(GD&TĐ) - Được hỗ trợ học phí, được sự giảng dạy và hướng dẫn của giảng viên giỏi, theo học chương trình của top những trường đại học danh tiếng của thế giới, ra trường có thể tìm được một công việc tốt… là những lợi ích mà CTTT mang lại cho SV. Dưới đây là ý kiến của một số SV đang theo học CNTT được PV Báo GD-TĐ ghi lại.
Huỳnh Vũ Phùng – Sinh viên năm 2 khoa Thiết kế đô thị thuộc Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM: Hiện tại, chương trình đào tạo đại học của nước ta vẫn nặng về lý thuyết nhiều hơn thực hành. Thời gian trên lớp chủ yếu là lý thuyết còn nếu muốn thực hành thì tự bản thân SV phải mày mò mà hầu như không có sự hướng dẫn hay định hướng của giảng viên. Học chủ yếu là học chay còn rất ít được thực hành. Còn khi theo học CTTT thì học và hành luôn song hành cùng với nhau. Ngay cả những môn học đại cương như Triết học, Chủ nghĩa Mác – Lênin SV cũng được đi tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham gia các nhà máy, các cơ sở sản xuất… Những buổi ngoại khóa đó chúng em học, hiểu bài nhanh nhất và lâu nhất đồng thời mối quan hệ giữa các thành viên trong một lớp trở nên khăng khít hơn. Chính điều này dẫn đến việc các nhóm làm việc rất hiệu quả. Từ việc học thụ động thì khi tham gia học trong CTTT bất kỳ một sinh viên nào muốn tồn tại phải chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động. Bởi đây là trong một một môi trường đòi hỏi sinh viên không chỉ phải học lý thuyết giỏi mà thực hành cũng phải tốt, các kỹ năng làm việc như làm việc nhóm, thuyết phục đám đông được rèn luyện và phát triển trong suốt 4 năm học. Một kết quả dường như là tất yếu đó là khi ra trường sinh viên hoàn toàn chủ động, tự tin khi bước vào môi trường làm việc bên ngoài xã hội. Tuy nhiên thông tin về CTTT đến với SV còn quá ít. Nhiều SV đáp ứng đủ các điều kiện nhưng vì không biết đến hoặc biết tới chương trình muộn nên đành bỏ lỡ. Ngay bản thân em cũng chỉ biết đến chương trình qua tờ rơi và em tự tìm đến để tìm hiểu chứ CTTT chưa quảng bá tới học sinh ngay ở những năm cuối cấp. Nếu được biết về CTTT học sinh sẽ có những bước chuẩn bị tốt hơn như về khả năng tiếng Anh ngay từ những năm học phổ thông bởi đây là một hình thức du học tại chỗ vô cùng hiệu quả. Nếu tiếp cận được tới học sinh nhiều hơn chắc chắn CTTT sẽ thu hút được rất nhiều SV theo học.
"Chương trình đào tạo đại học của nước ta vẫn nặng về lý thuyết nhiều hơn thực hành." |
Nguyễn Minh Quân – Sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM: Với một lớp học chỉ từ 15 đến khoảng 30 SV nên giảng viên có nhiều điều kiện để quan tâm tới SV do đó mối quan hệ giữa thầy và trò trong một lớp học rất thân thiết. Cả lớp coi như một gia đình chỉ thi đua học tập chứ không ganh đua học tập. Hơn nữa khi tham gia học chúng em được rèn luyện rất nhiều về kỹ năng làm việc theo nhóm cũng như khả năng tự tìm kiếm thông tin. Giữa lý thuyết và thực hành được rút ngắn lại bởi không chỉ trong giờ mà cả ngay sau giờ học thầy cô đều lán lại để hướng dẫn cả lớp phương hướng tìm kiếm tài liệu, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thế nào? SV cũng tự tin khi đứng lên trao đổi với thầy cô. Theo nhận xét của các giảng viên nước ngoài đã thỉnh giảng ở khoa Công nghệ thông tin thì cách thức làm việc của SV Việt Nam thời gian đầu còn bị thụ động nhưng bù lại đó là khả năng làm việc sáng tạo, nhiệt tình và rất ham học hỏi.
Bất kỳ một chương trình học nào khi mới bắt đầu cũng đều có những hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất đối với hầu hết các bạn SV chính là khả năng ngoại ngữ. Do học khối ngành kỹ thuật nên vốn tiếng Anh chuyên ngành của SV còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tìm kiếm tài liệu gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính từ hạn chế này mà nhà trường đã sắp xếp chương trình học để SV dần dần thích ứng và trao dồi khả năng tiếng Anh một cách tốt nhất. Chính bởi quan tâm của nhà trường đối với CTTT mà hạn chế trên dần dần được SV khắc phục.
Mai Điền Quân – Sinh viên khoa Điện – Điện tử trường Đại học Bách khoa TP.HCM: Chương trình học hoàn toàn mới và được sự hỗ trợ của Bộ GD&DT cũng như đầu tư, quan tâm của nhà trường nên SV theo học gặp rất nhiều thuận lợi từ cơ sở vật chất như lớp học, các công cụ dùng để thực hành. Ưu điểm của chương trình học thì rất nhiều nhưng một điều khiến SV luôn toàn tâm toàn ý theo học là bởi ngay từ khi bước vào năm học SV được định hướng rất rõ về nghề nghiệp mình đang theo học và công việc sẽ làm sau khi ra trường. SV không mơ hồ suy nghĩ là học ngành này ra trường sẽ làm gì, có dễ xin việc hay không?… Được thầy cô định hướng nên bức tranh về nghề nghiệp trong tương lai được SV hình dung rất cụ thể. Chính điều đó làm cho SV luôn yên tâm học tập và không ngừng phấn đấu. Bản thân những anh chị theo học CTTT khi ra trường đều đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng đồng thời rất nhiều SV đang theo học năm cuối nhưng đã được các công ty “để dành” sẵn một vị trí ở trong công ty. Chính từ thực tế đó nên CTTT cần được triển khai rộng số lượng ngành đào tạo và số lượng SV trong từng khóa học để cung cấp nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Giao Thủy (ghi)