Chuyên gia Nga nói về gói trừng phạt của Nhật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia Nga, Tokyo theo lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng vẫn giữ cho mình các ngoại lệ quan trọng, có lợi cho kinh tế Nhật.

Chuyên gia Nga nói về gói trừng phạt của Nhật

Nhật Bản ban hành gói trừng phạt mới

Vào ngày 26/5, Nhật Bản đã đưa ra một gói trừng phạt chống Nga tiếp theo.

Theo thông điệp mới nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, danh sách trừng phạt các chủ thể và cá nhân ở Nga mới được cập nhật bao gồm 17 cá nhân và 78 tổ chức từ Nga có tài sản ở Nhật Bản đang bị đóng băng.

Đặc biệt, các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng đối với một số quân nhân Nga, bao gồm tướng Mikhail Zusko, chỉ huy Quân đoàn vũ trang liên hợp thứ 58 của Quân khu phía Nam, và Mikhail Matveevsky, chỉ huy các đơn vị tên lửa và pháo binh của Lực lượng Lục quân Liên Bang Nga.

Danh sách những cá nhân tương tự còn bao gồm cả ông Yan Novikov, chủ tịch hội đồng quản trị và thành viên hội đồng giám đốc của Tổng Công ty Cổ phần Nhà nước chuyên về lĩnh vực Phòng không – Phòng thủ tên lửa VKO “Almaz-Antey”.

Thêm một danh sách riêng bao gồm 7 cá nhân từ Crimea và 4 vùng lãnh thổ mới được Nga sáp nhập hồi tháng 9 năm ngoái là Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR), Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR), hai tỉnh Kherson và Zaporozhye.

Lệnh hạn chế xuất khẩu cũng đang được áp dụng cho 80 công ty, chủ yếu liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga.

Trong số các công ty Nga có tài sản bị Tokyo phong tỏa, cũng có nhiều doanh nghiệp hàng không và công nghiệp quốc phòng.

Tính tổng cộng cho đến nay, danh sách trừng phạt của Nhật Bản hiện bao gồm 700 cá nhân từ Nga và 207 tổ chức. Hạn chế xuất khẩu theo tất cả các gói trừng phạt do Tokyo áp đặt đã ảnh hưởng đến 437 pháp nhân.

Trong số những biện pháp trừng phạt đang có hiệu lực, lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga đang được thực thi, bao gồm xe hơi sang trọng, đồ uống có cồn đắt tiền, mỹ phẩm và đồ da.

Nhật còn cấm xuất khẩu sang Nga thiết bị công nghệ cao để lọc dầu, một số loại sản phẩm y tế, chất bán dẫn, máy tính lượng tử và linh kiện của chúng.

Ngoài ra, còn có máy bay, kính hiển vi điện tử, kính hiển vi lực nguyên tử, máy in 3D và vật tư thay thế, thiết bị sản xuất đi-ốt phát sáng hữu cơ, thiết bị sản xuất mạch vi cơ điện tử, thiết bị sản xuất pin mặt trời hiệu suất cao, máy bơm chân không, thiết bị làm lạnh được thiết kế cho nhiệt độ cực thấp, vật liệu làm phức tạp việc phát hiện sóng điện từ và các thiết bị khác.

Lệnh cấm cũng đã được đưa ra đối với các khoản đầu tư mới và việc cung cấp một số dịch vụ tài chính cho Nga.

Về các sản phẩm nhập khẩu từ Nga, Nhật đã áp dụng lệnh cấm các doanh nghiệp nước này nhập khẩu vàng, máy công cụ, một số loại gỗ và rượu vodka từ Nga.

Nhật thuận theo Mỹ nhưng vẫn bảo đảm lợi ích của mình

Bình luận về lệnh trừng phạt mới nhất của Nhật Bản đối với Nga, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RSMD), Phó Giáo sư Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) Ivan Timofeev nhận định rằng, điều này là dễ hiểu bởi Tokyo không thể cưỡng lại quyết định của Mỹ.

Theo ông, đây là một giai đoạn trắc trở trong quan hệ Nga-Nhật, nhưng mức độ ảnh hưởng của Tokyo trong thương mại và tài chính thế giới không thể so sánh với Washington.

Ngoài ra, chuyên gia lưu ý rằng, tầm quan trọng của các hạn chế mới của Nhật Bản không quá lớn, bởi vì doanh nghiệp nước này đã tuân thủ theo các hạn chế trước đó của Mỹ, nên các biện pháp mới của Tokyo sẽ thay đổi rất ít và khó có tác động gì lớn đối với kinh tế hai nước.

Vị chuyên gia Nga chỉ ra, làn sóng trừng phạt mới của Tokyo có liên quan chặt chẽ đến kết quả của hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức từ ngày 19 đến 21/5 vừa qua tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Trong phạm vi chính sách của khối phương Tây này, các nước G7 phải phối hợp với nhau về các biện pháp chống Nga và Nhật Bản cũng không thể đứng ngoài.

Tuy nhiên, mặc dù các hạn chế trừng phạt mới của Nhật Bản phù hợp với các hạn chế của Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Tokyo không sao chép, lặp lại các lệnh trừng phạt của Washington một cách mù quáng, mà luôn giữ lại các ngoại lệ quan trọng đối với lợi ích của nước này.

Ông Timofeev chỉ ra, Tokyo đã không nghe theo Mỹ trong vấn đề nhập khẩu cá và hải sản của Nga, vì Nhật Bản có lợi ích trong lĩnh vực này. Tình hình cũng diễn ra tương tự với việc nhập khẩu dầu và năng lượng, bởi nước này có một số ngoại lệ ở đây liên quan đến an ninh năng lượng của mình.

Theo giới phân tích, chính quyền Tokyo đang áp dụng một chính sách đúng đắn, vừa không làm mất lòng Mỹ nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế của đất nước.

Nhật Bản là một quốc gia có mức độ tự cung tự cấp lương thực thấp và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, đặc biệt là về lương thực, năng lượng, mà Nga là một quốc gia gần gũi về mặt địa lý nên việc mua nhiên liệu của Nga luôn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn so với việc mua từ Mỹ hay Trung Đông.

Nhật Bản nghèo tài nguyên, phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu cho gần 90% nhu cầu của mình, xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng rủi ro an ninh năng lượng, đồng thời dẫn đến một số quyết định khó xử cho Tokyo, ví dụ như lệnh trừng phạt nhiên liệu của Nga hay các dự án hợp tác dầu khí ở vùng Viễn Đông với Nga như dự án Sakhalin-2, mà các công ty Nhật Bản là Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp đang tham gia.

Bên cạnh đó, lương thực và chăn nuôi cũng là điểm yếu của Nhật Bản khi đất đai canh tác ít, chi phí nuôi trồng tăng cao, trong khi sản lượng suy giảm nghiêm trọng, khiến nước này phải nhập khẩu phần lớn lương thực và thực phẩm phục vụ cho đời sống.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng chỉ ra thêm một nguyên nhân có ảnh hưởng lớn tới các quyết định của Nhật Bản là vấn đề chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nga đang kiểm soát (Nhật Bản gọi là “Vùng Lãnh Thổ Phương Bắc”). Điều đó đã khiến chính quyền Tokyo dè dặt khi đưa ra các quyết định cứng rắn với Moscow.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.