Chuyên gia góp ý xây dựng Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học 

GD&TĐ - Phiên họp về “Xây dựng Khung Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) diễn ra chiều 28/12.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Phiên họp do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì và được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT - do Văn phòng Hội đồng phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Vai trò của giáo dục đại học tiếp tục được khẳng định

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, năm 2020 có 240 trường đại học, học viện bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Quy mô đào tạo được cải thiện đáng kể cùng với cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, tiệm cận với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Chất lượng giáo dục đại học được nâng cao, từng bước khẳng định được uy tín trên trường quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước.

Giáo dục đại học đã gắn kết hơn với nghiên cứu khoa học; thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới được cải thiện (2016 – 2020). Lần đầu tiên Việt Nam có 4 trường đại học được ghi nhận trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới; nhiều trường, nhiều ngành đào tạo đã từng bước sánh ngang với các nền giáo dục hiện đại, chất lượng cao trên thế giới.

Có thể thấy, giáo dục đại học ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh mới, vai trò của giáo dục đại học tiếp tục được khẳng định như là một đột phá chiến lược về phát triển con người toàn diện “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam”.

Báo cáo cũng nêu, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được giải quyết để nâng cao năng lực toàn hệ thống. Do đó, cần tiếp tục phát triển giáo dục đại chúng, có trọng tâm, trọng điểm và phát triển tinh hoa; đào tạo tập trung vào đầu ra với mục tiêu hình thành thế hệ nhân lực có khả năng, kĩ năng khởi nghiệp với khát vọng phát triển đất nước.

Phát triển giáo dục đại học gắn liền với chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội, thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Có như vậy, giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới mới có thể hoàn thành sứ mạng của mình.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Đồng bộ với các chiến lược phát triển khác

Theo dự thảo Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu chung là phát triển nền giáo dục đại học chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và hiện đại, đáp ứng yêu cầu và dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ ghi nhận, Khung chiến lược được xây dựng khoa học, gọn, rõ với 3 chiến lược để phát triển đột phá để phát triển đại học. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thanh Phương lạc quan cho rằng, mục tiêu chung hơi khiêm tốn; do đó có thể phấn đấu cao hơn, cạnh tranh với các quốc gia như: Malaysia, Singapore...

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, dự thảo Khung Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã có nhiều điểm tiến bộ. Tuy nhiên, cần làm rõ nội hàm về đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, nếu không làm rõ nội dung này thì nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học sẽ chỉ là “khoa học vị xuất bản”….

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn - nhấn mạnh, dự thảo sẽ có những bổ sung và bám sát quan diểm, định hướng nhiệm vụ, giải pháp, thể hiện nhất quán với quan điểm Nghị quyết của Trung ương Đảng, trong đó có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Đồng thời, phải đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và chiến lược phát triển giáo dục, phát triển khoa học công nghệ… Mặt khác, cần có thêm nhiều góc nhìn từ phía cơ sở giáo dục đại học để định hình rõ hơn giáo dục đại học trong tương lai; trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, cần huy động trí tuệ tập thể và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học trong việc đóng góp vào dự thảo Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhấn mạnh đến yếu tố quốc tế hoá; Thứ trưởng nêu ý kiến, cần đẩy mạnh hơn nữa nội dung này; đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính…

Dự thảo Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề xuất, giáo dục đại học trở thành thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, là động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước. Người dân được tiếp cận dễ dàng, công bằng với giáo dục đại học chất lượng tốt. Đến năm 2045, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