Tiếng là miền sông nước, nhưng vào mùa khô thì bà con làm ruộng cực khổ vô cùng. Những đợt nắng rát kéo dài, hầu như đêm nào bà con cũng phải kéo nhau ra đồng, tát nước từ kênh rạch vào ruộng cứu lấy những bờ lúa đang khô hạn do nắng hạn kéo dài. Thế nên nhà nào cũng trữ sẵn gàu sòng hoặc gàu dai, bởi mùa khô nào cũng cần dùng đến.
Gàu sòng thường làm bằng gỗ, xung quanh đan mành tre, trúc chẻ sợi rồi thoa lên đó dầu chai để chống mối, mọt thâm nhập và không cho nước thấm vào sẽ mau mục. Phía sau là một thanh tre để làm cán tát. Người tát phải thiết kế trụ đỡ 3 chân cắm xuống nền ruộng, chiếc gàu được điều khiển bằng tay đong đưa để lấy nước từ các kênh mương và đổ vào ruộng.
Gàu dai có kích thước lớn hơn, mỗi bên có 2 sợi dây thừng để tát, khi hoạt động phải có hai người đứng tát đối diện nhau, quan trọng nhất là cả hai phải đồng sức, tát cùng nhịp mới đỡ tốn sức mà kết quả mới cao. Tát gàu dai sẽ hiệu quả hơn gàu sòng rất nhiều.
Cực nhưng mà vui, tiếng cười nói râm ran cả ruộng đêm, át luôn những tiếng tát nước ì oạp. Chốc chốc, lại có ai đó hứng chí đổ vài câu vọng cổ, phổ biến nhất là bài “Tát nước đêm trăng”, cũng là bài tủ của cha tôi: “…Tát nước đêm trăng anh tát gàu vai, em tát bằng sa quạt. Vị mặn mồ hôi hòa tan trong nước là nhựa sống của màu xanh nuôi hạt giống no đồng…”. Tụi trẻ con chúng tôi chỉ ra hóng hớt, nghe lỏm những câu vọng cổ ngẫu hứng, rồi ăn ké khoai, bắp nướng, nghe các cụ già kể chuyện cổ tích, chuyện đời xưa hay những truyền thuyết về xứ Đồng Tháp này thuở khai hoang…
Bây giờ hiện đại, bà con nông dân có hệ thống thủy lợi và máy bơm đưa nước vào đồng ruộng. Những cảnh tát nước đêm trăng không còn. Cha mẹ tôi cũng đã quá già và thôi nghề nông từ lâu. Mỗi lần về thăm hai cụ, tôi lại ra ngắm chiếc gàu dai cũ kỹ vẫn cất sau nhà, như một kỷ niệm khó quên của cuộc sống khó nhọc mà đầm ấm năm nào.