Chuyện về cô con gái út của Maria Curie Sklodowska

GD&TĐ - Đó là Ewa Curie, người duy nhất trong gia đình Curie không được trao giải thưởng Nobel. Các thành viên còn lại đã được nhận tổng cộng 5 giải thưởng loại này: hai cho bà mẹ, một cho ông bố, một cho chị gái và anh rể, chồng bà cũng được nhận Nobel. – Chỉ mỗi mình tôi không có vinh dự đó. Tôi làm „xấu mặt” gia đình này quá – cuối đời bà Ewa Curie đã nói đùa như vậy.

Chuyện về cô con gái út của Maria Curie Sklodowska
Bà Ewa Curie, cô con gái nhà bác học Maria Curie
Bà Ewa Curie, cô con gái nhà bác học Maria Curie  

Thời trẻ Ewa được mẹ rất mực quan tâm đến chuyện học hành. Mà cũng không chỉ riêng chuyện học hành. Maria Curie Sklodowska chăm lo phát triển thể lực cho các cô con gái mình. Xin mở ngoặc nói thêm: bà Maria và ông Pierre có ba con gái, Irena sinh năm 1897, cô thứ hai không rõ tên vì đã mất ngay sau khi sinh vào năm 1903, Ewa ra đời một năm sau đó, năm 1904.

Hai chị em hay được mẹ cho đi trượt tuyết vào mùa đông và đi tắm biển mùa hè. Ewa không nhớ mặt bố vì ông mất năm cô mới chưa đầy hai tuổi. Cô mang quốc tịch Pháp, nhưng vì gia sư là người Ba Lan nên cô biết tiếng mẹ đẻ ở trình độ hoàn hảo. Năm 1911 cô về Ba Lan nghỉ hè tại nhà cậu mợ ở một vùng núi cao.

Ewa, giống như chị gái mình, Irena, tốt nghiệp College Sévigné. Năm 1925 cô tốt nghiệp giai đoạn I đại học ngành triết và khoa học về thiên nhiên. Trong thời gian chiến tranh cô sống tại Pari, ngoài việc học văn hoá, cô đan áo cho những người lính mà mình quen biết. Cô chị Irena quan tâm đến môn vật lý nên thời gian ở bên mẹ nhiều hơn. Vì vậy có thời Ewa cảm thấy mình không được mẹ quan tâm đúng mức. Nhưng trong thực tế bà Maria yêu hai con gái như nhau.

Trong một bức thư gửi cho các con từ nơi nghỉ hè, bà viết: „Mẹ nghĩ đến cả hai đứa bọn con, nghĩ đến sự ngọt ngào, nghĩ đến niềm vui lớn và những tình cảm khác mà các con đã mang đến cho cuộc đời mẹ. Đối với mẹ, các con là tài sản vô giá, vì vậy mẹ mong sao số phận cho mẹ được gần gũi các con càng nhiều càng tốt”. Tất nhiên trong thực tế mối liên hệ với cô con gái đầu chặt chẽ hơn nên Ewa có quyền cảm thấy mình bị gạt sang một bên.

Không phải ai cũng có thể trở thành nhà vật lý

Năm 1921 cả hai cô con gái sang Mỹ cùng mẹ. Khi ấy Ewa 16 tuổi. Bà Maria Curie được mời sang Mỹ để nhận một gam radium phục vụ cho những công trình nghiên cứu tiếp theo của mình.

Mấy tuần lễ có mặt trên đất Mỹ là một trải nghiệm khó quên đối với hai cô gái trẻ. Mẹ hai cô, nhà bác học Maria Curie, đến đâu cũng được đám đông chào đón nhiệt liệt, các cuộc hội thảo và vinh danh tưởng chừng không có điểm dừng. Ewa tham dự nhiều hoạt động, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, người đã trao tặng bà bức tượng làm bằng một hợp chất hoá học rất đắt tiền.

Đối với một cô gái trẻ như Ewa, ấn tượng về sự kiện này quả là đáng nhớ. Nhưng cũng có những thời điểm cô thật sự được thư giãn khi không phải đóng vai những người tháp tùng bà mẹ quá nổi tiếng mà được mời tham dự các cuộc vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi của mình.

Cả bà Maria Curie lẫn cô con gái đầu đều không quá quan tâm đến hình thức bên ngoài của mình. Hai mẹ con thường mặc những bộ váy màu đen giản dị. Nhưng cô út thì khác hẳn. Cho nên khi tại một cuộc gặp chính thức, khi cô mặc trên người bộ trang phục được may cầu kỳ, đúng mốt, đội chiếc mũ có trang trí những bông hoa, một chàng phóng viên Mỹ đã bị nhan sắc của cô mê hoặc. Anh không rời mắt khỏi cô và sau đó gọi cô là „tiểu thư có đôi mắt ánh lên chất radium”.

Ewa không có mục tiêu rõ ràng trong việc lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Thực ra cô đã phải chịu áp lực không nhỏ vì sự nổi tiếng của các thành viên khác trong gia đình khi tất cả đều làm khoa học và rất thành đạt trong lĩnh vực của mình. Theo cô, không phải ai cũng có thể trở thành nhà vật lý. Ngay từ hồi nhỏ, mọi người đã phát hiện ở cô năng khiếu âm nhạc.

Bà Maria Curie đã mua cho con gái một chiếc đàn dương cầm và thuê người dạy đàn cho cô. Nhưng sau đó, có vẻ như bà miễn cưỡng chấp nhận việc cô con gái út mỗi ngày bỏ ra hàng giờ đồng hồ cho việc tập đàn. Có lần bà tâm sự với Irena: „Chúng ta buộc phải hài hoà lợi ích việc chúng ta làm khoa học với lợi ích nghệ thuật mà Ewa đại diện, chứ việc thứ hai chỉ tốt trong những ngày trời đẹp, không phải để làm những khi mưa gió!”.

Trong thực tế thì Ewa đã bước vào đời với danh nghĩa nghệ sĩ dương cầm. Cô đã có hàng loạt các cuộc biểu diễn ở Pháp và Bỉ. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, cô hiểu ra rằng lĩnh vực này không thể làm nên sự nghiệp lớn của cuộc đời cô. Hình như cô đã bắt đầu chơi đàn hơi muộn, cho nên không thể đạt tới trình độ mà nghề nghiệp đòi hỏi. Sau đó cô chuyển sang viết phê bình âm nhạc, đăng các bài viết của mình trên tuần báo "Candide". Ở thời kỳ sau đó của cuộc đời mình, cô viết cả phê bình phim và kịch in trên những tờ báo khác. Cô còn là tác giả bản dịch ra tiếng Pháp vở kịch "Spread Eagle", sau này được dàn dựng và biểu diễn rất thành công. Để khỏi mang tiếng lợi dụng một tên họ nổi tiếng, cô làm công việc này dưới một bút danh khác.

Vậy là số phận Ewa Curie đã đi theo con đường hoàn toàn khác so với các thành viên còn lại trong gia đình vợ chồng nhà bác học lừng danh thế giới. Nhưng có điều chắc chắn là cô đã tìm được chỗ đứng trong cuộc đời. Cô thích cái thế giới nghệ thuật mà mình tự do tung tẩy. Cô tiếp xúc hàng ngày với các nhà văn, nhạc sĩ. Cô chu du khắp thế giới, khi thì với mẹ, khi với chị gái của mình (...).

7 đề cử giải Oscar

Khi bà Maria Curie bị ốm, Ewa dành rất nhiều thời gian chăm sóc mẹ. Cô ở bên mẹ khi bà phải đến trung tâm điều dưỡng và chứng kiến giờ phút mẹ cô từ giã cuộc đời. Chính khoảng thời gian này là cơ hội để hai mẹ con có điều kiện gần gũi nhau hơn. Cô rất đau khổ khi thấy mình hoàn toàn bất lực trước căn bệnh của mẹ. Trong cuốn tự truyện xuất bản sau khi mẹ mất mấy năm, cô đã viết: „ Khi tôi đủ lớn để có thể hiểu rõ hơn và để có thể gần gũi mẹ hơn thì bà đã trở thành một phụ nữ có tuổi và vô cùng nổi tiếng. Mà tôi thì rõ ràng chưa bao giờ nhìn thấy „nhà bác học nổi tiếng ấy, chỉ nhìn thấy mẹ mình thôi”.

Cuốn tự truyện này Ewa Curie bắt đầu viết ngay sau khi mẹ mất. Nhằm vào những mục đích cụ thể, cô sắp xếp lại tài liệu và những bức thư. Cô cũng bỏ công sưu tầm các thông tin liên quan đến mẹ mình.

