Quan thời xưa bao nhiêu lâu được thăng bổ?

GD&TĐ - Thời xưa, có những viên quan nhờ tài năng được thăng chức rất nhanh.

Các quan triều Nguyễn hành lễ trước Điện Thái Hòa. Ảnh: TL.
Các quan triều Nguyễn hành lễ trước Điện Thái Hòa. Ảnh: TL.

Như học trò Đoàn Nhữ Hài do lọt vào mắt xanh của vua Trần Anh Tông mà được thăng lên đến chức Ngự sử trung tán khi vẫn bị chê là “miệng còn hơi sữa”. Nhưng đa số các quan phải đợi cả đến 10 năm mới có một lần thăng bổ.

Như thời Lý, thời hạn thăng chức là 9 năm. Thời Trần, thời hạn này còn lên tới tận 15 năm. Sang đến thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông ban hành quy chế cũng phải 9 - 10 năm mới xét tài đức, lỗi lầm của các quan để thăng hay giáng chức.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, thời Lý Anh Tông, tháng 2 năm Đại Định thứ 23 (1162), nhà vua bắt đầu cho khảo khóa các quan văn, võ, người nào đủ niên hạn khảo mà không có lỗi thì thăng trật, định làm phép thường, cứ 9 năm là một kỳ khảo.

Thời Trần, vào tháng 3 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 (1246), vua Trần Thái Tông mới bắt đầu xét lý lịch quan văn, quan võ trong triều và ngoài các lộ.

Bộ sử triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: “Bấy giờ trong nước thái bình vô sự, nhân dân yên vui. Người làm quan chức nào cứ giữ mãi chức ấy.

Theo thể lệ, cứ 15 năm mới xét lý lịch một lần: Ai làm việc 10 năm sẽ được thăng tước một cấp; làm việc 15 năm sẽ được thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết, thì đem người chánh kiêm làm công việc người phó; nếu chánh phó đều khuyết, thì đem viên quan ở ngạch khác kiêm quản sang, đợi khi nào xét thấy đủ niên hạn mới thực bổ đúng với chức vụ của mình.

Ai làm quan ở quán, ở các thì mười năm sẽ được thăng hoặc thuyên chuyển; ai làm quan ở sảnh, ở cung thì 15 năm sẽ được thăng hoặc thuyên chuyển. Còn về chức tể tướng thì chọn những người trong họ tôn thất lấy người nào hiền tài, có đức hạnh, biết lục nghệ và thông hiểu kinh Thi, kinh Thư để bổ dụng”.

Khi đọc sử đến đoạn này, vua Tự Đức đã dùng son phê vào cuốn sách rằng: “Nói quá đáng, không đủ tin (ý nhà vua không tin chuyện thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui)”. Nhà vua bình luận thêm về thời hạn 15 năm mới xét thăng giảm quan chức rằng: “Vả lại, định niên hạn quá lâu, như thế không khỏi làm cho người ta phàn nàn về việc phải chìm đắm mãi ở chức dưới”.

Đến tháng 7/1246, vua Trần Thái Tông mới định niên hạn thi “đại tị” cho các quan. Theo sách Chu lễ, những người giữ chức khanh, đại phu, cứ 3 năm một lần đại ti, để xét về đức hạnh, đạo nghệ, người nào hiền tài thì được cất nhắc. Đời sau gọi khoa thi Hương ở các tỉnh là “đại tị”. Bấy giờ nhà Trần thi đại tị chưa định niên hạn, nên đến lúc này mới chuẩn định 7 năm một lần thi. Việc định niên hạn về khoa thi bắt đầu từ đấy.

Sang thời Lê, năm 1478, trong giai đoạn niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông, nhà vua quy định niên hạn xem xét thăng giảm chức vụ với các lại viên như sau: Làm án lại ở trực Kim Quang điện cùng hai vệ Cẩm y và Kim ngô hay ty Đình úy, phải 8 năm; làm triều đường lại, phải 9 năm; làm lại ở bốn bộ Lại, Hộ, Binh, Hình cùng các tòa Đông các học sĩ, Ngự sử đài, ba khoa Hộ, Binh, Hình, đều phải 10 năm.

Làm lại sử ở các nha môn gồm các ty Thần võ, Hiệu lực, Điện tiền, Ngũ phủ, Đề lĩnh, hai bộ Lễ và Công, viện Hàn lâm, Sử quán, các khoa Lại, Lễ và Công, sáu tự, Kim Quang môn đãi chiếu, ty Thông chính sứ, Nội vụ giám, Ngự dụng giám, đều phải 11 năm.

Những người kể trên lại phải làm việc luôn ba năm trong một ban mà đều không phạm lỗi mới được sung vào hạng lại sử ở các nha môn bổ dụng người có xuất thân.

Còn như người nào thi hội đã trúng được một, hai, ba kỳ thì viên quan có trách nhiệm liệu xét tài năng của họ mà tiến cử, sẽ chiếu theo thể lệ để cất nhắc, không câu nệ niên hạn.

Còn trong kinh thành, lại sử ở các nha môn bổ dụng người không có xuất thân, thì bắt đầu sung làm thông lại, làm việc 6 năm sung làm đề lại, làm việc 3 năm nữa thăng sung đô lại ở nha môn bổ dụng người có xuất thân.

Đến năm 1488, vua Lê Thánh Tông tiếp tục ban lệ khảo khóa, quy định cụ thể thời hạn là 3 năm sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo, rồi mới làm việc thăng - giáng. Trong 9 năm đã lấy công khác được thăng trật, đến khi khảo lại xứng chức đáng được thăng đến nhị phẩm trở lên, thì Bộ Lại làm bản tâu lên xin chỉ của vua, còn tam phẩm trở xuống thì cứ theo lệ mà thi hành.

Kỳ hạn khảo hạch quan lại tân 9 năm kéo dài suốt thời Lê Trung hưng, sang thời Nguyễn, như vua Tự Đức phê bình là “quá lâu”, mới rút ngắn xuống còn 3 năm một lần, gọi là kỳ “khảo tích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