Về đêm, Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ dưới những ánh đèn đủ màu sắc. Những ánh đèn nhấp nháy tựa như ngàn vạn ánh mắt đang cùng hòa vào bản tình ca tuyệt diệu của màn đêm phương Nam. Tuấn Hiệp hơi ngỡ ngàng, đây là lần đầu tiên anh mới có được ít phút thư thái sau bảy ngày đơn vị của anh tới thành phố này.
Gió từ phía đông thổi tới mang theo hơi biển mát rười rượi, Tuấn Hiệp nới cúc áo cho làn gió lùa vào cơ thể. Một cảm giác dễ chịu làm anh thấy sảng khoái và như khỏe lại sau một ngày cùng đồng đội đi khắp các con hẻm, các ngõ ngách của thành phố.
Quả là cũng hơi choáng bởi sự rộng lớn và chen chúc với “ma trận” những số nhà, số hẻm, số ngách. Đúng là những ngày đầu chưa quen nên Tuấn Hiệp thấy rối mù lên, chưa kịp nhận biết con hẻm này thì đã phải làm quen với những ngõ ngách chằng chịt tựa như những ô cờ trên một bàn cờ rộng lớn.
Gió lại đưa tới mát rượi, Tuấn Hiệp hơi ngửa đầu lên, ban đầu là định đón luồng gió biển nhưng rồi ánh mắt của anh chợt phát hiện ra một kỳ thú khác. Trên vòm trời mênh mang chi chít các vì sao là một vầng trăng sáng.
Vầng trăng nhìn khá gần và cũng khá to. “Trăng Sài gòn! Trăng Sài Gòn!”, Tuấn Hiệp khẽ reo lên những hai lần như chính anh vừa khám phá ra một điều kỳ diệu. Quả tình vầng trăng thật lung linh, ánh sáng của vầng trăng dường như không bị ngàn vạn ánh đèn thành phố chi phối mà trái lại nó lại càng tô điểm cho vầng trăng vẻ huyền ảo.
“Không hiểu giờ này ở nhà hai mẹ con đã ngủ chưa?”, giữa không gian kỳ ảo của màn trời đêm thành phố phương Nam bất chợt Tuấn Hiệp dấy lên nỗi nhớ nhà. Anh vẫn ngửa đầu nhìn vầng trăng nhưng trong lòng lại thấy đâu đây gương mặt bầu bĩnh của cô con gái lên bốn của mình, bé Huyền Nga.
Không hiểu sao lại có sự tình cờ đến trùng hợp như vậy, Huyền Nga là vầng trăng và đêm nay giữa thành phố xa lạ này, vầng trăng hiện lên thân gần như gương mặt cô con gái “rượu”.
Tuấn Hiệp thấy nôn nao, anh có vẻ xúc động. Đã hơn ba tháng nay anh chưa một lần về thăm nhà, chưa được về để ôm cô bé Huyền Nga bé bỏng vào lòng để rồi phải nhíu mày trả lời những câu hỏi thơ ngây của con bé.
Hơn ba tháng nay, tức là khi dịch bùng phát lần thứ tư cũng là thời gian đơn vị của anh được lệnh “cấm trại”. Toàn đơn vị được đặt vào trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ tham gia chống dịch và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Tổ quốc, cho mọi người.
* * *
Đơn vị của Đại úy Tuấn Hiệp được lệnh “Nam tiến”, thực ra là đơn vị được lệnh vào chi viện chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ đội là thế mà, có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng đã là thường trực, Đại úy Tiểu đoàn trưởng Vũ Tuấn Hiệp ban đầu nhận nhiệm vụ hơi ngỡ ngàng. Khi cấp trên đến giao nhiệm vụ và quán triệt nhiệm vụ cho đơn vị thì cánh lính trẻ ồ lên. Chính Tuấn Hiệp cũng cố ghìm tiếng “ồ” trong cổ họng.
Vào Nam chi viện chống dịch tưởng là làm nhiệm vụ của những người lính nghĩa là canh gác bảo vệ mục tiêu hay đại loại như thế. Nhưng không, nhiệm vụ của đơn vị là rất đơn giản, đó là “Đi chợ giúp dân và đưa đến từng nhà cho người dân”. Nghe dễ mà hóa ra cũng kho khó. Đàn ông con trai mà nhất là cánh lính trẻ xưa nay có “chàng” nào biết đến chợ búa.
