Không chỉ giúp giảm áp lực cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, phương pháp này còn nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức của học sinh, góp phần hiện đại hóa mô hình giáo dục tại các trường học trên địa bàn.
Những tiết học sinh động
Ngày đầu tháng 11/2024, tại tiết học Toán của lớp 1/5, Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), không khí lớp học trở nên sôi động khi giáo viên áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Với bài học số 8, chủ đề “Các số đến 10”, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo đã biến tiết học thành một chuyến tham quan sở thú đầy thú vị qua các nhân vật hoạt hình.
Trước đây nhiều người lo ngại công nghệ thông tin, đặc biệt AI phát triển sẽ dần thay thế vai trò của giáo viên dẫn đến tâm lý e dè khi áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đây là một trong những công cụ đắc lực phục vụ giảng dạy, trong đó phương thức sử dụng và mức độ sử dụng thế nào phụ thuộc vào mỗi giáo viên. Nói cách khác, AI không thay thế giáo viên, nhưng người thầy phải thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục. - Ông Nguyễn Sơn Hải (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT)
Mở đầu, học sinh được xem video giới thiệu các loài động vật, kết hợp với bài học về các con số do cô giáo sử dụng công nghệ AI để tạo nội dung. Tiếp đó, cả lớp cùng vận động theo bài hát sôi động “1, 2, 3 ta cùng đếm”
Trong phần khám phá, học sinh thực hành với bộ đồ dùng để lập số 8 và tham gia trò chơi kéo thả số trên bảng tương tác, sử dụng phần mềm Ispring Suite để đếm và đọc số.
Cô Thảo chia sẻ: “Ban giám hiệu luôn khuyến khích giáo viên đổi mới qua các chương trình, cuộc thi. Nhờ các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ, tôi cùng đồng nghiệp dễ dàng sáng tạo những bài giảng thú vị, phù hợp với học sinh. Trong quá trình soạn bài, mỗi giáo viên còn chủ động tìm hiểu, áp dụng công cụ công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Tương tự, trong tháng 10/2024, một tiết học Địa lý tại lớp 12A16, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), cũng ghi nhận không khí học tập sôi động. Bài “Thực hành sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam” được tổ chức tại lớp học Google, nơi mỗi học sinh đều sử dụng Chromebook (máy tính xách tay dùng hệ điều hành Chrome OS của Google).
Cô Lê Thị Hương, giáo viên môn Địa lý, chia lớp thành các nhóm nhỏ, hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ Google để tạo ra các sản phẩm như bộ ảnh, video… Nhờ đó, cô có thể quan sát quá trình làm việc của từng thành viên mà không cần di chuyển nhiều.
Theo cô Hương, lớp học Google giúp học sinh thao tác hoàn toàn trên máy tính, các thành viên trong nhóm cùng chỉnh sửa và đóng góp ý kiến trực tiếp. Khi sản phẩm hoàn thành, các nhóm khác có thể theo dõi và đánh giá.
“Khác với lớp học truyền thống, các sản phẩm được lưu trữ trên hệ thống online, học sinh có thể truy cập ôn bài bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ tạo hứng thú mà còn tăng cường khả năng hợp tác, sáng tạo của học sinh”, cô Hương chia sẻ.
Học sinh, giáo viên đều “lợi”
Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Phú Nhuận triển khai lớp học số Google nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số. Nhà trường ưu tiên tổ chức cho khối 10 với thời lượng 2 tiết/tuần, trong khi các khối 11 và 12 được điều chỉnh theo đăng ký của giáo viên.
Cô Hương cho biết thêm, việc chuẩn bị cho một tiết học Google đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, lợi ích mang lại rất lớn. Học sinh vừa tiếp thu kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng công nghệ và tăng cường tương tác.
Ứng dụng công nghệ giúp giáo viên giảm áp lực, đồng thời khuyến khích học sinh sáng tạo và tự học. Vai trò của giáo viên trong mô hình này là hướng dẫn, hỗ trợ học sinh sử dụng các công cụ số hiệu quả, trong khi sáng tạo vẫn là yếu tố chủ đạo của học sinh.
