Chuyện 'tử tế' ở cửa biển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các 'chiến dịch' của Đoàn Thanh niên và nhiều tổ chức xã hội thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia dọn rác, đặc biệt là túi ni lông ở các cửa biển.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhờ vậy đã mang lại không khí trong lành cho nhiều vùng biển ở Việt Nam.

Các bãi biển thu hút đông khách du lịch cũng là những nơi mà con người xả rác nhiều nhất. Trừ một vài nơi có khu du lịch hoặc các resort, nhân viên được phân công dọn rác hằng ngày, đa số các bãi biển công cộng hầu như chỉ trông cậy vào đội quân tình nguyện này vào mỗi “mùa Hè xanh”. Một khi mùa Hè kết thúc, số thanh niên học sinh trở lại trường hoặc đi làm việc khác, rác ở những nơi đó được tái lập như cũ.

Cách đây 4 năm, nhóm thiện nguyện do một số nhà báo ở Quảng Ngãi chủ trương, được mang tên “Tử tế với Sa Cần” đã làm được một việc mà ngay cả những bô lão ở vùng biển này cũng khó tin. Đó là dọn sạch rác cho bãi biển ở đây.

Trải qua 400 ngày, nhóm thiện nguyện được người dân ở xã Bình Thạnh - nơi con sông Trà Bồng đổ ra cửa Sa Cần - hưởng ứng nhiệt tình đã mang lại sự trong lành cho cửa biển sau khi trăm nghìn tấn rác được mang đi tiêu hủy. Nhóm thiện nguyện cùng với lực lượng nhân công tại chỗ đã “khai quật” số rác lưu cữu dễ có đến hàng chục năm rồi, nằm sâu trong cát cả mét.

Tiếp tục công việc “thiện nguyện” của mình, nhóm các bạn trẻ này đã chuyển sang dọn rác ở các bãi biển khác như Sơn Mỹ, Sa Kỳ. Rác ở những nơi này cũng đã được đào xới và mang đi tiêu hủy. Sự trong lành đã trở lại ở các bãi biển, du khách không còn phải vừa tắm biển vừa “tránh” rác nằm bừa bộn trên khắp các lối đi.

Thế nhưng, những nơi vừa được dọn sạch ấy, ô nhiễm từ rác thải, đặc biệt là túi ni lông có dấu hiệu trở lại. Ở đảo Hòn Trà, ngay cửa Sa Cần bên phía xã Bình Đông, khi thủy triều rút xuống, rác bày la liệt ở khắp các ngõ ngách.

Vấn đề đặt ra ở câu chuyện “tử tế” này là làm sao đó để cho người dân tại các cửa sông, cửa biển ý thức được rằng, không nên tiếp tục biến cửa biển thành hố rác như lâu nay. Chỉ khi nào họ thấy được việc xả rác ấy vừa gây ô nhiễm môi trường lại vừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ qua việc con cá, con tôm bỏ đi nơi khác thì việc “tử tế” kia mới được bền lâu.

Như ở Cù Lao Chàm (Hội An) chẳng hạn. Khác với một số nơi, câu chuyện “tử tế” này được người dân ở đây duy trì đã 14 năm nay. Rác, nhất là túi ni lông đã không có cơ hội để tái lập do người dân ở hòn đảo này “nói không với túi ni lông” một cách triệt để.

Dân trên đảo mỗi lần đi chợ đều mang theo rổ nhựa hoặc lá để gói thực phẩm. Khách du lịch ra tham quan đảo cũng không được mang túi ni lông theo. Kết quả của việc “tử tế triệt để” này đã giúp cho san hô vùng biển quanh hòn đảo này phục hồi nhanh chóng. Con cá, con tôm cũng theo đó mà về “ngôi nhà san hô” của mình. Người dân đã hưởng lợi từ chính ý thức của mình về việc xả rác.

Rất mong tất cả các vùng biển của nước ta, đâu đâu cũng “tử tế” với biển như ở Cù Lao Chàm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.