Chuyển đổi số - doanh nghiệp công nghệ đứng ở đâu?

GD&TĐ - Sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống.

Nhiều trường thuộc Bộ Công Thương đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực. Ảnh minh họa
Nhiều trường thuộc Bộ Công Thương đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực. Ảnh minh họa

Phương thức giáo dục mới ngày càng tương thích và đáp ứng nhu cầu học tập của người học, qua đó gián tiếp thúc đẩy nhà trường phải nhanh chóng thực hiện ứng dụng đẩy mạnh công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số, công nghệ là nền tảng

PGS.TS Bùi Thanh Tráng (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết: Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động cải cách, ban hành chính sách xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế số. Công tác chuyển đổi số gắn với nhiều lĩnh vực, nhất là trong xây dựng đô thị thông minh, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp… Vì vậy, nếu các doanh nghiệp CNTT biết tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng cho mình chiến lược đúng đắn trong chuyển đổi số, đơn vị ấy sẽ đi trước các đối thủ với lợi thế cạnh tranh lớn về công nghệ số và dữ liệu số hóa. 

Là những người đi trước và chuyên sâu về lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Hoàng Hải Long - Công ty phần mềm Quang Trung, TPHCM cho rằng: Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp nói chung và trong ngành Giáo dục đa phần giống nhau ở 3 hình thức chính: DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, buôn bán. Trường học ứng dụng công nghệ vào cơ sở vật chất lớp học, công cụ giảng dạy; Ứng dụng công nghệ trong quản lý, nghĩa là làm mới công cụ quản lý và vận hành. Cuối cùng là ứng dụng công nghệ vào hoạt động thực tiễn, với trường học đó là việc lớp học thông minh, game hóa (Gamification), lập trình…

“Theo các thống kê gần đây của Appota, Việt Nam nằm trong tốp 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối. Không những thế Việt Nam là quốc gia có chỉ số kết nối di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Điều này là điểm sáng giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với công nghệ của giáo dục. Qua đó, quá trình chuyển đổi số trong nhà trường thuận lợi và chủ động hơn” - ông Long nói. 

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, chuyển đổi số thành công, trường học sẽ tạo không gian và thời gian học linh động cho sinh viên, thúc đẩy giáo dục mở - bình đẳng – cá thể hóa. Đơn cử, thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) bùng nổ với các tên tuổi lớn trên thế giới như: Udacity, Coursera, edX, Udemy, FutureLearn, tạo điều kiện cho người học tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi. Điều này thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian, từ đó phát triển nhanh về kiến thức, nhận thức và tư duy. 

Cần quan tâm và thúc đẩy

Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cho thấy rất rõ định hướng và mục tiêu chuyển đổi số của nền kinh tế cũng như xu hướng số hóa các lĩnh vực trong đó có giáo dục. 

Theo ông Nguyễn Văn Điển - Học viện Chính trị khu vực II, về cơ bản, ranh giới của các mô hình học tập truyền thống gần như không còn ý nghĩa chi phối khi công nghệ quản lý và hỗ trợ học tập đã vượt ra khỏi khuôn khổ trường học và tạo ra những thói quen học tập mới. Tất nhiên, trong lĩnh vực giáo dục phi chính quy, các công nghệ giáo dục cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc đua về chi phí và trải nghiệm người dùng.

Ông Điển cho rằng: Thách thức lớn đến từ sự thiếu hụt nguồn lực (tài chính, công nghệ và nhân lực); thiếu hụt dữ liệu (báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo. Với doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến chi phí đầu tư rất lớn. Chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi cách thức hoạt động, hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Đó là chưa kể đến việc chuyển đổi số yêu cầu năng lực con người cao hơn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng nhìn nhận: Gần đây, thông qua việc áp dụng công nghệ mới, các nền tảng, giải pháp số tiên tiến, giáo dục đã tạo ra một cuộc cách mạng số trong công tác quản lý, dạy, học, giáo viên, học sinh… từng bước tạo sự đột phá và chuyển biến tích cực, chất lượng cho ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, để đạt được nhiều hơn các giá trị, lợi ích mà các nền tảng, giải pháp số mang lại, ngành Giáo dục cần bổ sung, ban hành thêm các quy chuẩn, chi tiết về nguồn dữ liệu giáo dục, đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp khối CNTT.

Vì vậy theo ông Dũng, trước khi thực hiện, doanh nghiệp, nhà trường phải đánh giá được mức độ sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số. Đánh giá này giúp các nhà lãnh đạo xác định những gì cần hỗ trợ thêm, bao gồm công cụ sẵn có, sự rõ ràng của các mô hình đến văn hóa tổ chức.

Đi kèm với các hình thái giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào. Tài nguyên học liệu mở là xu hướng phát triển tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Nó không chỉ giúp giảm chi phí đào tạo, mà còn gia tăng sự chủ động khai thác, nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Với sự phát triển của Internet, hầu hết các lĩnh vực đều có lợi trong việc xây dựng chính sách giá cho khách hàng của mình, và dịch vụ E-Learning không phải là ngoại lệ. Chuyển đổi số vì thế tạo ra chuyển dịch lớn cho người học và cả người dạy học trong tương lai. - TS Trần Đình Lý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.