Ngay Tuấn Hiệp cũng vậy, dù sinh ra và lớn lên ở phường Xuân Đỉnh, một làng quê xưa vốn ven đô nổi tiếng với giống hồng Xiêm mang tên làng Xuân Đỉnh, cũng lạ lẫm với hai từ “đi chợ”. Ngày bé ở nhà đã có mẹ, có chị gái đi chợ. Lấy vợ thì đã có vợ lo toan chợ búa, nay vào Nam chi viện chống dịch rồi còn chỉ huy điều hành anh em lính trẻ đi chợ nữa thì kể cũng chẳng dễ dàng gì.
Làng Xuân Đỉnh giờ đã lên phường nhưng thứ đặc sản hồng Xiêm thì vẫn mãi là đặc sản của người Xuân Đỉnh. Tới mùa thu, khi những thảm nắng vàng ươm nhuộm vàng vườn tược cũng là lúc những trái hồng Xiêm bắt đầu chín.
Dưới trời thu xôn xao những quả hồng Xiêm chín tỏa mùi thơm ngọt lịm. Ra vườn chọn quả đầu cành ngắt dâng lên ban thờ. Trước là cúng các vị tiên tổ và sau là con cháu thụ lộc.
Tuấn Hiệp nhắm mắt lại, anh mơ màng nhớ tới đĩa hồng Xiêm đã được mẹ anh gọt vỏ và bổ thành những miếng xinh xinh. Hồng Xiêm Xuân Đỉnh vỏ nâu xám nhưng bổ ra thì thịt bên trong có màu hồng đỏ. Ngon tươi là thế, thích nhất là đĩa hồng Xiêm cho lũ trẻ con phá cỗ trông trăng.
* * *
Có tiếng chuông điện thoại vang lên, vẻ như ngập ngừng. Tuấn Hiệp rời khỏi dòng suy tưởng, anh bước vào nhà với tay lấy chiếc điện thoại “Vợ gọi. Nhà có việc gì mà vợ gọi vào giờ này?”. Tuấn Hiệp chững lại vài giây để tự trấn an mình rồi mới cất tiếng hỏi run run “Thuận Châu à. Hai mẹ con ngủ chưa mà gọi giờ này?”.
Phía bên kia đầu dây giọng nói ngọt dịu quen thân của cô giáo Thuận Châu “Anh có khỏe không? Tự dưng bé Huyền Nga bảo muốn nghe bố nói. Con bảo muốn thấy hình của bố nữa. Chỉ cần nghe thấy, nhìn thấy chút chút thôi là con sẽ đi ngủ”. Tuấn Hiệp nhẹ người, anh cười vui “Gọi video nhé. Bố cũng đang nhớ con gái lắm lắm”.
Màn hình bật sáng, gương mặt bụ bẫm của bé Huyền Nga hiện ra thật đáng yêu “Bố ơi. Con nhớ bố lắm. Bao giờ bố về với con?”. Tuấn Hiệp thấy cay cay sống mũi “Bố cũng nhớ con gái yêu lắm. Con ngoan nhớ nghe lời mẹ nhé”. Con bé Huyền Nga ngúng nguẩy cái đầu “Con ngoan mà. Con vâng lời mẹ mà”.
Tuấn Hiệp ghé miệng vào màn hình, anh “chụt chụt” mấy cái làm bé Huyền Nga cười ríc ríc. Con bé cũng làm theo, nó cũng cái ghé miệng bé xinh của mình “chụt chụt” vào màn hình. “Bố ơi”, Tuấn Hiệp vội hỏi “Con gái bố định nói gì?”.
Con bé Huyền Nga vẻ lưỡng lự, nó mím môi một lát rồi nói nhỏ “Sắp Trung thu rồi. Mẹ bảo Trung thu sẽ có trăng tròn như mặt em bé ấy bố ạ”. Nghe con bé nói thế Tuấn Hiệp thấy xúc động, đúng là không có sự tình cờ mà chỉ có sự mách bảo của sợi dây linh cảm.
Đúng là anh vừa ngắm vầng trăng sáng trên bầu trời thành phố phương Nam và liên tưởng đến con gái xong. Sợi dây linh cảm dường như đã đánh thức trong lòng con bé Huyền Nga những ý nghĩ muốn được nghe tiếng bố, muốn được thấy mặt bố.
* * *
Vầng trăng dường như đứng lại, cứ lơ lửng treo trên bầu trời thành phố. Vầng trăng đang nhẹ nhàng tỏa ánh sáng vàng vàng và mát dịu của mình như lời ru cho thành phố ngủ sau một ngày mọi người cùng căng mình chống dịch, sau một ngày những người lính trẻ hăm hở với công việc “đi chợ” của mình.
