Chuyện 'quy hoạch' trồng cây thời xưa

GD&TĐ - Thời xưa, kinh thành Thăng Long đã được quy hoạch từng loại cây trồng ở từng con đường hay phố phường khác nhau để tạo điểm nhấn.

Rặng duối cổ làng Đường Lâm. Ảnh minh họa.
Rặng duối cổ làng Đường Lâm. Ảnh minh họa.

Như ở phía Bắc kinh thành, hiện nay có một con phố tên là Hòe Nhai, bắt nguồn từ tên đường Hòe Nhai thời xưa nối từ Hoàng thành ra bến Đông Bộ Đầu trên sông Hồng. “Hòe Nhai”, chữ Hán nghĩa là con đường trồng hòe. Sử sách ghi rằng từ thời Lý, có lệ quy định các quan ở kinh đô mỗi người phải đem trồng một cây hòe trên con đường này, từ đó thành tên đường.

Hiện không còn tài liệu nào cho biết vì sao cây được chọn trồng lại là cây hòe. Tuy nhiên thời xưa, cây hòe là hình ảnh tượng trưng cho sự đỗ đạt, hiển vinh. Sân chầu của nhà vua thường trồng cây hòe.

Ngoài ra, ngoại thành Hà Nội ngày nay vẫn những con đường mang tên cây như đường Liễu Giai (trồng cây liễu) hay Núi Trúc (trồng cây trúc), nhưng không có sự tích ghi rằng các loại cây này được trồng vì lý do gì.

Đến thời Lê, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế vừa được một năm (năm 1429), vua Lê Thái Tổ đã ra chỉ dụ bắt nhà các quan phải trồng cây, trồng hoa. Bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Cho đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng hiện nay đất của các công hầu, bách quan đã có phần nhất định đều phải trồng cây, trồng hoa, không được bỏ hoang…”. Đây cũng là biện pháp để khôi phục lại vẻ đẹp của kinh thành Thăng Long bị tàn phá sau cuộc chiến tranh khốc liệt với quân xâm lược.

Quanh khu vực Hà Nội, khá nhiều rặng cây cổ thụ có tuổi đời lên đến vài trăm năm, cho thấy thời xưa đã có quan niệm về việc quy hoạch cây trồng theo cụm, như rặng duối ở bên ngoài làng Đường Lâm (Sơn Tây), mà truyền thuyết địa phương kể rằng đây là nơi vua Ngô Quyền buộc voi chiến từ thế kỷ thứ X. Hoặc ở xung quanh đền Voi Phục, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, nơi thờ hoàng tử Linh Lang thời Lý, hiện nay vẫn còn một dãy cây muỗm có tuổi đời trên 1.000 năm.

Thời chiến tranh Lê - Mạc, “Toàn thư” cho biết: “Tháng 2 năm 1587, họ Mạc hạ lệnh cho các xứ trong nước phải đắp lũy đất và trồng tre, trên từ sông Hát (sông Đáy), đến sông Hòa Đình huyện Sơn Minh (vùng Ứng Hòa ngày nay) dài vài trăm dặm, để đề phòng quan quân (nhà Lê) đến”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sử nhà Nguyễn, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” bổ sung rằng, trên suốt dải lũy vài trăm dặm này, nhà Mạc bắt “đâu đấy đều trồng tre và cây để phòng ngừa quan quân kéo ra”.

Sang đến thời Nguyễn, vào mùa Đông năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua đã hạ lệnh cho các địa phương từ Nghệ An đến Bắc Thành khuyên bảo dân trồng cây, trong đó có những chỉ dẫn cụ thể về việc trồng loại cây gì ở đâu.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” chép lại lời vua Minh Mạng dụ Nội các rằng: “Trẫm từ thân cầm chính quyền đến nay, thường để ý mở nguồn lợi để cho dân được sung túc, đã từng ra lệnh cho trong ngoài kinh thành trồng các cây có tiếng như cây nam mai và cây mít ở khắp nơi, đại khái những cây ấy đã thành cây gỗ dùng được. Nên phải truyền chỉ cho từ Nghệ An trở ra các quan sở tại phải sức khắp cho quân, dân ở trong thành và hai bên đường cái quan thì trồng cây mít, ở bờ đê ven sông thì trồng cây liễu.

Và, thường phải vun bón bảo vệ cho cây được lớn, đề phòng dùng vào việc công. Hạn trong 3 năm, cứ số cây hiện đã trồng, kê thành sách tâu lên. Nên thong thả mà khuyên bảo, đừng đốc thúc khẩn cấp mà hại cho dân”.

Tục trồng cây của vua và các quan nhà Nguyễn còn lưu lại tại rừng thông quanh đàn Nam Giao, là đàn tế trời đất ở Huế hiện nay.

Cũng theo “Đại Nam thực lục”, mùa Xuân, tháng 3/1834, vua Minh Mạng đã tự tay trồng 10 cây thông ở hai bên phải trái Trai cung (nơi vua nghỉ ngơi, trai giới cho thanh tịnh trước khi đăng đàn tế lễ), cạnh đàn Nam Giao, rồi treo biển đồng khắc bài minh do vua ngự chế lên cây để truyền lâu dài, sau đó còn sai các hoàng tử đều tự tay trồng thông quanh đường vua ngự.

Đến đời vua Thiệu Trị cũng noi gương ấy, vua đích thân trồng 11 cây thông ở đàn Nam Giao. Các hoàng thân quốc thích cũng như đại thần được vinh dự trồng mỗi người một cây thông quanh đàn Nam Giao, trên cây có buộc thẻ bài khắc họ tên mình.

Sang đời vua Tự Đức, quyền được trồng thông tại khu vực Nam Giao nới rộng tới quan văn tứ phẩm lẫn quan võ tam phẩm. Rừng thông Nam Giao vì vậy cũng mở rộng.

Từ đời Tự Đức đến đời Hàm Nghi, triều đình nhà Nguyễn quy định mỗi vị quan vào triều diện kiến nhà vua để được thăng chức nâng bậc, ngay sau đó phải lên đàn Nam Giao để tự tay trồng một cây thông với sự chứng kiến của phái đoàn đặc biệt gồm các thành viên đại diện bộ Lễ và bộ Công. Nếu không may cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế. Nhờ đó, rừng thông ở quanh khu vực Nam Giao vẫn còn xanh tốt đến ngày nay.

Điều đặc biệt, triều đình phong kiến Trung Quốc cũng từng muốn lấy giống cây nước Việt ta sang trồng, nhưng không được.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, thời Trần Phế Đế, năm 1386, do có nội nhân là Nguyễn Tông Đạo nói rằng hoa quả phương Nam có nhiều giống ngon, vua Minh Thái Tổ đã sai Lâm Bột sang xin nước ta các giống cây cau, vải, mít và nhãn. Vua Trần sai Viên ngoại lang là Phạm Đình đem các giống cây này sang nước Minh, nhưng các cây ấy đều không chịu được khí hậu giá rét ở phương Bắc, nên đi được nửa đường đều chết khô cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.