Đề xuất chính sách cụ thể về tài chính cho GD

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Có nên quy định cứng 20% NSNN cho giáo dục?

Nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, Học viện Tài chính được giao chủ trì đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục ở Việt Nam”. Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của nhóm nghiên cứu, “quy định tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi NSNN hằng năm” được ghi trong Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực hiện quy định này thời gian qua cho thấy, việc phân bổ NSNN cho GD&ĐT ở nhiều địa phương khác nhau vẫn chưa được đảm bảo. Chưa có quy định mang tính bắt buộc và các biện pháp đảm bảo thực hiện quy định về tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi NSNN hằng năm. Vì vậy, quá trình sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục lần này, cần có chính sách cụ thể về vấn đề này.

Cũng theo báo cáo tác động, do quy mô GDP của Việt Nam còn thấp nên dù tỷ lệ chi cho GD&ĐT trên GDP cao nhưng nguồn lực tài chính huy động được vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu cho phát triển của GD&ĐT. So sánh trong cùng nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp thì tỷ lệ chi tiêu cho GD&ĐT của Việt Nam không phải quá cao.

Ngoài ra, quyết toán chi NSNN cho GD&ĐT nếu loại trừ học phí trong giai đoạn 2012 – 2016, chưa khi nào NSNN đáp ứng được 20% tổng chi NSNN như quy định trong Nghị quyết. Tỷ trọng chi NSNN cho GDĐT còn rất khác nhau giữa các địa phương.

Trả lời câu hỏi có nên đưa nội dung quy định chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm vào trong luật, báo cáo tác động của nhóm nghiên cứu đưa ra 3 phương án đề xuất.

Theo đó, phương án 1: Cần phải đưa quy định trên vào Luật Giáo dục sửa đổi để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn trong việc ràng buộc trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước trong quy trình ngân sách, đặc biệt là trong chấp hành ngân sách nhà nước.

Phương án 2: Có đưa quy định về tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục trên tổng chi ngân sách, nhưng quy định một khung tỷ lệ để Chính phủ và chính quyền địa phương căn cứ vào nhu cầu phân bổ ngân sách nhà nước cho các mục tiêu phát triển để quy định theo từng năm.

Phương án 3: Giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.

Nêu quan điểm về nội dung này, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) – nghiêng về phương án 1; đồng thời đề xuất thêm: Khi xây dựng dự toán ngân sách và báo cáo ngân sách chi cho giáo dục của trung ương và địa phương phải có sự tham gia của ngành Giáo dục, điều này phải được ghi vào trong luật.

TS Nguyễn Văn Ngữ (Trường ĐH Hòa Bình)- nguyên Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) - đồng quan điểm cần quy định nội dung chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm vào trong luật. Trong điều kiện hiện nay, nếu không ghi rõ nội dung trên vào luật thì khi nền kinh tế thay đổi, có khi đầu tư cho giáo dục sẽ không đạt yêu cầu. “Vấn đề là phải làm rõ cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục” – TS Nguyễn Văn Ngữ cho hay.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh nên ghi rõ quy định chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm. “Năm 2019, ngành Giáo dục Hà Nội được giao dự toán khoảng 26% thì may ra cuối năm thực hiện mới được 20%” – ông Lê Ngọc Quang chia sẻ từ thực tế địa phương.

Cùng với phần lớn các ý kiến đồng thuận với con số 20%, cũng có ý kiến cho rằng, để đưa ra tỷ lệ này cần có luận cư khoa học, rõ ràng hơn, tính toán chính xác hơn; đồng thời lưu ý, chi cho giáo dục phải đánh giá được hiệu quả…

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại tọa đàm
Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại tọa đàm 

Quan tâm đến chính sách cho sinh viên sư phạm

Ngoài tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục, vấn đề học phí sư phạm cũng là vấn đề trọng tâm được trao đổi. Theo đó, các ý kiến đều đồng ý không nên tiếp tục cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm; đồng thời đề cập đến chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên sư phạm. Cùng với đó là các chính sách thu hút khác như việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường, thu nhập của giáo viên...

Riêng về chính sách tín dụng sư phạm – một điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi – nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính đã có báo có tác động về vấn đề này. Theo báo cáo, trên thực tế, Việt Nam đang thực hiện một chính sách tín dụng HSSV bằng nguồn NSNN để cho vay ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo cơ hội học tập. Dù đã thực sự đem lại cơ hội học tập cho HSSV và đảm bảo công bằng xã hội, tuy nhiên, chính sách hiện nay đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh cơ chế tài chính cho giáo dục đang có những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, đã đến lúc phải nghiên cứu một cơ chế tín dụng giáo dục theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập của người học.

Đề xuất phương án xây dựng chính sách, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 phương án. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành về tín dụng HSSV với mục tiêu hỗ trợ cho HSSV thuộc các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các cơ sở giáo dục.

Phương án 2: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi (ưu đãi về lãi suất và thời gian trả nợ) đối với HSSV là các đối tượng chính sách hoặc trong các lĩnh vực ưu tiên trong Luật Giáo dục; nâng mức cho vay bằng với mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

Phương án 3: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi đối với HSSV thuộc đối tượng ưu tiên đào tạo trong Luật Giáo dục; hình thành cơ chế vay trả linh hoạt, để vừa đảm bảo việc hiện chính sách an sinh xã hội, vừa giúp tăng trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

So sánh 3 phương án nêu trên, theo nhóm nghiên cứu, phương án 2 là có nhiều tác động tích cực nhất mặc dù phương án này gây nên áp lực về tiền vốn cho Chính phủ để thực hiện phương án. Nhưng so sánh về lợi ích của HSSV và Nhà nước thì phương án này vẫn là lựa chọn tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta trong giai đoạn 5 năm tới.

Bên cạnh đó, phương án 2 không có các tác động về thủ tục hành chính, cũng như không xung đột với các quy định pháp luật hiện hành. Để khắc phục hạn chế của phương án 2, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu dịch chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên cắt giảm từ các cơ sở giáo dục đại học bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam. Điều này không làm thay đổi cơ cấu chi NSNN cũng như cơ cấu chi cho lĩnh vực giáo dục. Do vậy thẩm quyền quyết định thuộc về Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.