Nhằm miêu tả lại thời trẻ của bà một cách thuyết phục nhất, mùa thu năm 1935, Ewa Curie đã về Ba Lan thăm những người thân trong gia đình mình. Cuốn sách được xuất bản dưới nhan đề tiếng Pháp "Madame Curie", ra mắt bạn đọc năm 1937, không chỉ được ấn hành tại Pháp mà đồng thời có mặt tại một số quốc gia: Anh, Italia, Tây Ban Nha và Mỹ. Tác phẩm này ngay lập tức trở thành sách bán chạy. Sau đó được dịch và xuất bản nhiều lần.

Cuốn sách viết về một nữ bác học lừng danh đã được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, song các nhà phê bình lại có ý kiến về việc tác giả đã cố tình bỏ qua chi tiết gây tranh cãi trong cuộc đời Maria Curie: mối tình vụng trộm với nhà vật lý Paul Langevin. Năm 1938 cuốn sách của Ewa Curie được dịch ra tiếng Ba Lan.

Tác phẩm này được trao giải thưởng National Book Award của Mỹ dành cho thể loại văn học sự kiện và không bao lâu sau được chuyển thể thành kịch bản phim. Bộ phim cùng tên "Madame Curie", được làm tại Hollywood đã được trình chiếu năm 1943 và nhận được 7 đề cử giải Oscar. Trong những năm sau đó, nhiều cuốn phim khác cũng đã được quay dựa theo những kịch bản khác nhau viết dựa trên nội dung cuốn sách. Có một điều thú vị là  lúc đầu tác giả của nó, do e ngại sự phản đối của các thành viên khác trong gia đình, đã không thừa nhận mình đã bán bản quyền cho các nhà làm phim.

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, bà Ewa Curie đã có chỗ đứng vững chắc ở Pháp với danh nghĩa nhà văn và nhà báo tài năng. Tháng Một năm 1940 bà được mời sang Mỹ. Tại đó bà dự định sẽ có hàng loạt bài giảng nhan đề „Khoa học với một nữ bác học”. Mục đích của những bài giảng này là quảng bá hình ảnh mẹ mình trên cơ sở cuốn tự truyện, đồng thời thu hút sự chú ý của dư luận xã hội Mỹ về mối đe doạ đối với nền dân chủ châu Âu.

Vì nguy cơ xảy ra chiến tranh ngày càng lớn, cả gia đình nhà Curie đã tham gia tích cực vào việc lên án các hoạt động chuẩn bị chiến tranh do nước Đức thời Hitler tiến hành. Tại Mỹ, bà Ewa đã tham dự nhiều cuộc gặp chính thức và từ diễn đàn các cuộc gặp đó, bà kêu gọi nước Mỹ tham chiến chống lại Hitler. Sau khi Đức chiếm Pháp, khác với các thành viên còn lại của gia đình, bà chạy sang Anh. Tháng 6 năm 1940, cùng với nhiều người tỵ nạn khác, bà đã đến thủ đô nước này. Tại đây bà chứng kiến cuộc ném bom Luân Đôn. Bà phụ trách các buổi phát thanh chống Hitler trên đài. Đầu năm sau bà lại sang Mỹ giảng bài.

Ewa Curie khi đó đã là một trí thức và nhà văn tên tuổi, thành viên của một gia đình khoa học lừng danh thế giới. Nhờ vị thế này bà đã có những cuộc gặp gỡ với các nhân vật nổi tiếng nhất của thế giới đương thời. Cho nên không có gì ngạc nhiên là tiếng nói của bà có trọng lượng lớn trong các cuộc bàn luận, được khuếch trương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan điểm phản đối cuộc chiến tranh do nước Đức Hitler tiến hành của bà cùng với những lời kêu gọi thế giới đứng lên chống lại chính sách tàn bạo của nó rõ ràng đã có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận xã hội lúc bấy giờ.

Phóng viên chiến tranh

Sau khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô và Mỹ tuyên bố đứng về phía Liên Xô chống phát xit, bà Ewa Curie đã nhiều lần đến châu Phi và châu Á với danh nghĩa phóng viên chiến tranh. Bà đã trải qua chặng đường 60 ngàn km. Kết quả của những cuộc hành trình dài ngày này là các bài viết nóng hổi từ chiến tuyến và cuốn sách nhan đề "Journey Among Warriors" ("Đi giữa các chiến binh”).

