Theo đánh giá lịch sử, thời Lê sơ (1428 - 1527) nước ta thịnh trị, trong ngoài đều tương đối yên ổn, nhân tài nở rộ, kẻ sĩ đua tranh bảng vàng nơi cửa Khổng sân Trình. Ngô Toàn An và Ngô Hoán – 2 vị Bảng nhãn nhưng có số phận hoàn toàn khác nhau.
“Lính nhỏ” thi đỗ Bảng nhãn
Nguyễn Toàn An sinh khoảng năm 1450, quê huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Bảng nhãn năm 1472 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Hiện nay, có rất ít thông tin chính sử ghi chép về thân thế sự nghiệp của vị Bảng nhãn này, bởi cuộc đời ông tương đối ngắn ngủi.
Chuyện rằng, vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Đại Việt thanh bình, vua Thánh Tông lại là vị minh quân hiếm có. Ngoài thì bình Chiêm mở mang bờ cõi, trong thì sửa sang cải cách nội trị, nên dân giàu nước mạnh, an lạc hoan ca.
Vua cũng là người yêu mến các tài năng và có đam mê với văn chương thi phú. Thế nên, vua lập ra hội Tao Đàn quy tụ 28 người văn chương lỗi lạc nhất thời bấy giờ, gọi là Nhị thập bát tú (28 vì tinh tú của văn học trời Nam) do vua làm nguyên súy.
Những lúc rảnh rỗi, họ cùng nhau xướng họa ngâm vịnh thơ ca, rồi bình phẩm, chắt lọc bài hay ghi chép cho đời. Vào một đêm Trung thu trăng mờ, vua Thánh Tông cùng các đại thần mở tiệc rượu để vua tôi cùng nhau xướng họa văn chương, đàm đạo thơ phú. Nhân cảnh đêm rằm mây đen che phủ, nhà vua bèn đặt cuộc thi thơ với đầu đề là: Đêm Trung thu không trăng.
Thế là cả vua lẫn các quan đều trải giấy, cầm bút suy nghĩ để tìm ý thơ hay nhất. Thấy mọi người chăm chú làm bài, một người lính hầu trẻ tuổi đã đánh bạo qùy xuống xin được làm mấy câu thơ về chủ đề này.
Các đại thần có mặt trong cuộc thi đều biểu lộ sự ngạc nhiên, vua Thánh Tông cũng bất ngờ nhưng vẫn truyền mang giấy bút đưa cho người lính đua tài cho cuộc thi thêm phần thú vị. Lúc dâng lên, tuy chỉ là bài thơ của một lính hầu viết trên giấy xấu, nhưng vua Thánh Tông rất trân trọng đọc kỹ từng câu rồi cười rạng rỡ, khen ngợi: Thật không ngờ, chú lính nhỏ mà tài năng không nhỏ. Bài này đáng liệt vào hàng tuyệt tác, lưu vào thi tập.
Vua cất giọng đọc thơ, tỏ vẻ tâm đắc với hai câu kết của nó vì chứa chí khí cao vời của chú lính: “Mạc bả kim phiên nhàn kiến nguyệt/Lai thu vọng nguyệt, nguyệt di cao”. Nghĩa là: “Trăng nay chớ có xem thường/Thu sau trăng sáng như gương giữa trời”.
Bấy giờ các vị văn thần đều kinh ngạc, không ai còn có thái độ coi thường người lính nữa. Vua Lê Thánh Tông truyền hỏi thì được biết người lính đó tên là Nguyễn Toàn An, quê ở huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay là thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). An phải sung quân theo sổ đinh của làng, được chọn vào cung làm tạp dịch dọn cỏ, chăm sóc ngự viện. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vẫn chăm chỉ đèn sách.
Vua rất khen ngợi bèn cho người lính đó về quê học tập thêm nhưng vẫn được hưởng lương lính, ngoài ra vua còn cấp cho một ít tiền làm lộ phí đi đường. Nguyễn Toàn An vui mừng tạ ơn rồi trở về quê dốc chí học hành. Không lâu sau, trong khoa thi năm Nhâm Thìn (1472), Nguyễn Toàn An xếp ở vị trí thứ 2, đoạt bảng vàng Tam khôi với danh hiệu Bảng nhãn khi mới 22 tuổi.
Theo ghi chép, sau khi đỗ đạt Nguyễn Toàn An lấy vợ và làm quan một thời gian ngắn thì người mẹ qua đời. Luật lệ thời ấy khắc nghiệt, cha mẹ mất thì con trai phải để tang 3 năm, gọi là Trảm Thôi. Trong 3 năm tuyệt đối không được gần gũi vợ, vợ không được thụ thai.
Nguyễn Toàn An thực hiện trọn vẹn những điều ấy, nhưng sau 3 năm cũng là lúc ông lâm trọng bệnh và qua đời.
Văn tài sớm lặn, không người kế nghiệp. Vua Lê Thánh Tông nhận ra luật lệ hà khắc và phi lý nên khi soạn bộ “Hồng Đức quốc triều hình luật” đã xóa bỏ điều này.
Bảng nhãn sung quân làm lính
Cùng quê Hải Dương, có Ngô Hoán ở xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm, nay thuộc Nam Hồng, huyện Nam Sách đỗ Bảng nhãn khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức (1490). Ông được tuyển vào Đông các làm chức Hiệu thư, có dự Tao Đàn nhị thập bát tú. Làm quan trải bốn triều tới chức Thượng thư bộ Lại.
