Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

GD&TĐ - Sáng 4/11, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được áp dụng theo hình thức tiếp kết hợp trực tuyến.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Chuyển đổi số không còn là phạm vi của một cơ quan, đơn vị, quốc gia mà đã trở thành làn sóng có tính chất toàn cầu.

Chuyển đổi số không phải là một điểm đến, mà là tiến trình thay đổi từ phương thức cũ sang phương thức mới, thay đổi từ hệ thống hiện tại sang hệ thống số hiện đại, thay đổi từ tư duy, cách thức, điều hành mới, ứng dụng thành tựu mới nhất của công nghệ số.

Ngành giáo dục đã tích cực triển khai quá trình chuyển đổi số và chúng ta đã làm được khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, vì chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là một nhóm giải pháp, hay hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật.

Chuyển đổi số còn là cả trong suy nghĩ, nhận thức, sự am hiểu của cán bộ quản lý, nhân viên, giảng viên, giáo viên. Vì thế, chuyển đổi số trong giáo dục là lĩnh vực lớn với thách thức. Tuy nhiên, nếu chúng ta tổ chức thành công thì chuyển đổi số sẽ tạo ra cuộc cách mạng mạnh mẽ, sâu sắc trong ngành giáo dục và đào tạo.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại hội thảo
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại hội thảo

GS.TS Phạm Quang Trung cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 60 bài với nội dung đa dạng, phong phú, hàm lượng thông tin sâu sắc. Hội thảo mong muốn tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: Thứ nhất, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, gồm: lưu trữ thông tin, dự báo, hỗ trợ các kết nối, giúp cho hoạt động điều hành của các cấp lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Thứ hai, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo bao gồm: dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học, số hoá học liệu như: Sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng ELearning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, xây dựng trường đại học trực tuyến…

Thứ ba, bàn về các mô hình giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

TS Phạm Công Hiệp tham luận theo hình thức trực tuyến
TS Phạm Công Hiệp tham luận theo hình thức trực tuyến

Tham luận về yếu tố “hiện diện ảo” trong giảng dạy trực tuyến – cảm nhận từ người học và người dạy; TS Phạm Công Hiệp - Trường ĐH RMIT – khuyến nghị giảng viên nên vào lớp học trực tuyến sớm 5 phút để trò chuyện với sinh viên và ở lại lớp học cho đến khi sinh viên rời đi. Thông thường, một số sinh viên có mong muốn ở lại để đặt câu hỏi, giảng viên có thể sử dụng cả chức năng thoại để trả lời cho người học.

“Ngoài ra, giảng viên cần phân bổ thời gian tư vấn cho cả lớp hoặc nhóm sinh viên. Hãy chia sẻ hình ảnh và thông tin liên hệ của riêng bạn. Đồng thời, thiết lập các cuộc họp như là nơi sinh viên có thể đặt câu hỏi.

Sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để đặt tất cả những người tham gia vào nền tảng giao tiếp chung, nhằm tạo cảm giác như bạn đang ngồi trong cùng một phòng với mọi người” - TS Phạm Công Hiệp chia sẻ.

Nhấn mạnh về chuyển đổi số trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, TS Đặng Văn Huấn – Phó Giám đốc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) – trao đổi 3 vấn đề, gồm: Phát triển và số hoá các khoá học; tài liệu giảng dạy cho giáo viên cốt cán; Mô hình đào tạo mới cho bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Hệ thống thông tin quản lý giáo dục nhà giáo (TEMIS).

TS Đặng Văn Huấn tham luận tại hội thảo
TS Đặng Văn Huấn tham luận tại hội thảo

TS Đặng Văn Huấn viện dẫn: trước đây, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng phổ biến nhất là in giấy nên việc truy cập và phân phối hạn chế. Đặc biệt, rất ít khoá học trực tuyến chính thức cho bồi dưỡng thường xuyên giáo viên.

Tuy nhiên, hiện nay ETEP phát triển và số hoá các khoá học, tài liệu giảng dạy trong hệ thống quản lý học tập (LMS). Hệ thống này sẽ được truy cập không giới hạn các khoá học. Tài liệu hướng dẫn mọi lúc, mọi nơi dành cho tất cả giáo viên.

Hiện, mô hình áp dụng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tổ chức theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp thông qua lớp học ảo theo công thức: 7-2-7.

Cụ thể: 7 ngày đọc tài liệu, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên chủ chốt và hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên LMS trước khi tham gia khoa học trực tiếp. 2 ngày tập huấn trực tiếp qua lớp học ảo dưới sự hướng dẫn của giảng viên chủ chốt. 7 ngày hoàn thành bài tập cuối khoá dưới sự hỗ trợ của các giảng viên chủ chốt và hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.

Hội thảo đã nghe 7 tham luận của các chuyên gia, diễn giả gồm: Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; Siêu tự động hoá để tăng cường hiệu quả hành vi học tập trực tuyến của sinh viên; Yếu tố "hiện diện ảo" trong giảng dạy trực tuyến - cảm nhận từ người học và người dạy; Chuyển đổi số trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông: Chia sẻ kinh nghiệm từ Chương trình ETEP; Chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục: Mô hình giảng dạy trực tuyến cho trường học; Các công cụ diễn giải trực tuyến: Đánh giá tài liệu và đề xuất nghiên cứu thêm; Xây dựng và vận hành trường học trực tuyến tại các trường học của quận Ba Đình: Quá trình triển khai và bài học kinh nghiệm.
Sau phần tham luận, hội thảo có phần thảo luận sôi nổi với các nội dung xoay quanh các vấn đề nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