Những năm học gần đây, nhiều trường học ở tỉnh Quảng Trị tích cực áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và hoạt động thanh toán. Nhờ chủ động chuyển đổi số giúp việc quản lý liên thông, linh hoạt, tinh gọn thủ tục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Học sinh tiếp cận kiến thức từ các phần mềm học tập
Hòa cùng xu thế chuyển đổi số, ngành Giáo dục huyện Triệu Phong triển khai nhiều giải pháp đảm bảo đồng bộ và có lộ trình hợp lý, đáp ứng yêu cầu GD-ĐT. Ngành tăng cường chỉ đạo các trường ứng dụng CNTT đổi mới hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá. Đồng thời, “số hóa” trong hoạt động quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, học bạ...
Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử được đánh giá là trường tiên phong về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Cô giáo Bùi Thị Hương Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục, nhà trường chỉ đạo các giáo viên tăng cường cập nhật, ứng dụng các phần mềm mới nhất vào hoạt động dạy học.
Trường có hệ thống hạ tầng CNTT đầy đủ, các phòng học đều có tivi, giáo viên có máy tính cá nhân nên ứng dụng rất nhanh, hiệu quả. Hơn nữa, các cán bộ giáo viên có kinh nghiệm, nhanh chóng nắm bắt tiến bộ của KHCN. Nhiều giáo viên tiên phong về ứng dụng CNTT đã tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Nhờ các ứng dụng CNTT giúp truyền tải và lan tỏa thông tin bài học đến học sinh tốt hơn.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử cho biết, trong công tác quản lý, nhà trường cũng ứng dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động, từ phần mềm quản lý nhà trường, kế toán, quản lý thư viện, chứng thư số, chữ ký số...
“Việc ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số tại Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử được thực hiện trên 3 mảng, gồm quản lý trường học, giáo viên ứng dụng phần mềm, học sinh tham gia học tập trên các phần mềm trực tuyến. Năm học này, nhà trường tích cực ứng dụng các phần mềm học tập trực tuyến, giúp học sinh vào khai thác dữ liệu do giáo viên đưa lên, tương tác, làm bài rất tốt”, cô Lam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Phong cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Sở GD&ĐT về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong dạy học, Phòng GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường về công tác chuyển đổi số.
Theo đó, việc chuyển đổi số thể hiện trên các lĩnh vực quản lý, dạy học, thanh toán... Trong hoạt động của nhà trường, các đơn vị quản lý hệ thống hồ sơ, sổ sách trên cơ sở “số hóa”, quản lý sổ học bạ điện tử. Các văn bản đều được ký bằng chữ ký số, việc phê duyệt giáo án cũng bằng ký số.
Hệ thống hồ sơ, sổ sách ngoài một số được lưu trữ bằng giấy, còn lại thống nhất thực hiện số hóa 100%; hồ sơ giáo viên cơ bản số hóa. Hơn nữa, việc liên lạc giữa nhà trường, phụ huynh cũng qua hệ thống hoặc phương tiện thông tin, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể nắm bắt thông tin.
“Việc áp dụng chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho học sinh và phụ huynh. Phụ huynh có thể tiếp cận thông tin trong công tác tổ chức giáo dục và công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường. Đối với giáo viên, việc soạn giáo án điện tử thuận tiện hơn. Công tác quản trị trường học thuận tiện hơn, mang lại hiệu quả trong giáo dục”, ông Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Phòng GD&ĐT Triệu Phong cũng liên kết phía ngân hàng triển khai việc thanh toán, thu học phí không dùng tiền mặt. Việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán giúp linh hoạt và giảm thiểu các rủi ro với học sinh, nâng cao hiệu quả quản lý. Năm học này, ngành triển khai nhân rộng trong các cấp học.
Bắt nhịp tiến bộ khoa học, tạo bước đột phá
Việc thực hiện chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục. Thông qua chuyển đổi số, giáo viên, học sinh có thêm nhiều khả năng tiếp cận nguồn tài liệu khổng lồ phục vụ cho học tập, giảng dạy; dễ dàng tìm kiếm thông tin và khai thác chuyên sâu các khía cạnh mà họ quan tâm. Đồng thời, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đóng trên địa bàn huyện miền núi, nhưng Trường THPT Hướng Hóa nhanh chóng bắt nhịp những tiến bộ của khoa học và CNTT để áp dụng trong quản lý và dạy học. Nhờ đó, đã tạo ra những kết quả tích cực, chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng lên.
Thầy Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường tập trung ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý và dạy học.
Hiện, nhà trường tập trung xử lý các hệ thống văn bản trên môi trường điện tử, tiếp tục sử dụng các phần mềm quản lý nhà trường, các phần mềm quản lý thư viện, quản lý chất lượng. Đồng thời, phối hợp phía ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ thực hiện không thu tiền mặt với học phí và các khoản thu khác. Tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trong dạy học.
“Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong trường học giúp ích rất nhiều trong hoạt động quản lý và giáo dục. Khi thực hiện văn bản điện tử giúp giảm tải giấy tờ, thông tin đến nhanh hơn, quá trình tổng hợp số liệu thuận tiện hơn. Trong việc giảng dạy, giáo viên ứng dụng các mô hình, phần mềm giúp học sinh có cách nhìn cụ thể, bao quát, chất lượng dần tăng lên”, thầy Thông nói.
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, những năm gần đây, ngành Giáo dục đang hòa mình vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Chuyển đổi số trong giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới hiệu quả, dễ tiếp cận.
Mới đây, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức The Vietnam Foundation triển khai về sử dụng mô hình Trường học mở KAV trên nền tảng giáo dục trực tuyến Khan Academy dành cho các cấp TH, THCS và THPT và triển khai Chương trình bổ trợ môn Toán. Việc triển khai mô hình Trường học mở KAV tại Quảng Trị, giúp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với môi trường học tập mở mang tính quốc tế.
Những năm gần đây, ngành Giáo dục Quảng Trị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; khai thác hiệu quả các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, quản trị và dạy học.
Kết nối, tích hợp các phần mềm, các hệ thống thông tin quản lý hiện có của ngành. Kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT và Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC của tỉnh. Tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, học bạ số, số hóa dữ liệu trường học.