Điểm đến trong chặng đầu của chuyến đi này là Ai Cập, khi đó đang nằm trong tay người Anh. Trong thời gian có chuyến vượt sa mạc, gần trận tuyến, bà Ewa đã sống sót trong trận ném bom của quân đội Đức và bà đã có cuộc phỏng vấn với các phi công quân đội đồng minh. Tại đó bà là người phụ nữ duy nhất có mặt, cho nên bà được mọi người hết sức quan tâm. Nhưng thời kỳ có mặt trên sa mạc đã khiến bà phải trả giá bằng một trận sốt rét. Chặng đường tiếp theo là Trung Đông và Iran. Khi đó bà đã tiến hành cuộc phỏng vấn với Mohammad Reza Pahlawi.

Từ vịnh Pers bà bất ngờ đến Moskwa vào khoảng thời gian giữa các năm 1941 và 1942. Tháng 2 năm 1942 bà chứng kiến thất bại của quân đội nước Anh ở châu Á và sự hỗn loạn khi họ rút quân khỏi Singapor. Bà cũng đã thăm Trung Quốc và Ấn Độ. Ở bất cứ nơi nào có mặt bà đều tiến hành các cuộc phỏng vấn với các nhân vật quan trọng. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, bà đã chuyện trò với Mahatma Gandhi, bà ra mặt trận, và mọi ấn tượng của mình bà lập tức ghi lại và gửi về Mỹ.

Đây chính là giai đoạn bà hoạt động nghề nghiệp tích cực nhất trong cuộc đời mình. Cuốn sách bao gồm những ghi chép sau nhiều tháng hành trình qua nhiều nơi của bà đã được đón nhận nhiệt thành của bạn đọc và các nhà phê bình. Người ta không tiếc lời ngợi khen. Chẳng hạn như có nhà phê bình đã viết rằng chưa bao giờ toàn cảnh thế giới chìm ngập trong chiến tranh lại được miêu tả một cách chuyên nghiệp và hay đến như vậy (...), rằng thành công về mặt văn học tuyệt vời của bà là kết quả sự quan sát với con mắt sắc sảo mà không một nhà văn viết phóng sự nào có thể sánh kịp.

Sau khi trở về Mỹ, ở đỉnh cao của sự thành đạt, bà tuyên bố „treo bút”. Sau đó bà sang Anh và gia nhập phong trào đấu tranh của những phụ nữ Pháp ủng hộ tổ chức quân đội trong đó phụ nữ đóng vai trò tích cực. Tại Luân Đôn bà Ewa Curie tự nguyện làm việc như một lái xe. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà giới thiệu rõ động cơ của mình: Khi nào phải trở về Pháp, chúng tôi sẽ trở về với thái độ nhún nhường cao nhất là xin những người ở lại đất nước tha thứ cho mình. Khi chúng tôi được ăn thì họ phải nhịn đói. Khi chúng tôi được mặc ấm thì họ phải chịu cái rét run người. Khi chúng tôi có thể tự do hoạt động thì họ phải đem lòng dũng cảm đương đầu và tồn tại dưới ách chiếm đóng nước ngoài.

Bà đã phục vụ trong ngành quân y, được thăng cấp đến trung uý.

Sau chiến tranh Ewa Curie trở về nước Pháp tự do. Bà viết cho nhật báo "Paris-Presse" và trở thành biên tập viên của tờ báo này. Năm 1954 bà lấy ông Henry Richardson Labouisse, người Mỹ, cao uỷ Liên hợp quốc và là nhà ngoại giao. Bà đã chu du cùng  ông đến rất nhiều nơi trên thế giới, nhiệt tình ủng hộ ông trong việc giúp đỡ người tỵ nạn. Với tư cách Giám đốc UNICEF, ông đã nhận giải Nobel Hoà bình năm 1965, phần thưởng được trao cho tổ chức này. Khi đó ông đã đến Oslo cùng với vợ. Vậy là bà Ewa là thành viên tiếp theo của gia đình Curie có mặt trong lễ trao Nobel, nhưng lần này chỉ với tư cách người tháp tùng.

Nhà hoạt động xã hội trường thọ

Sau khi chồng chết, bà Ewa Curie sống ở New York. Bà mất năm 2007, hưởng thọ 102 tuổi. Sự trường thọ của bà cho thấy sự sống ngắn ngủi của các thành viên khác trong gia đình Curie có nguyên nhân ở việc họ phải làm việc nhiều năm trong môi trường hoá chất độc hại. Bà vô tình chọn cho mình con đường đi khác và bà đã sống lâu hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.