôi mộ khác cản hướng uy quyền nên chi cái đời được phát chỉ phát được ở lúc thành xuân và trung vận chứ đến hậu vận thì suy…

Nghe vậy, Thượng thư Phạm Đăng Hưng đã hỏi ông thầy phong thủy có cách gì để cải được thế hay không? Ông thầy cho hay là nếu di dời ngôi mộ cản hướng uy quyền ấy đi thì dòng họ Phạm Đăng còn phát được thêm vài đời nữa.

Nghe xong, quan Thượng thư ra chiều suy nghĩ, rồi thưa với ông thầy phong thủy là sẽ cho di dời ngôi mộ cản hướng ấy đi. Khốn nỗi là không biết những người thân thích họ hàng với người nằm dưới ngôi mộ ấy giờ ở phương nào? Đó là một điều khó.

Thấy quan Thượng thư ưu tư quá đỗi, ông thầy phong thủy mới nói rằng: Tiên tích đức hậu tầm long tiền định rồi, phần phúc nhà quan Thượng thư chỉ phát được đến đó, tham nữa hay cưỡng lại thiên mạng là một việc làm không nên… rồi thầy dặn quan Thượng thư nên cho con cháu biết rằng khi nào ở Gò Rùa có xuất hiện một điềm gì không đẹp thì chỉ nên an phận thủ thường chứ đừng ham gì phú quý công danh nữa…

Tấm bia Vua Tự Đức ghi tạc công đức của ông ngoại mình là Thượng thư Phạm Đăng Hưng.
  • Tấm bia Vua Tự Đức ghi tạc công đức của ông ngoại mình là Thượng thư Phạm Đăng Hưng.

Mẫu nghi thiên hạ

Lời phán của ông thầy phong thủy mà quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng rất sùng kính ấy quả là không sai. Con gái đầu lòng của quan Thượng thư là Phạm Thị Hằng đã được tiến cung và đã trở thành Quý phi của Hoàng đế Thiệu Trị và là mẹ của Hoàng đế Tự Đức, những ông vua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong một giai đoạn lịch sử gần 400 năm vua chúa nhà Nguyễn.

Người con gái của đất Gò Công đã trở thành một bà Hoàng Thái hậu suốt 5 đời vua Nguyễn và bà là Mẫu nghi thiên hạ liên tục suốt 8 đời vua.

Có thể nói rằng, Hoàng Thái hậu Từ Dũ là một người đàn bà đã đứng được ở nơi cao nhất của phong lưu phú quý…Tuy nhiên, đúng như lời tiên tri của ông thầy phong thủy là bà Từ Dũ chỉ thực sự viên mãn ở thuở thanh xuân và thời trung niên tức là chỉ trong giai đoạn bà là vợ của vua Thiệu Trị và là mẹ của vua Tự Đức đương triều.

Còn về sau này, bà Từ Dũ cũng có muôn nỗi niềm buồn khổ khi vua Tự Đức là đứa con trai duy nhất của bà lại không thể có con để nối dõi tông đường. Một vị vua vô cùng hiếu đễ lại sớm qua đời trước mẹ.

Những đời sau, tuy bà là Hoàng Thái hậu uy tín ngất trời nhưng cũng chỉ là với số cung tần mỹ nữ trong triều mà thôi. Có lẽ bà cũng rất xót xa khi thấy các quyền thần trong triều làm mưa làm gió, đặc biệt là trong giai đoạn Nguyễn văn Tường, Tôn Thất Thuyết dùng quyền lực của mình để phế lập các vua...

Bài 2: Người phụ nữ công đức và đạo hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