Cùng anh em “tay xách nách mang” đi bộ đưa đồ ăn đến từng nhà Tuấn Hiệp đã thấy quen quen. Hóa ra đi chợ không có gì là khó. Nhớ hôm nhận nhiệm vụ cánh lính trẻ chưa quay về trại mà còn tụm lại bàn tán sôi nổi.
“Thủ trưởng ơi – Một cậu có vẻ như được anh em cử làm đại diện thẳng thắn nói với Tuấn Hiệp - Thủ trưởng ơi, thủ trưởng đã có gia đình nên cho chúng em hỏi”. Tuấn Hiệp dừng chân bước, anh đứng lại lắng nghe “Các cậu định hỏi điều gì?”.
“Dạ. Vấn đề đi chợ ấy ạ. Thủ trưởng đã có gia đình nên việc đi chợ chắc cũng sơ sơ, chứ bọn em chưa biết là thế nào ạ?’. Tuấn Hiệp cười động viên “Tớ cũng hơn gì các cậu đâu. Đối với đi chợ khác gì “mù chữ”. Đấy, tớ nghĩ phải học thôi”.
Nghe Tuấn Hiệp trả lời vậy, cánh lính trẻ lập tức nhao nhao “Vâng đúng đấy ạ. Thủ trưởng có vợ rồi nhưng chưa biết đi chợ thì phải học. Bọn em cũng phải học để còn lấy vợ chứ. Mà này thủ trưởng ơi. Em tính dịp này là cơ hội cho anh em chúng mình”.
“Cơ hội?” Tuấn Hiệp chau mày “Vâng. Chứ thủ trưởng tính. Xưa nay việc đi chợ là chuyện của đàn bà con gái. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi. Đàn ông con trai cũng phải biết đi chợ. Đi chợ giỏi. Nấu nướng giỏi là chị em mê tít. Em nghe nói: Muốn chinh phục chị em không gì hay hơn là “đánh vào” cái miệng của họ”.
Tuấn Hiệp phì cười “Đánh vào cái miệng của chị em?”. “Chứ lị - cậu lính đại diện vẻ dứt khoát – Cho chị em ăn miếng ăn ngon thì cái gì chị em cũng chiều”.
Nói xong cậu lính quay về phía anh em nói rõ to “Chúng mày ơi. Vào Nam chi viện chống dịch đợt này là “cơ hội vàng” cho tất cả chúng ta. Mà biết đâu đấy khi kết thúc nhiệm vụ lại có nhiều thằng không muốn trở ra Bắc đấy”. Tức thì nhao nhao “Nghĩa là gì. Là gì mà không muốn trở ra Bắc?”.
Cậu lính đại diện vẫy vẫy tay cho cánh lính xúm lại, cậu nói kiểu thầm thì quan trọng “Đi chợ khéo. Đưa tới nhà dân đúng địa chỉ và đúng nhu cầu. Tớ nói thật nhé: Con gái Sài Gòn mê trai Bắc đảm đang lắm. Sẽ có thằng “được yêu” nên chẳng muốn trở ra Bắc nữa. Muốn ở lại làm rể Sài Gòn thôi”.
* * *
“Đang nhớ em nào mà đực mặt ra thế?. Câu hỏi của Thuận Châu làm Tuấn Hiệp sực tỉnh. Anh vội trả lời “Còn em nào nữa?” Tuấn Hiệp cười vui “Chỉ nhớ mỗi cô giáo của anh thôi”. Im lặng, Tuấn Hiệp bồi hồi nhớ lại “buổi ban đầu”. Số là tối ấy. Cũng một tối trăng thu vàng rực.
Tối đó Liên chi đoàn đơn vị của Tuấn Hiệp và Liên chi đoàn khoa Văn Trường Đại học Sư phạm tổ chức giao lưu kết nghĩa. Toàn trai thanh gái lịch cả. Với tư cách là Bí thư Liên chi đoàn đơn vị nên Tuấn Hiệp phải “giơ đầu chịu báng”, nghĩa là anh phải thay mặt anh em để đứng ra cùng làm chủ trì buổi giao lưu.
Một buổi giao lưu diễn ra vui vẻ và nhiều ý nghĩa. Tan buổi, khi chia tay ra về, một cô giáo sinh tiến lại gần Tuấn Hiệp, cô nhoẻn cười rồi dúi vào tay anh một mẩu giấy nhỏ “Về nhà anh hãy xem nhé. Em chào anh”.
