Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là công việc lớn, có tính chất bao trùm và khó nhưng không thể không làm với những giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Một số ý kiến đề xuất, để triển khai thực hiện Đề án cần xây dựng dự án mang tính tổng thể; trong đó sẽ ưu tiên nhiệm vụ nào thực hiện trước, nhiệm vụ nào thực hiện sau. Ngoài ra, cần rà soát lại một số phần mềm mà hiện nay một số địa phương đang sử dụng. Từ đó, tư vấn cho địa phương sử dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục; đồng thời khẳng định, đây là việc lớn, khó và phức tạp với nhiều thách thức đặt ra. Tuy nhiên, đây cũng là việc phải làm và nếu làm được sẽ có sức lan tỏa rất lớn.
Để việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục phù hợp và hiệu quả, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề như: sự tương thích với chuyển đổi số quốc gia; sự phân cấp với địa phương trong triển khai nhiệm vụ; sự tính toán, lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện sao cho có trọng tâm, trọng điểm, để vừa đảm bảo tính lâu dài nhưng cũng phải góp phần giải quyết được ngay một số vấn đề trước mắt đang đặt ra với ngành; sự thay đổi về tư duy, nhận thức, thể chế để phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi…
Tính kế thừa và đảm bảo tính bền vững cho tương lai cũng là những mục tiêu mà theo Bộ trưởng cần đạt được khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, Bộ trưởng còn đặc biệt lưu ý tới vai trò quyết định của từng đơn vị vụ, cục trong triển khai nhiệm vụ.
Bộ trưởng yêu cầu sớm ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, đồng thời, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng để phát huy hết trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT.