Đặng Trần Diễm sinh năm 1705 quê ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội). Ông là viên quan mẫu mực nên được vua tin dùng, giao cho nhiều trọng trách: Giám thị, giám khảo, biên tu...
Đặc biệt, vì tài năng nên ông được phong làm Đông các đại học sĩ - một chức danh vốn chỉ dành riêng cho những người có học vị Tiến sĩ. Ông cũng là cha của ba vị Tiến sĩ nổi tiếng: Lý Trần Quán, Lý Trần Dự và Lý Trần Thản.
Đỗ Cử nhân vẫn được phong Đại học sĩ
Đặng Trần Diễm là một nhân vật đặc biệt - một cử nhân nhưng lại được phong đến Đông các đại học sĩ và là người hiếm hoi trong lịch sử khoa bảng Việt Nam được đặc cách. Chính tài năng và đức độ của ông đã quyết định việc được đặc cách đó.
Hơn nữa, đây cũng là trường hợp điển hình của việc trọng dụng nhân tài, thể hiện truyền thống hiếu học của gia đình Việt Nam - PGS.TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM).
Vì những biến động lịch sử nên hiện nay, các nguồn sử ghi chép về danh sĩ Đặng Trần Diễm còn khá ít ỏi. Gia phả họ Đặng Trần ở Vân Canh có ghi rằng, Đặng Trần Diễm lúc mới được sinh ra thể trạng rất yếu ớt và có hoàn cảnh nghèo nàn. Tuy nhiên, lại thông minh và có chí rèn tập chữ nghĩa thánh hiền.
Tuyên truyền Đặng Trần Diễm học thầy giỏi là Thám hoa Vũ Thanh trường Hào Nam. Không chỉ học đâu hiểu đấy, học một biết mười, Đặng Trần Diễm còn biết cách biến chữ của thầy thành vốn liếng của mình để dùng ngay vốn đó dạy lại cho người khác. Bởi vậy, Đặng Trần Diễm là một trong những trường hợp hiếm có - làm thầy ngay khi còn là học trò.
Khoa thi Hương năm 1730, ông vượt qua được tứ trường, đỗ cống sinh. Trong sự nghiệp quan trường của mình, Đặng Trần Diễm đã trải qua khá nhiều chức vụ từ tri huyện Đông Ngàn đến hiến sát sứ Hải Dương, rồi tri phủ Trường Khánh…
Tuy nhiên, điều vinh dự nhất là mặc dù ông chỉ đỗ trung khoa nhưng lại được phong làm Đông các đại học sĩ - chức vốn chỉ dành cho những vị đỗ đại khoa (tòng tứ phẩm, hạng 4/9 bậc quan chế thời phong kiến).
Việc vua phá lệ phong cho một cử nhân lên làm Đông các đại học sĩ có thể chứng minh điều đó và có thể thấy rằng, Đặng Trần Diễm gần như là nhân vật duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam được hưởng đặc cách này. Tiếp đó, ông còn được ban nhiều sắc thời Cảnh Hưng vào các năm 1767, 1769… phong làm Hiển cung đại phu, Tu thận Thiêu doãn trung liệt…
Cùng theo gia phả họ Đặng Trần ở Vân Canh, sau khi lấy vợ và sinh được 3 con trai, Đặng Trần Diễm đã đổi cho các con mang họ Lý, lập ra một chi họ Lý Trần gốc họ Đặng. Ông chăm lo dạy dỗ, giáo dục các con từ nhỏ nên cả 3 người con đều chăm chỉ học hành, đều học rất giỏi và đều đỗ tiến sĩ.
Trong đó, người con thứ và người con út đỗ đồng khoa (huynh đệ đăng khoa). Một gia đình có cha đỗ cử nhân (Vua phong Tiến sĩ vì đã có công dạy 3 con) và 3 con trai đỗ Tiến sĩ. Điều đáng trân trọng hơn là tất cả đều là những đại thần liêm chính, hết lòng vì nước vì dân, không sợ ngay cả cái chết.
Đặng Trần Diễm dạy 3 con đỗ Tiến sĩ. Ảnh minh họa: ITN. |
Người con bất khuất
PGS.TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM) cho biết, gia đình Đặng Trần Diễm có thể được coi là gia đình khoa bảng vì có ba vị Tiến sĩ.
Mặc dù đây không phải là gia đình có người đỗ Tiến sĩ nhiều nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, nhưng đây vẫn là một trong những gia đình khoa bảng quý hiếm thực sự đạt được chuẩn mực “con hơn cha, nhà có phúc”.
Theo các nguồn sử liệu, con cả của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Quán đỗ Tiến sĩ năm 1766, con thứ là Lý Trần Dự đỗ Tiến sĩ năm 1769 và con út là Lý Trần Thản đỗ Tiến sĩ đồng khoa với anh trai mình năm 1769.
Lý Trần Quán sinh năm 1734, đỗ Tiến sĩ năm 1766, nguyên quán huyện Từ Liêm, người thật thà, chất phác, rất có hiếu. Có lần ông tâm sự với người thân: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”.
Tháng 6 âm lịch năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long, quân Trịnh vỡ trận. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải liệu không cầm cự nổi, đã phải rời bỏ kinh thành, đi theo chỉ còn vài cận thần cùng hơn ngàn quân dắt díu nhau đến địa phận huyện Yên Lãng.