Chỉ có thế thôi, Đúng là gái Khoa Văn có khác, mạnh mẽ và dứt khoát. Thế thôi là Tuấn Hiệp đã có số điện thoại của cô giáo sinh có cái tên hay hay “Thuận Châu”. Từ đó họ thường gọi điện trao đổi, thì ra Thuận Châu là người Sơn La, cha mẹ cô đã chọn một cái tên địa danh của vùng đất Tây Bắc để đặt tên cho cô với mong muốn cô sẽ dịu dịu và xinh đẹp.
“Có chuyện này hay lắm. Có muốn nghe anh kể không?” Tuấn Hiệp hỏi. Phía bên kia cô giáo Thuận Châu phấn khởi ra mặt “Vâng. Anh kể đi”.
Hồi sáng nay khi cùng anh em đi đưa đồ cho từng nhà xong, vừa lúc quay đi thì Tuấn Hiệp nghe tiếng lí nhí trẻ thơ “Con chào chú bộ đội”. Anh dừng chân bước và nhận ra bên trong cánh cửa xếp có một cô bé đang đứng, cô bé thò tay qua khe cửa vẫy vẫy. Tuấn Hiệp lại gần, khoảng cách đủ để giãn cách và cũng đủ để hai chú cháu nói chuyện được với nhau.
Anh ngồi xuống “Chú bộ đội chào con”, cô bé cười bẽn lẽn, “Nhưng mà sao con không đeo khẩu trang như chú đây này?” Tuấn Hiệp chỉ tay vào cô bé. Cô bé vội nói “Con có đeo khẩu trang đấy chứ. Cơ mà con bỏ ra để chú bộ đội thấy mặt con. Chú bộ đội ơi. Chú thấy con có xinh không?”.
Tuấn Hiệp cười thành tiếng “Xinh. Rất xinh con ạ”. Cô bé cười khanh khách rồi đeo lại khẩu trang, cô bé nói nhỏ “Chú bộ đội ơi. Mẹ con bảo sắp tới Trung thu rồi mà ba con chưa thấy về. Con sợ ba con không kịp về con sẽ không có quà Trung thu”.
Nghe cô bé nói vậy Tuấn Hiệp chợt buồn lây, anh nghĩ tới bé Huyền Nga chắc cũng mong bố về để có quà Trung thu. “Thế ba con đi đâu?”. “Dạ ba con đi chống dịch lâu lắm chưa về. Ba con là bác sĩ chú bộ đội ạ”. “Đúng rồi. Ba con cũng như các chú đều đi chống dịch. Chống dịch để Trung thu này mọi trẻ em đều sẽ có quà”.
Anh đứng dậy nhưng lại ngồi xuống “Con ngoan nghe lời mẹ nhé. Chú sẽ mang quà Trung thu đến cho con. Nhớ nhé”. Cô bé gật gật đầu rồi quay người đi vào trong nhà miệng với lại câu chào “Con chào chú bộ đội”.
“Con bé đáng yêu như bé Huyền Nga nhà mình ấy – Tuấn Hiệp nói, giọng hơi nghèn nghẹn - Dịch dã làm bọn trẻ thiệt thòi. Mấy ngày nữa anh sẽ quay lại nhà cô bé để hỏi rõ địa chỉ. Em sẽ gửi Hồng Xiêm Xuân Đỉnh vào làm quà cho con bé nhé”. Thuận Châu mím môi để giấu nỗi xúc động “Vâng có địa chỉ là em sẽ gửi ngay. Trung thu này con bé chắc rất vui”.
Tuấn Hiệp vui trở lại “Chắc chắn rồi. Giờ em chuyển máy cho con để anh nói với con”. Từ đầu máy bên kia cô bé Huyền Nga mặt tươi roi rói. Tuấn Hiệp hơi cúi xuống tựa như đang ngồi trước mặt con “Con ngoan. Giờ con nghe lời bố, nghe lời mẹ lên giường ngủ nhé. Con ngủ đi để chị Hằng Nga còn xuống chơi với bé Huyền Nga chứ”.
“Vâng ạ” cô bé Huyền Nga ngoan ngoãn đáp, nó còn chúm chúm đôi môi xinh xinh “chụt chụt” mấy cái nữa rồi mới đưa máy cho mẹ. Đuôi mắt của Thuận Châu rơm rớm “Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Tuấn Hiệp hít một hơi dài “Rõ. Thưa đồng chí vợ. Hết dịch anh sẽ về”.