Ngành Giáo dục giữ vai trò nòng cốt phổ cập tri thức về chuyển đổi số

GD&TĐ - Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” là một trong những nhiệm vụ Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở với ngành Giáo dục.

Thầy trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ Tin học. Ảnh: Xuân Phú
Thầy trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ Tin học. Ảnh: Xuân Phú

Thể hiện tinh thần sẵn sàng với nhiệm vụ này, cơ sở giáo dục đồng thời chia sẻ những khó khăn, từ đó đề xuất giải pháp thực hiện.

“Đại sứ” số hóa

Khẳng định tính cấp thiết thực hiện “bình dân học vụ số”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng, ngành Giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong phong trào này. Lý do, trường học là nơi truyền đạt kiến thức cơ bản, bao gồm cả kỹ năng số; đảm bảo thế hệ trẻ, cũng như toàn dân được tiếp cận công nghệ mới.

Lực lượng học sinh, sinh viên, giáo viên đông đảo có thể là những “đại sứ” số hóa, lan tỏa tri thức về chuyển đổi số đến gia đình, cộng đồng. Giáo dục cần tích hợp chuyển đổi số vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh không chỉ sử dụng công nghệ, mà còn hiểu cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.

Trường THPT Võ Văn Kiệt đã tích hợp nội dung về chuyển đổi số trong các môn học, đặc biệt môn Tin học, Giáo dục công dân; đầu tư cơ sở hạ tầng như phòng học thông minh, máy tính kết nối Internet, ứng dụng các nền tảng học trực tuyến. Nhà trường đồng thời tổ chức các khóa học kỹ năng số ngắn hạn; phát triển “Đại sứ số” từ học sinh; khuyến khích người học tham gia Ngày hội chuyển đổi số, các cuộc thi lập trình hoặc giải pháp sáng tạo ứng dụng công nghệ.

Với giáo viên, thầy cô được tập huấn, đào tạo chuyên sâu, phát triển năng lực chuyên môn về công nghệ; được trao đổi, học hỏi trong cộng đồng học tập trực tuyến… Nhà trường cũng phối hợp mở các lớp hướng dẫn kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số cho cha mẹ học sinh và người dân trong khu vực.

“Khó khăn của nhà trường là chưa đủ điều kiện để đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ dạy - học; một số học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Nội dung giảng dạy về chuyển đổi số chưa được chuẩn hóa, còn phân tán. Trường còn thiếu giáo viên có chuyên môn sâu về công nghệ”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang chia sẻ.

Những năm qua, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, phần mềm, nhà trường triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên ứng dụng chuyển đổi số trong soạn, giảng giáo án điện tử; tìm giải pháp ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số phục vụ dạy học, giáo dục; triển khai ứng dụng CNTT trong quản trị…

Cho biết ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã đem lại thay đổi tích cực, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục học sinh kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị CNTT, mạng xã hội lành mạnh, an toàn. Đối với cộng đồng, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh là một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên sử dụng các tiện ích của chuyển đổi số trong đời sống…

Thầy Nguyễn Tiến Dũng đồng thời nhắc đến các khó khăn hiện hữu như cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng CNTT sau thời gian sử dụng đã cũ hỏng, tốc độ đường truyền Internet có lúc chưa đảm bảo. Một số giáo viên chưa thành thạo, ngại ứng dụng CNTT trong công việc. Cha mẹ chưa quản lý hiệu quả học sinh sử dụng máy tính, điện thoại di động dẫn đến một số ảnh hưởng tiêu cực.

Với Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế), theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, hằng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý và công tác chuyển đổi số. Qua đó yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới nhất về CNTT, chuyển đổi số trong dạy - học tại trường.

Bên cạnh đó, nhà trường phát động các cuộc thi trực tuyến trên nền tảng số do tỉnh tổ chức; phối hợp tổ chức đợt tập huấn về chuyển đổi số cho giáo viên, học sinh... Khó khăn trong công tác này của nhà trường là sự phối hợp của một số phụ huynh chưa tốt; trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số của học sinh chưa đảm bảo…

nganh-giao-duc-giu-vai-tro-nong-cot-5069.jpg
Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) tích hợp nội dung về chuyển đổi số trong nhiều môn học. Ảnh: NTCC

Chấp nhận công nghệ bằng nhiều giải pháp

Để phát huy hiệu quả chuyển đổi số, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ giáo viên về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng cơ chế chính sách và tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên về tính cần thiết trong chuyển đổi số.

Nội dung cần tập trung là quản lý số, dạy học số và một số dịch vụ số. Trong đó, tập trung quản lý chất lượng học sinh, tổ chức nhân sự, hồ sơ điện tử, văn bằng chứng chỉ; triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá học sinh, xây dựng kho học liệu số phục vụ công tác giáo dục…

“Triển khai chuyển đổi số cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại cho nhà trường và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân”, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Từ thực tiễn Trường THPT Võ Văn Kiệt, cô Nguyễn Thị Diễm Trang bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm xây dựng chương trình học chính thức về chuyển đổi số, triển khai đồng bộ trên cả nước. Các trường học được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiện đại và Internet ổn định, đặc biệt ở vùng nông thôn. Cùng đó, cần tăng cường khóa đào tạo chuyển đổi số cho giáo viên, cán bộ quản lý; tạo các diễn đàn trao đổi giữa giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa văn hóa số…

TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh một việc cần làm ngay đối với ngành Giáo dục. Theo đó, cần giữ nhịp và phát triển chuyển đổi số trong giáo dục với các phương thức dạy học mới, phi truyền thống, tồn tại song song với các phương thức và thiết chế nhà trường như hiện nay.

Xóa bỏ tư duy, nhận thức ngại, sợ công nghệ trong đội ngũ bằng nhiều giải pháp: Bồi dưỡng, phát triển năng lực số; tạo môi trường ứng dụng công nghệ số mở và mang tính thúc đẩy, khuyến khích; sẵn sàng đón nhận, chủ động thích ứng với các công nghệ hội tụ và mới nổi.

TS Tôn Quang Cường cũng nhấn mạnh việc xây dựng các nền tảng số quy chuẩn, kho học liệu số đồng bộ, có khả năng dùng chung và chia sẻ, cập nhật. Nghiên cứu, áp dụng phù hợp kinh nghiệm thành công của nền giáo dục tiên tiến đã vượt qua những thử thách ban đầu của quá trình chuyển hóa số.

Nghiên cứu, ban hành tài liệu hướng dẫn, các khung tham chiếu về năng lực số cần hình thành cho nhà giáo, nhà quản lý, người học phù hợp theo cấp học, độ tuổi; tạo cơ chế tự chủ trong tham gia và thích ứng chuyển hóa số đối với nhà trường, đội ngũ.

Cần coi quá trình chuyển hóa số trong giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, thu hút và khuyến khích sự tham gia của các lực lượng, doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng; nghiên cứu xây dựng các mô hình, điển hình về chuyển hóa số đảm bảo các mục tiêu giáo dục. - TS Tôn Quang Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...