Ngoài ra, tôi còn đọc nhiều sách lịch sử mà tôi không còn nhớ tên sách nhưng vẫn nhớ những mẫu chuyện, những câu nói của nhân vật lịch sử.
Chuyện Trần Quốc Toản bóp nát trái cam sành vua ban trước cửa hội nghị Bình Than vì không được vào dự hội nghị bàn việc nước (lý do: bé quá!). Câu nói của Trần Quốc Tuấn: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã”. Hay câu nói của ông khi vĩnh biệt con voi quý trên sông Hóa: “Trận này không thắng được giặc, ta thề không trở về con sông này nữa”. Rồi chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, chuyện Trần Khánh Dư bán than, chuyện Lương Thế Vinh nghĩ ra cách đổ nước vào hố hẹp và sâu để lấy trái bưởi roi xuống đáy hồ.
Đến bây giờ lúc về già, tôi lại được đọc sách giáo khoa lịch sử đạo đức “Gương sáng người xưa” của Vũ Xuân Vinh dành cho lứa tuổi thiếu niên. Tôi như gặp lại sách xưa, gặp lại tuổi thơ và tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách và rất cảm ơn tác giả.
Là một nhà văn, nhà giáo, nhiều năm làm cán bộ biên tập NXB Giáo đục, Việt Nam Vũ Xuân Vinh hiểu hơn ai, phải viết về nhân vật lịch sử như thế nào cho vừa chính xác, vừa khoa học, vừa ngắn gọn, sinh động, phù hợp với đối tượng nhỏ.
Đơn cử, bài Triệu Trinh Nương (Bà Triệu), tác giả không quên nhắc lại câu nổi tiếng của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, giành lại sang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không thèm cúi đầu, còng lưng làm tì thiếp cho người ta“.
Ông cũng không quên dẫn ra câu ca dao cổ nói lên lòng yêu nước của nhân dân ta từ xưa: “Ru con con ngủ cho lành Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Ông còn dẫn thêm bài ca của nhân dân địa phương kể về bà: “Có bà nữ tướng/ vâng lệnh trời ra/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau trước/ Theo gót bà Vương” rồi câu thơ của chính bọn giặc tỏ ý sợ bà...
Chuyện Lê Đại Hành, ông chỉ nói qua công đức của Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược Tống rồi đi vào kể chuyện độc đáo ”Nhà vua đích thân đi cày tại lễ tịch điền vào đầu xuân để nêu gương trọng nông, trọng lao động của ông vua thân dân, vì dân ở một nước cấy lúa nước.
Về kế sách trị nước, ở bài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, tác giả đã dẫn ra những câu nói hay của bà, câu nói mà chỉ có người phụ nữ, người mẹ trác việt mới có được, để đem ra giảng dạy cho vua con: “Muốn nước giàu, dân mạnh, điều hệ trọng là biết nghe lời can gián của đấng trung thần...
Điều hệ trọng thứ hai là phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự minh tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt trước người trên thì nhanh hơn pháp luật...”.
Phần về Trạng Trình về Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác giả đã dân ra được một câu sấm truyền đến nay còn có ý nghĩa thời sự: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất nội muôn năm vững trị bình”.....Và còn nhiều vị vua sáng, tôi hiền khác như Duy Tân, Phan Bội Châu, Nguyễn Cao, Hoàng hậu Nam Phương được nêu trong sách.
Đặc biệt tác giả đã có ý thức tích hợp giữa kiến thức lịch sử, với kiến thức giáo dục công dân và văn học, và còn có ý đón trước chương trình giáo dục phô thông sắp tới...
Trong tình hình hiện nay khi mà học sinh còn thờ ơ với môn Lịch sử nước nhà và môn Đạo đức, Giáo dục công dân thì việc xuất bản cuốn sách “Gương sáng người xưa” là rất kịp thời và bổ ích.