Chuyển đổi số trong giáo dục: Không phải dạy học từ xa!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, toàn cầu hóa, nên chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra như là một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, chất lượng nội dung dạy học trên nền tảng vẫn còn là một vấn đề bị bỏ ngỏ, khi thực tế, nhiều chương trình dạy học đã không được kiểm soát.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TPHCM) điểm danh bằng thẻ học đường thông minh.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TPHCM) điểm danh bằng thẻ học đường thông minh.

Bước chuyển tình thế

Chúng ta còn nhớ, trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, để đảm bảo “dừng đến trường nhưng không ngừng học”, việc học đã diễn ra thông qua dạy học trên truyền hình, online qua Zoom, Zalo, Ms team… Không khí sôi động tràn đầy cảm hứng mới mẻ không khiến chúng ta bớt âu lo khi ngày ngày, giáo viên có chuyên môn, người theo dõi phản ánh những bất cập về chất lượng và cách tổ chức bài học. Nhiều người nhận xét rằng, những bài học mới giúp duy trì việc dạy học từ xa, chứ chưa thực sự đáp ứng tiêu chuẩn “bài học số”.

Một nội dung giáo dục được chuyển đổi số cần đảm bảo: Chương trình hóa và phân hóa.

Dạy học chương trình hóa là một phương pháp sư phạm cho phép truyền thụ tri thức không cần có sự giảng dạy trực tiếp của giáo viên hoặc người hướng dẫn mà vẫn đáp ứng được những đặc điểm riêng của từng học sinh. Trong dạy học chương trình hóa, nội dung học tập được chia thành từng phần được gọi là những liều/phiếu hay đơn vị kiến thức, hoạt động của người học cũng được chia thành từng bước. Việc chuyển sang bước học tập tiếp theo phụ thuộc vào chất lượng học tập của bước trước đó. Liều trước sẽ là điều kiện, phương tiện để tiếp tục liều sau.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Công nghệ giúp phát huy năng lực người học

Trong dạy học chương trình hóa, giáo viên thường không can thiệp trực tiếp vào hoạt động học tập của học sinh mà học sinh tự học theo sự hướng dẫn của “chương trình học”. Với hình thức này, học sinh phải làm việc độc lập và phát huy tính tích cực của mình.

Dạy học chương trình hóa là cơ sở rất tốt để tổ chức tự học cho học sinh, đặt trọng tâm của quá trình dạy học vào người học và cá biệt hóa quá trình dạy học theo trình độ và năng lực của từng học sinh, do vậy phát huy được tính tích cực và chủ động của họ trong học tập. Cá nhân người học có thể tiếp thu kiến thức với lượng thời gian khác nhau, theo các diễn tiến khác nhau tùy vào kiến thức có sẵn, vào khả năng, tốc độ học tập của riêng họ cũng như phương tiện hiện đại mà họ có.

Dạy học phân hóa xuất phát từ yêu cầu bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu dạy học đối với học sinh, để giúp các em phát huy được năng lực, phù hợp với điều kiện của từng em. Với sự hỗ trợ của công nghệ, trong dạy học trực tuyến, nhiệm vụ học tập ứng với chương trình con dành cho mỗi học sinh. Nếu không có sự tương ứng này, thì không phát huy được sức mạnh của công nghệ.

Phân hóa trở thành tư tưởng khi thiết kế nội dung dạy học trực tuyến. Một chương trình dạy học phân hóa tốt cần có những tiêu chuẩn sau: (1) Chẩn đoán được năng lực người học; (2) Đưa ra chương trình học tập phù hợp với nhận thức, kĩ năng và phong cách học tập; (3) Đánh giá được quá trình học tập; (4) Dự kiến được sự phát triển, hỗ trợ được sự phát triển cho người học.

Dạy học từ xa có thể xóa nhòa khoảng cách. Nhưng chuyển đổi số còn yêu cầu hơn thế, khi thực sự làm cho việc học chủ động và phù hợp được đặt lên hàng đầu với sự hỗ trợ của công nghệ. Vì thế, bên cạnh đề cao công nghệ, thì làm cho nội dung, chương trình đạt chất lượng xứng với vai trò của nó là một vấn đề quan trọng. Mà thực tế, cần có tư tưởng, tiêu chuẩn chuyển đổi số giáo dục rồi từ đó có yêu cầu công nghệ số tương ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…