Ngô Hoán đứng hàng thứ hai danh hiệu Tam khôi ở tuổi 31. Sách “Thiên Nam sự tích” chép rằng, lúc Ngô Hoán đi thi hội và thi đình, khi qua sông (Uông), thấy dòng sông cạn và hẹp, có thể bắc cầu được, ông bèn vái thần sông rằng: “Nguyền được đỗ cao, xin bắc cầu để đền ơn”. Quả nhiên kỳ thi ấy ông đỗ Bảng nhãn, nhưng lại quên bẵng việc bắc cầu như lời đã hẹn.
Khi ông phò vua Lê Chiêu Tông, thế lực họ Mạc sai người đi tìm bắt được hai người con của ông để giết đi. Nhưng sau lại sai người phi ngựa truyền tha không giết nữa. Ngặt nỗi người đưa tin phi ngựa tới khúc sông ngày trước Ngô Hoán đã qua, gặp lúc trời tối không qua được đành chờ đến sáng hôm sau. Bởi vậy mà việc tha chết bị trễ, hai con ông mất mạng.
Ngô Hoán được đánh giá có tiếng về văn từ, được vua Lê Thánh Tông phong làm Sái phu (Phu quét dọn - nghĩa là sửa chữa, tuyển chọn thơ văn của hội Tao Đàn), đứng hàng thứ tư trong 28 học sĩ của hội Tao Đàn. Những thư từ ông viết có mặt trong “Minh lương cẩm tú” và tập “Quỳnh uyên cửu ca”.
Tuy nhiên, ông lại dính vào một vụ án xảy ra vào năm Canh Thân (1500), theo “Công dư tiệp ký” có lược qua rằng: “Trong khoảng niên hiệu Cảnh Thống, ông bị tội phải đi sung quân”.
“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại rằng: “Biếm Đông các Hiệu thư Ngô Hoán, sung làm quân ở bản phủ vì tội đem việc trong triều nói với người ngoài”.
Tội này của Ngô Hoán, xét trong “Quốc triều hình luật” hoặc những sắc lệnh của vua Lê đã có quy định rõ ràng mức tội cho việc giao thiệp với người ngoài, làm lộ việc nước có thể phải bị chém. Điều 20 Chương Vi chế quy định nghiêm ngặt: “Những người tiết lộ những việc đại sự cần giữ bí mật, thì xử tội chém”.
Sự việc Ngô Hoán bị biếm chức, sung quân làm lính có thể là một sự gia ân của vua Lê trước tài năng văn chương hiếm có, để ông lập công chuộc tội.
Trở lại quan trường
Khoảng sau một năm sung quân, tức năm Tân Dậu (1501), triều đình lại tổ chức kỳ thi hương. Dù trước đây là Bảng nhãn dưới triều Hồng Đức, nhưng bị tội mà bãi chức làm lính, Ngô Hoán lại tiếp tục đi thi và đỗ tam trường, nhưng không được cho vào tứ trường bởi tội đã phạm trước đó.
Được thi đỗ lần hai nhưng sử sách không cho biết sau đó Ngô Hoán có được làm chức gì trong triều hay không. Đến năm Ất Sửu (1505) khi Lê Tuấn lên ngôi hoàng đế, tức vua Lê Uy Mục - vị vua này tiếc tài nên “khởi phục Ngô Hoán làm Hiến sát sứ Thanh Hoa”.
Cuối năm Đoan Khánh thứ 5 (1509) Giản Tu công Lê Oanh (tức Lê Tương Dực) lên ngôi, đổi niên hiệu thành Hồng Thuận năm thứ 1. Ngô Hoán được vua chọn làm Tán trị thừa tuyên sứ ty thừa tuyên sứ Thanh Hoa, ít lâu sau trao cho chức Lễ bộ Thượng thư.
Tháng 10 năm Quang Thiệu 3 (1518) vua Lê Chiêu Tông sai ông cùng Nguyễn Thì Ung, Nguyễn Nghiễm, Lê Ý sang tuế cống nhà Minh và xin phong, nhưng vì trong nước còn loạn, nên không đi được.
Tháng 8 năm Quang Thiệu thứ 7 (1522), Mạc Đăng Dung lập hoàng đệ Lê Xuân lên làm vua, tức là Lê Cung Hoàng. Năm sau, nhân danh vua mới tuyên bố phế truất Chiêu Tông, và dần thâu tóm quyền lực trong tay. Năm 1927, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương.
Nhưng mấy tháng sau, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép vua nhường ngôi. Theo một số nguồn sử liệu, Lại bộ Thượng thư Vũ Duệ, Lại bộ Thượng thư Ngô Hoán cùng với môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo vua Lê Chiêu Tông. Khi đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng rồi tự vẫn cả.
Khi triều Lê được khôi phục, Ngô Hoán được truy phong là Suy trung công thần, gia phong ông là Phúc thần. Nhân dân Thượng Đáp đã lập đền thờ ở phía Tây thôn này, gọi là từ vũ Thượng Đáp, vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) thời Lê Hy Tông.
Từ vũ này được trùng tu vào các năm 1889 và 1929, xây theo hình chữ nhị. Trong từ vũ còn có nhiều câu đối đại tự, bi ký ca ngợi công lao của ông với đất nước. Năm 1991, từ vũ Thượng Đáp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.