Đến nơi, chúa hỏi cận thần rằng ở địa phương này có ai giỏi, vào hàng tiến sĩ không? Có người biết chuyện chỉ chỗ ở của tiến sĩ Lý Trần Quán tại làng Hạ Lôi, giữ chức Tri Lại phiên tại phủ chúa và đang đi chiêu phủ tại địa phương.
Khi Quán đến yết kiến, chúa Trịnh Khải nhờ tìm người bảo vệ và đưa đến địa giới huyện Yên Lãng. Quán tiến cử người học trò cũ tên Nguyễn Khang. Sợ để lộ tung tích chúa Trịnh, Quán nói nhờ Khang đưa đường dùm cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích. Song Khang biết rõ chuyện thực và báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải.
Lý Trần Quán được tin chúa bị bắt, vội vàng chạy đến nơi Trịnh Khải đang bị giam giữ, vừa lạy vừa khóc, nói: “Làm lầm lỗi chúa đến thế này là tội ở tôi”. Lý Trần Quán thử đem nghĩa lớn dụ bảo Trang để Trang tha cho chúa, nhưng Trang đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.
Sau đó Nguyễn Trang bèn giải Trịnh Khải đi. Đến một quán nước ven đường, Trịnh Khải cướp con dao của nhà hàng đâm vào cổ tự tử, hôm đó là ngày 27 tháng 6. Nguyễn Trang đành đem thi thể Trịnh Khải nộp cho quân Tây Sơn. Thấy cái chết cứng cỏi của Trịnh Khải. Nhờ công này, Nguyễn Trang được Nguyễn Huệ bổ làm trấn thủ Sơn Tây, phong là Tráng liệt hầu.
Không cứu được chủ, Lý Trần Quán về nhà bảo với học trò rằng: “Ta là bầy tôi mà làm lầm lỡ chúa, tội ta đáng chết. Nếu không chết thì không giãi tỏ lòng này với trời đất được”. Ông sai người đào huyệt, đặt sẵn áo quan, Lý Trần Quán mặc đủ mũ áo, tự nằm vào áo quan rồi sai người đem chôn sống vào ngày 29 tháng 6 âm lịch năm 1786 - hai ngày sau khi Trịnh Khải chết.
Lý Trần Quán được truy phong Công bộ Thượng thư, tước Dực Quận công, Lý Trần Quán còn được phong làm phúc thần. Đời sau có đôi câu đối về hành trạng của ông rằng: “Khảng khái cần vương dị/ Thung dung tựu nghĩa nan” (nghĩa là: Khảng khái làm việc cần vương thì dễ, ung dung làm trọn đại nghĩa thì khó).
Vì không cứu được chúa, Lý Trần Quán đã tự nằm trong quan tài và sai người khác chôn sống. Ảnh minh họa: INT. |
Con hơn cha, nhà có phúc
Người con thứ của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Dự cũng là một nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, năm sinh năm mất của ông vẫn còn nhiều nghi vấn. Trong văn bia đề danh có ghi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (1769). Ông làm quan đến chức Đô chức sự trung, sau thăng lên làm Đốc đồng Lạng Sơn. Khi mất, ông được phong chức Đãi chế viện hàn lâm, Lâm tá lang.
Người con út của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Thản, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (1769) đồng khoa với anh trai Lý Trần Dự rồi làm tri huyện Phú Xuyên, ông cũng là con rể của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Lý Trần Thản trải qua nhiều chức quan, như: Hữu tư giảng để cùng Nguyễn Lệ (giữ chức tả tư giảng) dạy con trai chúa là Trịnh Khải; Biên tu; Đốc lĩnh các đạo Hưng - Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Sau ông làm tới Thượng thư bộ Binh; tham dự việc trông coi biên soạn sách ở Viện Hàn lâm.
Ông được ban 5 sắc phong, được tặng tước bá, phong Đông các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, truy tặng Trung lương đại vương, Trung đẳng phúc thần, tước Tuy quận công. Ông còn được phong tặng hai mỹ tự: “Đoan nhã, chính trực”. Ông là một trong những người được phong tặng nhiều chức, tước, phẩm, hàm nhất dưới thời phong kiến.
Về Lý Trần Thản - con thứ ba của cụ Đặng Trần Diễm, từ xưa đã có những thông tin khó xác định. Rằng, ông vốn chỉ là con của một bà thứ thất của Đặng Trần Diễm. Gia phả chi họ Lý Trần ở Lê Xá, Duy Tiên, Hà Nam ghi rõ việc Đặng Trần Diễm khi mới ở tuổi 16, 17 đã từ Vân Canh xuống tận đây dạy chữ trong một gia đình họ Trần để lấy lương ăn mà tiếp tục học cao lên.
Tại đây cậu giáo đã sớm gá duyên cùng người con gái của gia đình này, nhưng không phải là chính thất. Tuy nhiên một người con trai đã ra đời vào năm 1721 khi kể cả tuổi mụ Đặng Trần Diễm mới là 17. Người con trai này được gọi là Lý Trần Thản, vừa là hậu duệ chi họ Đặng Trần làng Vân Canh (Hà Nội), vừa là tổ phụ chi họ Lý Trần ở Lê Xá (Hà Nam).
Ông ra đời trước hai người anh của mình nhiều năm, nhưng không chính thất nên phải làm em. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, cụ Lý Trần Thản cho dù gốc gác còn nhiều điều mờ tỏ, thậm trí chưa rõ ràng và đặc biệt có nhiều nỗi éo le, nhưng cuối cùng thì hạnh phúc lớn của đời người là biết được nguồn cội, dò tìm được chỗ nông sâu của dòng tộc.