“Thực tế, việc đưa thiết bị, công nghệ vào trường học không phải là điều xa lạ hay mới mẻ đối với tôi và giáo viên trong trường. Tuy nhiên, khi thiết bị được đưa vào và sử dụng một cách bài bản, hệ thống trong lớp học số đã giúp giáo viên quản lý được học sinh trong tương tác trên môi trường số.
Đặc biệt, qua tài khoản Google, việc học của các em được diễn ra không hạn chế về không gian, thời gian. Chương trình GDPT 2018 trao quyền cho thầy cô chủ động trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Với lớp học số, việc dạy và học của giáo viên, học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn.
Giáo viên sẽ phát huy được tối đa sự chủ động này của mình, sáng tạo hơn nữa trong phương pháp dạy học để mang đến các giờ học thú vị, sinh động cho học sinh”, cô Hương cho hay.
Tương tự, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) là đơn vị tiên phong triển khai lớp học số thông minh từ năm học 2023 - 2024. Theo cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng nhà trường, hệ sinh thái giáo dục bao gồm các phần mềm và kho học liệu 3D mô phỏng nội dung bài học. Nguồn tài nguyên này hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm áp lực và tối ưu hóa mọi khâu từ soạn bài, giảng dạy, tương tác đến đánh giá học sinh ngay trên nền tảng.
Không chỉ ở cấp THPT, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) cũng mạnh dạn triển khai lớp học số ở tất cả các môn học từ học kỳ II năm học 2023 - 2024. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau một năm áp dụng, giáo viên đã linh hoạt vận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giảng dạy, kiểm tra và đánh giá. Lớp học số tạo điều kiện để giáo viên tìm kiếm tài liệu, đổi mới phương pháp, khơi dậy hứng thú học tập ở học sinh. Đồng thời, các em chủ động hơn khi tham gia học tập từ chính tài khoản cá nhân.
Chú trọng trang bị kiến thức
Công nghệ số, đặc biệt là các công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến giáo dục. Theo cô Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), AI mang đến nhiều lợi ích cho giáo viên như hỗ trợ soạn bài giảng, tạo tài liệu học tập tương tác, và cải thiện trải nghiệm học tập của học sinh. Đồng thời, AI giúp học sinh tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn, tạo môi trường học linh hoạt và hiệu quả.
“Giáo viên của trường đã tham gia các buổi tập huấn từ Sở GD&ĐT TPHCM, Phòng GD&ĐT Quận 12 và nhà trường để soạn giảng bài E-learning. Đồng thời, thầy cô thường xuyên thực hành, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ.
Nhà trường cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp tài khoản học trực tuyến cho giáo viên và học sinh. Thực tế, học sinh rất nhanh nhạy và thích nghi tốt với phương pháp học hiện đại, trong khi phụ huynh cũng sẵn sàng hỗ trợ con em sử dụng thiết bị công nghệ”, cô Thoa chia sẻ.
Tại Trường THPT Phú Nhuận, thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, giáo viên được tập huấn kỹ lưỡng bởi các chuyên gia của Google để sử dụng linh hoạt các ứng dụng trong giảng dạy. Từ hè năm 2024, hơn 2.500 học sinh và toàn bộ giáo viên trường đã được cấp tài khoản Google và tham gia tập huấn.
“Tổ Tin học được giao nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên. Nhà trường hướng đến thay đổi thói quen dạy và học trên môi trường số, hình thành kỹ năng tự học và sử dụng công nghệ thông tin cho học sinh.
Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên mà còn giúp đổi mới giáo dục hiệu quả”, thầy Tuấn cho biết và thông tin thêm, với sự đầu tư bài bản về công nghệ và đào tạo, cả thầy cô và học sinh Trường THPT Phú Nhuận đều đang từng bước thích nghi và khai thác tối đa tiềm năng mà lớp học Google mang lại.
Ngành Giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng AI vào quản lý dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Cụ thể, theo Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2030” do UBND TPHCM ban hành, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, TPHCM thí điểm giảng dạy AI tại các trường phổ thông.
Ngoài ra, một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 do UBND TPHCM phê duyệt là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI. UBND TPHCM cũng yêu cầu đơn vị tiếp tục triển khai các đề án, đề tài về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng giáo viên dạy AI, Robotics... - Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM)