Chuyên gia đề xuất quy định về tốt nghiệp THPT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý

Điều 32 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT quy định:

Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.

Học sinh học hết chương trình THCS có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được trưởng phòng GD&ĐT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT; được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nếu có nhu cầu.

Nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, Viện Đo lường Đánh giá Phát triển Giáo dục (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới”.

PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa các nội dung trên trong dự thảo Luật. Theo đó, với bậc tiểu học, nhóm nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa: Học sinh học hết chương trình giáo dục tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường tiểu học cấp Giấy chứng nhận việc hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Lý do: Học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, khi đăng ký vào trường THCS nào, chỉ cần nộp Giấy chứng nhận, không bắt buộc phải nộp cả quyển học bạ, thuận lợi cho các trường THCS khi lưu giữ hồ sơ của học sinh tiểu học chuyển lên THCS...

PGS.TS. Nguyễn Phương Nga trình bày đề xuất của nhóm nghiên cứu
PGS.TS. Nguyễn Phương Nga trình bày đề xuất của nhóm nghiên cứu 

Với bậc THCS, nhóm nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa: Học sinh học hết chương trình giáo dục THCS có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường THCS cấp Giấy chứng nhận việc hoàn thành chương trình giáo dục THCS.

Lý do: Phòng GD&ĐT huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS trên cơ sở danh sách điểm học tập của học sinh do Hiệu trưởng Trường THCS xác nhận và gửi tới Phòng GD&ĐT. Về bản chất, Hiệu trưởng cấp Giấy Chứng nhận và Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS, chất lượng của học sinh sẽ không thay đổi. Vì vậy không nhất thiết bắt buộc phải cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Khi Nhà nước công nhận Giấy Chứng nhận do Hiệu trưởng cấp, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục khác cũng sẽ công nhận Giấy chứng nhận do Hiệu trưởng trường THCS cấp. Uy tín và chất lượng của 1 trường THCS sẽ ảnh hưởng ngay đến “vị thế của Giấy chứng nhận” này trong cộng đồng xã hội. Vì thế Hiệu trưởng các trường THCS sẽ phải duy trì uy tín và chất lượng của trường để tuyển được nhiều học sinh tiềm năng đăng ký vào học tại trường mình...

Với cấp THPT, nhóm nghiên cứu đề xuất: Học sinh học hết chương trình giáo dục THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục GDPT. Học sinh được Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT, nếu dự thi kỳ thi THPT quốc gia đạt yêu cầu.

Lý do sửa: Sự sửa đổi cho thấy sự logic liên thông về cấu trúc chung là: khi học hết 1 chương trình (từ tiểu học đến THPT), nếu học sinh đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT, ở cả ba bậc học, Hiệu trưởng sẽ là người ký Giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình...

Hầu hết các ý kiến chuyên gia tại tọa đàm đều đồng tình với đề xuất của nhóm nghiên cứu, trong đó Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận việc hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, THCS, THPT; học sinh muốn được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia. Một số ý kiến băn khoăn với cụm từ “Học sinh học hết chương trình THPT” và đề xuất nên thay từ “hết” bằng “tích lũy đủ khối lượng” hoặc “hoàn thành khối lượng quy định”... Có ý kiến cho rằng, Giấy chứng nhận do Hiệu trưởng cấp có giá trị như thế nào, điều này cần nêu rõ trong luật...

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi, góp ý về nội dung kiểm định chất lượng giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cùng trao đổi và lắng nghe ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến tâm huyết để hoàn thiện chính sách cho Ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.