Chương trình môn Tiếng Việt bậc Tiểu học: Coi trọng trang bị 4 kỹ năng

GD&TĐ - “Chương trình sách giáo khoa mới của môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học có những thay đổi tích cực. Chương trình được thiết kế theo hướng mở và chú trọng trang bị 4 kỹ năng: Đọc, viết, nói và nghe” - PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, nghiên cứu viên chính, người tham gia biên soạn Chương trình sách giáo khoa mới môn Tiếng Việt - nhấn mạnh khi trao đổi về chương trình môn học. 

Chương trình môn Tiếng Việt bậc Tiểu học: Coi  trọng trang bị 4  kỹ năng

Phục vụ mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh phân tích: Việc chú trọng trang bị các kỹ năng nói trên để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ của trẻ. Tầm quan trọng của mỗi kĩ năng được thể hiện từ cao nhất đến thấp hơn theo trình tự: Đọc - Viết - Nói - Nghe.

HS biết nói và nghe tự nhiên khi các em còn chưa đi học, hai kĩ năng này được tiếp tục phát triển ở những năm học trường mầm non. Nhưng chỉ khi đi học tiểu học, các em mới chính thức học đọc và học viết một cách có hệ thống. Do đó đọc, viết trong chương trình được tập trung dạy và học nhiều hơn nói và nghe.

Quá trình đi học ở cả bậc phổ thông nói chung là quá trình HS tiếp cận và hiểu tri thức, kinh nghiệm mang tính phổ thông của nhân loại. Để làm được điều này các em cần có một công cụ sắc bén đủ để tiếp cận kho tri thức kinh nghiệm khổng lồ ấy.

Công cụ đó chính là đọc. Hoạt động đọc hướng tới mục tiêu phát triển năng lực không chỉ là hoạt động đọc trơn, đọc thành tiếng để chuyển chữ viết thành âm thanh (đọc trơn thành tiếng còn gọi là đọc thông, kĩ thuật đọc).

Việc đọc trơn là kĩ năng trung gian. Việc đọc hiểu văn bản mới là kĩ năng mục đích, bởi mục đích của việc đọc là để hiểu, để tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm của người viết. Ngày nay, văn bản đọc không chỉ gồm có văn bản in mà còn bao gồm cả văn bản điện tử.

Hoạt động đọc do vậy không chỉ được hiểu là đọc sách báo in mà còn là đọc và xem các văn bản điện tử có cả chữ và hình ảnh. Chương trình sách giáo khoa môn Tiếng Việt mới chú trọng cả kĩ năng đọc trơn và kĩ năng đọc hiểu, chú trọng cả kĩ năng đọc hiểu văn bản in và đọc hiểu văn bản điện tử.

Sau đọc mới đến viết, là bởi lẽ, sau khi HS tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm, các em phải thể hiện mình đã hiểu tri thức, đã dùng được những kinh nghiệm của người đi trước.

Một trong những hình thức thể hiện quan trọng nhất là viết ra những điều các em biết thành văn bản. Do đó, viết văn bản thuộc nhiều kiểu loại khác nhau đáp ứng nhiều nhu cầu học tập và giao tiếp khác nhau là kĩ năng mục đích, là quan trọng hàng đầu trong việc học viết.

Kĩ năng viết chữ, viết chính tả là kĩ năng trung gian, nó cần được rèn luyện thành thạo ở những lớp đầu bậc tiểu học (lớp 1, 2, 3) để phục vụ cho việc viết văn bản với độ phức tạp ngày càng cao của HS.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng viết văn bản mới là đích của việc học viết; không nên tập trung quá nhiều sức lực của HS vào việc viết thật đẹp các chữ cái, các bài chính tả vì chúng chỉ là những kĩ năng trung gian có vai trò quan trọng nhất định ở mấy lớp đầu cấp.

Hơn nữa, ngay cả ở những lớp này, chương trình mới cũng đặt kĩ năng viết văn bản có vai trò quan trọng hàng đầu trong học viết.

Những  điểm khác biệt

Nói và nghe là hai kĩ năng có tầm quan trọng không cao như đọc và viết bởi lẽ trước khi vào bậc tiểu học, HS đã được học tập, rèn luyện hai kĩ năng này. Trong nghe, chương trình mới chú trọng đến kĩ năng nghe hiểu. Trong nói, chương trình mới chú trọng đến kĩ năng nói tương tác trong đối thoại, hội thoại.

Để HS nói được tự nhiên, không bị gò ép dẫn đến dễ rơi vào tình trạng bắt chước, nói do thuộc lòng điều đã viết ra, Chương trình mới chú trọng tạo các tình huống giao tiếp tự nhiên, gắn với đời sống thực của HS để các em có cơ hội rèn luyện kĩ năng nói và nghe.

Bên cạnh việc chú trọng trang bị các kỹ năng nói trên, nhìn một cách tổng thể hơn, có thể chỉ ra những điểm nổi trội khác biệt của Chương trình sách giáo khoa mới môn Tiếng Việt so với chương trình hiện hành, đó là:

Thứ nhất, chương trình xác định mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực và đã thể hiện khá toàn diện mục tiêu này qua nội dung học tập và các YCCĐ ở từng lớp.

Thứ 2, có sự liên thông, nhất quán ở cả 3 cấp học trong mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ 3, chương trình có tính mở để cho địa phương và nhà trường thực hiện linh hoạt, phù hợp với đặc điểm vùng miền, đặc điểm của từng trường; đồng thời chương trình cũng tạo ra sự thống nhất cơ bản trong giáo dục tiếng Việt cho những nhóm HS đặc biệt.

Thứ 4, chương trình chú trọng phát triển cả năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học và chỉ ra con đường phát triển năng lực thẩm mĩ trong môn học là thông qua tiếp nhận văn bản văn học và tạo lập văn bản có tính thẩm mĩ trong nội dung và biểu đạt bằng ngôn từ.q

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.